MTM: “Bánh vẽ” lên sàn, tay trắng sau 9 năm

Công ty không còn một đồng tài sản, lãnh đạo cũ người bị khởi tố, bắt giam, người bị truy nã còn cổ đông MTM đang nhấp nhổm không yên khi đối mặt với nguy cơ mất trắng toàn bộ tiền khi đầu tư vào cổ phiếu này.

Ảnh minh họa.

9 năm tạo lập, 2 tháng lên sàn và hàng loạt biến cố dồn dập

CTCP Mỏ và Xuất nhập khẩu Khoáng sản Miền Trung (mã MTM ) được thành lập vào tháng 9/2007 với vốn điều lệ ban đầu là 10 tỷ đồng, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thăm dò, khai thác, mua bán và chế biến khoáng sản.

Năm 2014, vốn điều lệ công ty tăng lên 310 tỷ đồng. Năm 2015, công ty được Trung tâm Lưu ký chứng khoán cấp Giấy chứng nhận đăng ký lưu ký chứng khoán với tổng số lượng cổ phiếu đăng ký lưu ký tập trung là 31 triệu cổ phần.

Đến tháng 4/2016, cổ phiếu MTM được chấp thuận giao dịch trên sàn UPCoM với phiên giao dịch đầu tiên vào ngày 15/4. Nhưng chỉ 2 tháng sau, ngày 20/6, HNX thông báo tạm dừng giao dịch đối với cổ phiếu này.

Ngày 19/9, Cơ quan an ninh điều tra (A92), Tổng cục An ninh - Bộ Công an đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với ông Trần Hữu Tiệp, chủ tịch HĐQT MTM tại trụ sở mới của công ty tại Hà Nội.

Ban lãnh đạo công ty cũng cho biết, ông Tiệp được ĐHĐCĐ bất thường năm 2015 bầu vào HĐQT kể từ ngày 29/8/2016. Trong quá trình điều hành công ty, cá nhân ông Tiệp đã vi phạm nghiêm trọng điều kệ của công ty và luật doanh nghiệp . Cụ thể, như không tổ chức bàn giao tài liệu, tài sản giữa HĐQT mới và HĐQT cũ; không chỉ đạo, giám sát Ban Giám đốc tổ chức bàn giao tài liệu, tài sản giữa các Ban Giám đốc cũ và mới; không chỉ đạo, giám sát Ban Giám dốc tổ chức bộ máy kế toán, lưu trữ chứng từ kế toán, số sách kế toán đúng quy định; không hạch toán kinh doanh; không lập BCTC; không lập báo cáo quản trị đúng quy định; liên tục vi phạm về CBTT...

MTM đã có thông báo mời họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 tổ chức vào ngày 30/9/2016 nhằm bầu lại toàn bộ thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2016 - để tiếp tục công tác SXKD của công ty. Tuy nhiên đại hội bất thành do chỉ có 20% người đại diện từ các cổ đông nhỏ lẻ tham dự.

Chiều cùng ngày, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã ra quyết định truy nã Phùng Thành Công, nguyên Trưởng ban kiểm soát MTM.

Bị can Phùng Thành Công được coi là đồng phạm của ông Trần Hữu Tiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty MTM trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Hà Nội và một số tỉnh.

Những dấu mốc đáng lưu ý của MTM

Đổi ban lãnh đạo liệu có đổi vận?

Theo tài liệu công bố, trong năm 2015, MTM đạt hơn 15,2 tỷ đồng doanh thu thuần và lỗ sau thuế hơn 59,7 tỷ đồng.

Sang năm 2016, tài liệu Đại hội đồng cổ đông cho biết Ban lãnh đạo công ty sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch doanh thu đạt 15 tỷ đồng (giảm nhẹ so với năm trước), nhưng công ty dự kiến sẽ lỗ tới 70 tỷ đồng trong năm 2016 do trích lập dự phòng công nợ phải thu khó đòi.

Trong khi đó, tổng tài sản của công ty trong năm 2016 dự kiến sẽ giảm từ 241,3 tỷ đồng (năm 2015) xuống còn 171,3 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu cũng giảm từ 211,4 tỷ đồng xuống 141,4 tỷ đồng.

BCTC quý II/2016 của công ty cho thấy, tại ngày 30/6, tổng tài sản của MTM đạt hơn 241 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở các khoản phải thu ngắn hạn với gần 236 tỷ đồng (chiếm 97% cơ cấu tài sản). Trong đó, phải thu ngắn hạn khách hàng hơn 115 tỷ đồng, phải thu ngắn hạn khác 120 tỷ đồng, tài sản thiếu chờ xử lý gần 160 tỷ đồng. Mặt khác, MTM cũng đang trích lập dự phòng khoản phải thu khó đòi hơn 190 tỷ đồng.

Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu của MTM ở mức 0,14 lần, lỗ lũy kế lên gần 57 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm công ty hoàn toàn không có nguồn thu nào ngoài khoản tiền vỏn vẹn 11 nghìn đồng từ hoạt động tài chính. Trong khi đó, công ty vẫn phải chi trả cho các hoạt động khác của doanh nghiệp nên báo lỗ hơn 2 tỷ đồng.

Đáng chú ý, theo ông Chu Danh Phương - Thành viên HĐQT MTM, “kể từ khi nhận chuyển giao từ ban lãnh đạo cũ, tài sản của MTM hoàn toàn không còn một đồng để hoạt động”. Số tiền để duy trì hoạt động cho Công ty đến thời điểm hiện tại toàn bộ do ban lãnh đạo mới cho công ty vay. Trong khi đó, tài sản cố định đều là “ảo”, ví dụ như máy móc thiết bị gần 5 tỷ đồng trên sổ sách nhưng thực tế ngoài giấy tờ mua bán, HĐQT hoàn toàn không biết hiện tại số máy móc này đang nằm ở đâu?!

Tài sản của MTM giờ chỉ còn các khoản công nợ. Tuy nhiên, ông Chu Danh Phương cho biết, những gì còn lại của các khoản công nợ này chỉ là các giấy tờ chuyển tiền, hoàn toàn không có các giấy tờ pháp lý.

Câu hỏi lớn chưa có lời đáp

Đối với nhà đầu tư hiện nay, vấn đề quan trọng nhất cần được giải đáp là “Ai sẽ chịu trách nhiệm đối với thiệt hại của nhà đầu tư?”.

Nhiều thông tin cho rằng MTM chỉ là một "doanh nghiệp ma" được đưa lên sàn để lừa nhà đầu tư, thế nhưng tại sao một doanh nghiệp như vậy lại được lên sàn và cơ quan quản lý không hề có cảnh báo gì cho đến khi HNX có quyết định ngừng giao dịch đột ngột với cổ phiếu này.

Cổ đông nhỏ lẻ mua MTM dường như đang chôn tiền tại cổ phiếu này mà không thể nào thoát ra được.

NGUYÊN MINH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh/chan-dung-doanh-nghiep-mtm-banh-ve-len-san-tay-trang-sau-9-nam-2036639.html