Mùa hè bolero

Lang thang trên mạng Internet, ta gặp rất nhiều hội/nhóm cựu học sinh trường này trường nọ, hình thành ở gần như khắp mọi xứ mọi miền. Song có lẽ nhiều nhất là ở hải ngoại. Có phải nỗi nhớ quê hương và nhớ tuổi học trò luôn âm ỉ trong tâm hồn người Việt Nam vốn giàu ý thức cội nguồn và tinh thần hiếu học? Có phải khi người ta càng cách xa về không gian và thời gian thì những tình cảm ấy càng thức dậy đậm đà?

Như mấy dòng thông tin về hoạt động chủ đề Trăm năm hạnh ngộ (1917-2017) của 756 thầy trò trường Trung học Phan Thanh Giản, Cần Thơ diễn ra năm nay tại thành phố Houston bên nước Mỹ. Được biết, có một cựu học sinh chịu khó mang từ Việt Nam sang hai viên ngói cũ của ngôi trường đang bị tháo dỡ này, để “các thầy cô cùng bạn bè được chạm vào hồn cốt di sản 100 năm”. Ai đó còn post thêm tấm hình chụp một bộ bàn ghế nhà trường kiểu xưa còn sót lại, và nhận được lời xuýt xoa: “Có thể mình đã từng ngồi/nằm trên chiếc bàn này rồi hổng chừng... Có cách nào mua lại được xin cho biết với... Để họ biến thành chất đốt thì tội quá”. Một thoáng tần ngần, không phải vì đây là ngôi trường của nhiều nhân vật nổi tiếng từng theo học, như Châu Văn Liêm, Lương Định Của, Phạm Hoàng Hộ, Phạm Văn Bạch, Lưu Hữu Phước, Sơn Nam... Tần ngần, bởi hơn bảy trăm thầy trò ấy, đa phần họ đã trải qua biết bao thăng trầm, vượt qua cột mốc sáu mươi năm cuộc đời để hiểu rằng “bảo tồn di sản không chỉ là giữ gìn hình hài vật chất (lẽ thường tồn) mà còn là nuôi dưỡng tinh thần (lẽ trường tồn)”, như lời một thành viên trong số họ đã bày tỏ.

Giữ lại hình hài vật chất của một ngôi trường, việc tưởng chừng không khó mà thực ra quá khó! Cái khó chẳng dành cho riêng ai, riêng địa phương nào. Ngôi trường càng xưa thì kiến trúc và kết cấu càng xuống cấp rệu rã nếu xã hội không đủ điều kiện và quyết tâm tôn tạo bảo tồn. Trong khi đó, ngôi trường càng đẹp và nằm tại vị trí đắc địa (ác nỗi, trường xưa thường lập ở ngay khu vực trung tâm!), càng dễ lọt vào tầm ngắm của nhóm người nào đó luôn sẵn chiêu thức có thể “hô biến” thành dự án ngầm hoặc nổi để ăn chia lợi ích, không xóa đi toàn bộ thì cũng xén bớt một phần ngôi trường.

Việc dễ hơn, thôi thì, thầy trò hãy ráng lưu giữ bằng cách gom góp tư liệu cũ mới thành album đưa lên mạng xã hội, hoặc dựng lại không gian theo kỹ thuật 3D tân tiến. Nếu không làm được nữa, xin giữ lại trường xưa qua... nhạc bolero vậy. “Hồn tôi đó sân trường nho nhỏ. Nước vôi xanh bờ cỏ tươi màu”. “Tôi vẫn nhớ sân trường và cây đa. Nhớ một ông giáo già, nhớ bạn bè hôm qua. Bao kỷ niệm nhắc lại khi hè đến. Ngày xưa ơi nhớ mãi không quên!” (*).

Vâng, một nhà báo đã thử phân loại nhạc bolero sáng tác trước 1975 thành nhiều dòng khác nhau căn cứ theo nội dung và tính chất, trong đó đứng đầu là dòng được anh gọi là nhạc học đường. Cứ nhẩm lại xem, các bài hát thuộc dòng này (dù đã hay chưa được cho phép phổ biến lại) đều man mác một nỗi buồn sáng trong, thánh thiện của nhiều thế hệ học trò miền Nam, những thế hệ mà chiến tranh luôn chực chờ trước cửa trường, cửa lớp. Khung cảnh lịch sử đã lùi xa về quá khứ, nhưng dòng bolero học đường ấy vẫn tuôn chảy đến hôm nay, chứng tỏ nó đã là một giá trị tinh thần được cộng đồng thừa nhận để bảo tồn, nuôi dưỡng. Nó như mảnh gương lấp lánh soi giữ hồn ta sau những lấm lem bụi bậm đời thường.

Nhắc làm chi cái buổi giao thời, thầy trò một ngôi trường nọ đã phải ngỡ ngàng trước câu hỏi khá kỳ khôi: “Hè cách mạng sao lại buồn?”. Năm từng năm, những mùa hè bolero cứ nở theo hoa phượng, mặc cho tuổi trẻ thời nay đã cập kè máy tính bảng, điện thoại thông minh... thay cho những sổ tay nắn nót dòng lưu bút. Song lại nảy thêm một dấu lặng buồn: Mấy chục năm rồi, sau chút ngoái trông “những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng”, họ sẽ hát những gì khác nữa, ngoài những hành khúc mùa hè xanh, kỳ nghỉ hồng...? Phải chăng có một nhu cầu của hôm nay đang bị bỏ trống?

(*) Trích lời nhạc phẩm bolero viết trước 1975.

Nguồn ANTT: http://antt.vn/mua-he-bolero-0128829.html