Mù mắt vĩnh viễn do ngộ độc methanol

Bệnh nhân P.H.P, 37 tuổi (ngụ tại Dĩ An, Bình Dương) nhập viện cấp cứu Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy trong tình trạng giảm thị lực đột ngột, khó thở, rối loạn tri giác. Bệnh nhân đã được hồi sức tích cực, hỗ trợ hô hấp, điều chỉnh rối loạn nước – điện giải và thăng bằng kiềm toan bằng natri bicarbonate 4,2%. Kết quả bệnh nhân đã được xuất viện sau 13 ngày điều trị. tuy nhiên, bệnh nhân đã bị mù mắt hoàn toàn, Nguyên nhân là do ngộ độc rượu methanol. Theo thống kê của BV. Chợ Rẫy, ngộ độc rượu chiếm 7,4% số trường hợp ngộ độc nhập viện. Tỉ lệ tử vong 7,5%.

Uống rượu cả ngày và… mù mắt vĩnh viễn

Ba ngày trước khi nhập viện, bệnh nhân P.H.P đi xuống cầu thang và do trượt chân ngã, đập đầu vào tay vịn cầu thang nhưng vẫn sinh hoạt bình thường. Hai ngày trước nhập viện, bệnh nhân đi uống rượu cả ngày rồi về nhà đi ngủ. Khoảng 9 giờ sáng hôm sau, khi thức dậy, bệnh nhân thấy mệt mỏi, mờ 2 mắt, không nhìn rõ người cách xa 5m nhưng không đi khám và điều trị. Sáng ngày nhập viện, bệnh nhân thấy mệt mỏi tăng nhiều, khó thở, thở nhanh, hai mắt gần như không thấy gì. Bệnh nhân nhập viện đa khoa Hoàn Hảo - Bình Dương trong tình trạng: tỉnh, tiếp xúc chậm, đồng tử 2 bên giãn lớn, mất thị lực 2 mắt, thở nhanh, co kéo cơ hô hấp phụ, vết xây xát da vùng trán và tai trái. Kết quả CT sọ não không thấy khối choán chỗ trong sọ, không ghi nhận giảm đậm độ bất thường nhu mô não. Bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi chấn thương sọ não kín - phù não và được chuyển đến BV. Chợ Rẫy cùng ngày.

Bệnh nhân bị ngộ độc rượu methanol được hồi sức tích cực, hỗ trợ hô hấp

5 giờ sau nhập viện BV. Chợ Rẫy, bệnh nhân có diễn tiến xấu hơn, mê sâu độ II, lừ đừ, bứt rứt, thở nhanh, sâu, co kéo cơ hô hấp phụ. Tiến hành làm các xét nghiệm, chụp XQ, CT…các bác sĩ chẩn đoán: hôn mê chưa rõ nguyên nhân - toan chuyển hóa nặng theo dõi ngộ độc methanol. Bệnh nhân nhập khoa Bệnh nhiệt đới trong tình trạng vẫn còn mê, thỉnh thoảng mở mắt tự nhiên, vô thần hướng lên trên, ran nổ phổi phải, mất thị lực 2 mắt, soi đáy mắt ghi nhận gai thị bờ mờ… Chẩn đoán xác định: ngộ độc methanol biến chứng mất thị lực 2 mắt - viêm phổi hít, suy hô hấp. Các bác sĩ đã hồi sức tích cực hỗ trợ hô hấp, điều chỉnh rối loạn nước - điện giải và thăng bằng kiềm toan bằng natribicarbonat 4,2. Tình trạng bệnh cải thiện và bệnh nhân được xuất viện sau 13 ngày điều trị. Tuy nhiên, bệnh nhân đã bị mù mắt hoàn toàn.

Dễ gây nhầm lẫn và có di chứng nặng nề

TS. Trần Quang Bính - Trưởng khoa Bệnh Nhiệt Đới, BV. Chợ Rẫy, cho biết: ngộ độc methanol cũng thường xảy ra hàng loạt ca ở các quốc gia trên thế giới. Ở nước ta, ngộ độc rượu do tự pha chế với cồn công nghiệp cũng thường gặp trong các báo cáo ngộ độc hàng loạt. Ngộ độc methanol có thể gây tử vong và để lại di chứng cho nhiều người.Trường hợp của bệnh nhân P.H.P là một trường hợp lâm sàng ngộ độc rượu methanol điển hình nhưng dễ gây nhầm lẫn trong chẩn đoán và có di chứng nặng nề do đến muộn.

Theo TS. Trần Quang Bính, ngộ độc methanol thường được nhập viện muộn khi các triệu chứng nhiễm độc như nhức đầu, mù mắt, rối loạn tri giác xuất hiện sau 12 - 48 giờ. Sau khi uống methanol, dưới tác động của men alcoholdehydrogenase, methanol chuyển hóa thành formaldehyde và sau đó là acid formic. Những sản phẩm chuyển hóa này tác động đến các cơ quan đích gây triệu chứng lâm sàng. Ở bệnh nhân này, khi bệnh nhân mù và có triệu chứng mệt, khó thở xảy ra vào ngày thứ 2 thì bệnh nhân mới đến bệnh viện. Mặt khác, chẩn đoán ngộ độc methanol cũng gặp khó khăn do xét nghiệm đo nồng độ methanol chỉ làm được ở ít cơ sở có trang bị phương tiện máy sắc ký khí và cần có thời gian. Bệnh nhân P.H.P có bệnh sử chấn thương đầu và uống rượu nên khi có các triệu chứng thần kinh xuất hiện như mù mắt, chẩn đoán được nghĩ đến là chấn thương sọ não mà quên mất các triệu chứng của ngộ độc methanol. Khi không giải thích được tình trạng hôn mê và suy hô hấp sau đó; khi máu ghi nhận có toan chuyển hóa nặng thì chẩn đoán ngộ độc methanol mới được đề cập. Chẩn đoán ngộ độc methanol nên dựa vào: bệnh sử có uống rượu, dấu hiệu lâm sàng chỉ điểm và xét nghiệm toan chuyển hóa nặng với khoảng trống anion tăng.

Khi ngộ độc methanol, có thể nhận biết bằng các triệu chứng sớm như nhức đầu, mệt mỏi hoặc các triệu chứng về mắt như nhìn mờ, nhìn đôi hoặc có rối loạn cảm nhận về màu sắc. Sau 24 giờ có các biểu hiện mệt, khó thở, thở nhanh, rối loạn tri giác…Điều trị ngộ độc methanol dựa trên nguyên tắc hồi sức tích cực, loại bỏ methanol khỏi cơ thể và sử dụng các thuốc kháng đặc hiệu như fomepizole, ethanol, acid folinic và acid folic. Trong trường hợp bệnh nhân đến sớm thì tiến hành rửa dạ dày. Sử dụng than hoạt cũng góp phần giảm thiểu mức độ ngộ độc. Thuốc đặc trị hàng đầu fomepizole rất an toàn và hiệu quả. Thuốc này có thể hồi phục thị lực cho những trường hợp nhập viện trễ có triệu chứng giảm thị lực. Tuy nhiên, thuốc fomepizole rất đắt tiền và hiện chưa có tại thị trường Việt Nam.

TS. Trần Quang Bính cho rằng, do thiếu các thuốc đặc trị và bệnh nhân đến bệnh viện trễ nên ngộ độc methanol có nguy cơ tử vong cao và các biến chứng không hồi phục được. Về khía cạnh quản lý cần đề xuất nhập các loại thuốc đối kháng đặc hiệu và xây dựng được phòng xét nghiệm đo nồng độ methanol giúp cho việc điều trị hiệu quả hơn khi bị ngộ độc methanol.

NGUYỄN HUYỀN

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/20130121103545938p61c67/mu-mat-vinh-vien-do-ngo-doc-methanol.htm