Mua, bán ngoại tệ trái phép bị xử lý thế nào?

Hỏi: Không ít người VN có thói quen tới các cửa hàng vàng bạc mua, bán USD để đầu tư. Do vậy, tôi bất ngờ khi thấy cơ quan truyền thông đưa tin về việc cơ quan công an vừa qua bắt quả tang vụ mua bán trái phép gần 400 ngàn USD giữa hai cá nhân và đại diện một cửa hàng vàng bạc. Đề nghị Quý báo tư vấn, hành vi này vi phạm quy định nào, có thể xử lý ra sao? (Thu Hương, Email: tranhandu@gmail.com)

Trả lời: 1.Pháp lệnh Ngoại hối (PLNH) số 28/2005/PL-UBTVQH11, ngày 13/12/2005, của UBTV Quốc hội, xác nhận quyền sở hữu và sử dụng ngoại tệ hợp pháp của người dân. Theo đó, ngoại tệ của người cư trú là cá nhân ở Việt Nam thu được từ các khoản chuyển tiền một chiều được sử dụng cho mục đích cất giữ, mang theo người, gửi vào tài khoản ngoại tệ mở tại tổ chức tín dụng được phép hoặc bán cho tổ chức tín dụng được phép; trường hợp là công dân Việt Nam thì được gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép (khoản 2 Điều 8 PLNH). Tuy nhiên, chị cần lưu ý pháp luật có quy định chặt chẽ về việc mua, bán ngoại tệ, giao dịch bằng ngoại tệ của cá nhân tổ chức cư trú tại VN, như: - Mọi giao dịch thanh toán và chuyển tiền liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ phải thực hiện thông qua tổ chức tín dụng được phép (Điều 7 PLNH). - Chỉ được mua ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép trên cơ sở xuất trình chứng từ hợp lệ để thanh toán nợ gốc, lãi và phí có liên quan của khoản vay nước ngoài và sử dụng các hình thức bảo lãnh, tái bảo lãnh và các hình thức bảo đảm khoản vay khác (khoản 2 Điều 17 PLNH). - Trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các giao dịch với tổ chức tín dụng, các trường hợp thanh toán thông qua trung gian gồm thu hộ, ủy thác, đại lý và các trường hợp cần thiết khác được Thủ tướng Chính phủ cho phép (Điều 22 PLNH, Điều 29 Nghị định số 160/2006/NĐ-CP, hướng dẫn thi hành pháp lệnh ngoại hối, ngày 28/12/2006). Tất cả hành vi mua bán, giao dịch không tuân thủ đúng theo các quy định về quản lý ngoại hối bị coi là hành vi vi phạm pháp luật (trái phép). 2. Đối với trường hợp người mua ngoại tệ không phải là Đại lý đổi ngoại tệ (như vụ việc mua bán gần 400 ngàn USD vừa bị cơ quan công an bắt quả tang), việc mua, bán ngoại tệ này là trái phép. Cụ thể: Theo quy định tại Điều 2, Điều 3, Điều 4 Quy chế Đại lý đổi ngoại tệ (Ban hành kèm Quyết định số 21/2008/QĐ-NHNN, ngày 11/07/2008): - Các tổ chức kinh tế có đủ các điều kiện theo quy định được làm Đại lý đổi ngoại tệ cho các Tổ chức tín dụng được phép. Đại lý đổi ngoại tệ chỉ được hoạt động sau khi được Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh cấp tỉnh trên địa bàn cấp Giấy chứng nhận đăng ký Đại lý đổi ngoại tệ. - Các đại lý đổi ngoại tệ chỉ được hoạt động dưới hình thức dùng Đồng Việt Nam mua ngoại tệ tiền mặt của cá nhân và không được bán ngoại tệ tiền mặt cho cá nhân lấy đồng Việt Nam. Các Đại lý đổi ngoại tệ đặt tại các khu cách ly ở các cửa khẩu quốc tế được bán ngoại tệ tiền mặt cho cá nhân mang hộ chiếu do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp theo quy định. 3. Tổ chức, cá nhân có hành vi mua, bán trái phép ngoại tệ, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. a. Xử lý hình sự: Những cá nhân mua ngoại tệ không có giấy phép, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội kinh doanh trái phép (kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy phép) theo Điều 159 Bộ luật Hình sự năm 1999, tùy mức độ nghiêm trọng có thể bị phạt tiền tới 50 triệu đồng, phạt tù tới 02 năm. b. Xử lý hành chính: Thông tư liên ngành số 11/TTLN (giữa TANDTC, Viện KSNDTC, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, ngày 20/11/1990), hướng dẫn: Đối với các trường hợp bán ngoại tệ mà người bán có một cách hợp pháp cũng như mua ngoại tệ nhằm mua hàng hóa để sử dụng thì không coi là phạm tội nhưng phải xử phạt hành chính. Nghị định số 202/2004/NĐ-CP, ngày 10/12/2004, Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động Ngân hàng, quy định: Hành vi mua, bán, thanh toán, cho vay ngoại tệ với nhau hoặc niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ không đúng quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt hành chính với mức từ 5 triệu đến 12 triệu đồng (Điểm d khoản 3 Điều 18). Cá nhân, tổ chức hoạt động ngoại hối mà không được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép hoặc giấy phép hoạt động ngoại hối đã hết thời hạn hoặc bị đình chỉ sẽ bị phạt tiền từ 45.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng (điểm a khoản 5 Điều 18). Nghị định không có quy định về việc áp dụng hình phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân vi phạm. LS Nguyễn Văn Sinh, Công ty Luật TNHH YouMe, Hà Nội

Nguồn Lao Động: http://laodong.vn/tin-tuc/mua-ban-ngoai-te-trai-phep-bi-xu-ly-the-nao/35720