Mưa bão, dân liều mình săn gỗ trên sông

Trước những cơn mưa lớn gây ngập sâu và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, người dân thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị lại ra sông “săn gỗ”.

Ngày 14/10/2016, sau khi đi vào đất liền tỉnh Quảng Trị - Thừa Thiên Huế, áp thấp nhiệt đới đã suy yếu thành vùng áp thấp trên khu vực nam Lào, sức gió mạnh nhất dưới 40 km/h, tương đương dưới cấp 6.

Áp thấp nhiệt đới kết hợp với gió mùa đông bắc khiến Hà Tĩnh - Thừa Thiên Huế những ngày qua có mưa to, lượng mưa từ đêm 12 đến sáng 14/10 phổ biến 200-300 mm, trong đó Hà Tĩnh 150 mm; Mai Hóa (Quảng Bình) 400 mm; Thạch Hãn (Quảng Trị) 320 mm; Huế 250 mm. Theo dự báo từ Trung tâm dự báo khí tượng và thủy văn Trung ương cho biết, áp thấp nhiệt đới dù suy yếu nhưng vẫn tiếp tục gây mưa lớn ở nam Nghệ An - Huế đến hết 18/10 với tổng lượng 150-300 mm, có nơi trên 300 mm.

Nằm trong vùng tâm mưa, tại huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị có mưa to đến rất to, gây ra ngập úng ở nhiều nơi. Đặc biệt trên dòng Đakrông nước dâng khá cao và chảy khá xiết. Do địa hình khá phức tạp khi lòng sông khá hẹp, dốc, nước từ thượng nguồn đổ về mạnh khiến dòng sông có độ xoáy kinh khủng.

Hòa theo dòng nước đó chính là nhiều cây cối, thân gỗ lớn từ thượng nguồn đổ về. Mặc dòng nước xiết đầy nguy hiểm, đồng bào tranh thủ vớt những thân gỗ lớn mà không phải cất công vào rừng. Tuy nhiên đây là công việc hết sức nguy hiểm.

Những người tham gia công việc nguy hiểm này đa số đều không trang bị những trang thiết bị đảm bảo an toàn tối thiểu. Được biết, địa phương cũng đã tổ chức dân quân ngăn chặn hành vi nói trên, nhưng họ vẫn không từ bỏ bởi nếu may mắn, mỗi “đội săn gỗ” có thể kiếm tới cả chục triệu đồng/ngày.

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn, lũ hạ lưu sông Ngàn Sâu, sông Cả và sông La tiếp tục lên; thượng lưu sông Ngàn Sâu, sông Ngàn Phố, sông Gianh, sông Kiến Giang, sông Thạch Hãn xuống chậm và còn có khả năng lên lại. Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất ở vùng núi; ngập lụt nghiêm trọng tiếp tục diễn ra ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.

Gỗ được săn được dòng nước lũ cuốn từ thượng nguồn đổ về.

Ngoài việc vớt gỗ, họ còn phải đối phó với dòng nước xiết

Sau khi tiếp cận thanh gỗ, họ đóng đinh và cột dây vào thanh gỗ để dìu vào bờ, nương theo dòng nước xiết.

Và tiếp tục chờ đợi những thanh gỗ tiếp theo

Anh Thư

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/xa-hoi-thoi-su/mua-bao-dan-lieu-minh-san-go-tren-song