MTTQ phải nói được 'tiếng dân' và nói chính kiến của mình

“Mặt trận vừa phải phản ánh được ý kiến nhân dân, vừa nói được tiếng nói của mình trong việc tham gia xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN”

Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân trong quý 3/2016 vừa được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam công bố, nhận định: Trong quý III-2016, đại bộ phận nhân dân trong cả nước yên tâm, phấn khởi tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước. Chính phủ đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp phát triển kinh tế xã hội, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển khoa học công nghệ, duy trì nhịp độ tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, tháo gỡ khắc phục khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Mặt trận khi báo cáo về tình hình nhân dân phải rất thận trọng

Ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa - xã hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, Mặt trận không thể đánh giá tình hình nhân dân giống báo chí đánh giá. “Mặt trận khi báo cáo về tình hình nhân dân phải rất thận trọng, không thể “nói như báo nói”. Nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước là có, nhưng khi nói nhân dân “yên tâm, phấn khởi” cũng phải rất thận trọng. Tôi hay đi giảng, người dân hay phàn nàn “ông Mặt trận nói như báo nói”.

Theo ông Nguyễn Túc, đúng là tình hình đất nước có những khởi sắc, điển hình là việc Chính phủ mới, Quốc hội mới và Đại hội Đảng XII đã huy động sức dân bằng các khởi động mới và được dân rất đồng tình. Thứ hai là công tác minh oan, vai trò của các cơ quan pháp luật được phát huy. Vấn đề môi trường cũng được quan tâm hơn. Người dân phấn khởi vì những người được bầu mới - những người dám đứng ở đầu sóng ngọn gió ra sức giải quyết những tồn đọng. Đó là những điểm khởi sắc khiến nhân dân rất phấn khởi.

Mặc dù đất nước có những khởi sắc nhưng lần đầu tiên dân thấy bức tranh đất nước có nhiều lo lắng đến vậy. “Tình hình hiện nay đang khiến con cháu chúng ta lo lắng. Chưa bao giờ bức tranh xã hội bộc lộ rõ nét như hiện nay, nợ công nhiều, thu thuế không đủ, thiếu việc làm, nhiều trường đại học không tuyển được sinh viên... Báo cáo phải nói rõ những điều đó” - ông Nguyễn Túc nói.

GS.TS Phạm Thị Trân Châu, Chủ tịch Hội nữ trí thức Việt Nam

GS.TS Phạm Thị Trân Châu, Chủ tịch Hội nữ trí thức Việt Nam cũng cho rằng, trong thời gian gần đây, qua các báo cáo tổng hợp tình hình của nhân dân tại các kỳ họp Quốc hội, đa số người dân cũng đồng tình Mặt trận đã đưa ra được kiến nghị, bức xúc của người dân. Tuy vậy, báo cáo của Mặt trận cũng nên cân nhắc khi tổng hợp ý kiến để đưa ra được tình hình nhân dân một cách thực tế hơn.

Mặt trận chưa nói lên được tiếng nói của mình tại Quốc hội

Ông Vũ Trọng Kim, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban MTTQ Việt Nam cũng cho rằng, báo cáo của Mặt trận nên bám sát thực tế hơn. “Thực tế nhân dân hiện nay đang nhìn vào Mặt trận, có đại diện, bảo vệ cho quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân hay không? Sự tồn tại của Mặt trận phụ thuộc vào thái độ của Mặt trận trước những vấn đề mà xã hội đang đặt ra.

“Ông Nguyễn Túc có trăn trở về việc Mặt trận nói như báo chí, nhưng phải nhìn nhận một thực tế là “mặt trận nói thua báo chí”. Tôi cho rằng báo chí hiện nay đi vào rất nhiều các vấn đề bức xúc của xã hội. Những phản ảnh trên báo chí có thể thấy họ đi vào những tâm điểm rất sâu, đưa cả nội dung, hình ảnh và có thể nói rất quyết liệt trong các vấn đề người dân quan tâm” - ông Kim nói.

Theo ông Vũ Trọng Kim, Mặt trận đang rất hành chính, phải tổ chức lại Mặt trận. Mặt trận phải là nơi phản ánh ý kiến của nhân dân, thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội. Phải thành lập các ủy ban giám sát, trong đó có sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên môn-đại diện cho nhân dân tham gia Ủy ban giám sát. “Một bộ phận chuyên trách tham gia giám sát, còn lại là các đại diện của các tầng lớp nhân dân tham gia vào quá trình giám sát, như thế mới có tiếng nói của nhân dân”.

Ông Huỳnh Đảm, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

Ông Huỳnh Đảm, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, cần xây dựng Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết về việc tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND để làm sao thông qua tiếp xúc cử tri để nắm bắt được tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Và quan trọng là phải giải quyết được những bức xúc của nhân dân. Thông qua đây, Mặt trận góp phần xây dựng nhà nước nói chung, xây dựng chính quyền các cấp nói riêng làm sao cho trong sạch vững mạnh, để Mặt trận thực sự là “cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân”.

“Mỗi lần họp Quốc hội, mới thấy Mặt trận trình bày ý kiến kiến nghị của cử tri chứ chưa thấy nói lên được tiếng nói của Mặt trận trong việc tham gia xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Theo tôi, Dự thảo nghị quyết liên tịch quy định chi tiết về việc tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND phải xem xét, mở rộng phạm vi nội dung để không thể cụ thể hóa một nội dung là tiếp xúc cử tri, mà quan trọng hơn là thông qua đây thực thi dân chủ, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện vai trò của Mặt trận trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân” - ông Huỳnh Đảm nhấn mạnh./.

Minh Hòa/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/chinh-tri/mat-tran-to-quoc-phai-noi-duoc-tieng-dan-va-noi-chinh-kien-cua-minh-558719.vov