Mua bán hóa đơn và gian lận thuế - Nhiều thủ đoạn mới

Nhiều vụ “làm ăn” bằng cách lập các công ty “ma” mua bán hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT), lập hồ sơ xuất khẩu khống để được hoàn thuế, mua hóa đơn để kê khống đầu vào nhằm trốn thuế… đã bị phát hiện. Nay, thêm nhiều thủ đoạn mới vừa bị phát giác, cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra xử lý hình sự.

Hợp thức hóa chi sai, rút tiền nhà nước

Ông Nguyễn Thái Sơn, Trưởng phòng Pháp chế Cục Thuế TPHCM cho biết, hành vi vi phạm pháp luật về thuế của các đối tượng ngày càng liều lĩnh và tinh vi. Nhưng việc đấu tranh thời gian qua gặp nhiều khó khăn, có vụ phải làm 7 - 8 năm mới hoàn thành. Bọn tội phạm thường lợi dụng những sơ hở của hệ thống pháp luật, lợi dụng sự quản lý yếu kém, sự tha hóa của một số cán bộ để thực hiện hành vi phạm tội. Do đó, cơ quan chức năng đang triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn.

Không cần in hóa đơn giả, nhiều phù thủy đã phù phép những chiếc hóa đơn thật để trục lợi. Chẳng hạn như ở Công ty cổ phần Dược liệu Trung ương 2 trước đây. Để hợp thức hóa các khoản chi bất hợp lý, Hoàng Thế Tân (Tổng giám đốc) và Lê Tất Tuận (Kế toán trưởng) đã cho phép nhân viên mua hóa đơn khống và kê thêm tiền vào hóa đơn GTGT vận chuyển của Công ty Dịch vụ vận tải Tiến Hưng và Doanh nghiệp tư nhân Khả Di.

2 doanh nghiệp (DN) này đã xuất cho Công ty cổ phần Dược liệu Trung ương 2 tất cả 440 tờ hóa đơn GTGT có giá trị thanh toán gần 3 tỷ đồng. Vị tổng giám đốc này còn chỉ đạo các nhân viên mua hóa đơn GTGT khống (chỉ xuất hóa đơn chứ không có mua bán thật) để hoàn thuế, rút khoảng 288 triệu đồng tiền của nhà nước và cho phép nhân viên kê thêm 1,9 tỷ đồng vào hóa đơn GTGT để hợp thức hóa một khoản tiền lớn đã chi ngoài sổ sách. Đó là “chiêu” thường được các DN sử dụng để trục lợi.

Nhưng “cao cơ” hơn là trường hợp của ông Dương Văn Năm (Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Sang) chuyên kinh doanh buôn bán lương thực. Ông này đã lập ra nhiều DN khác như Công ty TNHH Nguyễn Dương, Công ty TNHH Ngọc Giàu, Công ty CP XNK Giàu Sang, do những người thân trong gia đình đứng tên, nhưng mọi hoạt động đều do Dương Văn Năm quản lý, điều hành. Sau đó các DN của Năm đã cấu kết với Lê Văn Tre, Nguyễn Văn Luật, Lê Văn Cảnh, Trần Phú Ảnh và Đỗ Văn Bạch mua hóa đơn khống của nhiều DN ở TPHCM, Đồng Nai… để hợp thức hóa lượng hàng hóa đầu vào, chiếm đoạt tiền thuế của nhà nước.

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2007, Năm đã mua hơn 100 hóa đơn để hợp thức hóa số gạo trôi nổi nhằm trốn thuế GTGT với số tiền hơn 7,8 tỷ đồng. Sở dĩ họ mua hóa đơn ở các DN tỉnh khác là vì hoạt động quản lý thuế của cơ quan thuế chưa “với tay” kiểm tra tới các tỉnh, nhưng sự vụ đã bị cơ quan điều tra làm rõ, khởi tố hình sự.

Những chiêu thức như lập nhiều công ty “ma” để mua bán hóa đơn lẫn nhau, sau đó đi tỉnh khác mua hóa đơn để hợp thức hóa đầu vào và xin hoàn thuế để trục lợi, vừa được hưởng lợi từ số tiền thuế GTGT được hoàn từ ngân sách nhà nước, vừa tiếp tay cho các DN khác trốn thuế. Bởi vậy, lập DN “ma” là hoạt động một vốn nhiều lời.

Nguyên nhân một phần là do thủ tục thành lập doanh nghiệp quá dễ dãi, mà công tác hậu kiểm lại kém. Chỉ cần cầm giấy chứng minh nhân dân là có thể thành lập DN, đăng ký mã số thuế, mua và sử dụng một vài quyển hóa đơn (50 hóa đơn/quyển). Sau đó chỉ cần xuất khống 1 hóa đơn GTGT là đã kiếm được 20% - 50% số tiền thuế.

Lợi dụng chính sách khuyến khích xuất khẩu (hàng hóa xuất khẩu có thuế xuất GTGT là 0%), một số công ty đã lập hồ sơ xuất khẩu khống (hồ sơ đã xuất khẩu nhưng thực sự không có hàng hóa), bằng cách lập nhiều DN “ma” làm các hợp đồng mua bán, rồi xuất các hóa đơn khống để lập bộ hồ sơ đề nghị hoàn thuế.

Cách kinh doanh này thành món mồi béo bở của những tay lừa đảo mà nạn nhân thường là những người xe ôm, thợ xây… bị dụ ngọt thuê làm giám đốc. Tuy nhiên, những xảo thuật này đã nhanh chóng bị lộ diện và phải trả giá qua… song sắt nhà tù.

“Chiêu” mới: in hóa đơn trùng!

Những loại tội phạm mới khác vừa xuất hiện đã bị hội nghị ngành thuế bàn biện pháp xử lý. Cụ thể, gần đây, nhiều cửa hàng bán hàng đăng ký hóa đơn tự in và xuất hóa đơn rất đầy đủ. Tưởng như các DN này chấp hành tốt việc xuất hóa đơn. Nào ngờ, các DN này chơi “chiêu” mới. Đó là in trùng số sê ri ở những cửa hàng chi nhánh khác nhau. Tức là, một công ty có nhiều cửa hàng thì các cửa hàng này đều xuất trùng một dãy số sê ri như thế.

Như vậy, DN đó có càng nhiều cửa hàng thì số thuế kê khai chỉ bằng một cửa hàng và có thể giấu doanh số của những cửa hàng khác xuất trùng số sê ri hóa đơn. Cách làm này nay đã bị phát hiện. Tuy nhiên, theo một lãnh đạo ngành thuế, việc in trùng hóa đơn này rất nguy hiểm, sẽ bị xử lý hình sự cả người bán hàng lẫn đơn vị in hóa đơn, trong khi hành vi không xuất hóa đơn hoặc xuất hóa đơn không kịp thời, đầy đủ hầu như chỉ bị xử lý hành chính.

Một cách khác trong việc xuất hóa đơn nữa, là xuất liên 1 khác liên 2. Người mua và người bán cùng thông đồng để ghi giá trị trên liên 2 cao hơn giá thanh toán trên thực tế để đơn vị mua tăng số thuế GTGT đầu vào, được khấu trừ sai lệch với thực tế. Bên cạnh đó, hạ giá trị ghi ở liên 1 thấp xuống để khai báo lỗ, không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp.

Cụ thể như Công ty TNHH Năng Toàn, quận Gò Vấp, TPHCM có 87 hóa đơn bán hàng nhưng tổng giá bán trong liên 1 chỉ hơn 10 triệu đồng, trong khi bên mua được xuất trong liên 2 với giá trị hơn 2,1 tỷ đồng. Việc này sẽ sớm bị xử lý dứt điểm khi ngành thuế triển khai phần mềm quét mã vạch và số sê ri để phát hiện số sê ri trùng và giá trị hóa đơn khác nhau.

Trường hợp kê khống hàng nông lâm sản để hoàn thuế như Công ty TNHH Bình Phong ở đường Hậu Giang, phường 11, quận 6 cũng thế. Lợi dụng việc luật thuế cho phép DN lập bảng kê hàng hóa mua vào nhằm hợp thức hóa số hàng hóa mua vào không có chứng từ, DN đã lập bảng kê 7,8 tỷ đồng mua hàng nhưng thực tế không mua để nhận hoàn thuế.

Thời gian tới, ngành thuế sẽ tập trung kiểm tra xử lý các thủ đoạn trốn thuế, làm giả hóa đơn, chứng từ, kê khai không đúng này.

HÀN NI

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/nhipcaubandoc/2010/4/223497/