'Một vành đai, một con đường': Sợi dây TQ trói buộc ASEAN?

Những lời mời chào vay vốn, đầu tư hoặc sáng kiến của Trung Quốc dần không còn hấp dẫn khi Bắc Kinh bị phát hiện có mục đích riêng phía sau những quan hệ hợp tác.

"Một vành đai, một con đường": Sợi dây TQ trói buộc ASEAN?

Trung Quốc "lộ bài"

Sáng kiến "Một vành đai, một con đường" (One belt, one road) là một chiến lược tham vọng của Trung Quốc, được được công bố bởi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Về lý thuyết, đây là một khuôn khổ cho tổ chức phát triển kinh tế đa quốc gia của Trung Quốc thông qua hai thành phần, trên đất liền là "Vành đai Kinh tế Con đường tơ lụa" và đường hàng hải là "Con đường tơ lụa trên biển".

Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu từ phương Tây đã chỉ ra, kế hoạch này nhằm tối đa hoa các lợi ích của Tủng Quốc và đối phó với chiến lược xoay trục của Mỹ, từ đó giành quyền chủ đạo chính sách và xác định luật chơi của thế kỷ 21.

Đối với tranh chấp ở Biển Đông, sáng kiến của Tập Cận Bình nhiều khả năng sẽ củng cố sự chiếm đóng phi pháp của Trung Quốc với các đảo, đá trên Biển Đông cũng như tạo điều kiện để Bắc Kinh mở rộng sự hiện diện hải quân và hàng hải trong khu vực.

Trong bối cảnh, niềm tin chiến lược giữa ASEAN và Trung Quốc đang bị xói mòn bởi những hành động ngang ngược của quốc gia này trên Biển Đông, thì "Một vành đai, một con đường" trở thành một cái cọc để nước này bấu víu nhằm thiết lập lại ảnh hưởng trên lĩnh vực kinh tế - thương mại đối với các nước ASEAN.

Các tàu hút cát của Trung Quốc bồi lấp trái phép tại đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh do Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Mỹ chụp ngày 1/2/2015.

Bắc Kinh quyết ràng buộc ASEAN

Vai trò cốt lõi của sáng kiến này được Vương Ngọc Chủ, chuyên gia về chiến lược của Viện khoa học xã hội Trung Quốc, khẳng định trong một phân tích hôm 29/9 trên Thời báo Hoàn Cầu, trong bối cảnh năm 2016 là kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ Trung Quốc-ASEAN.

Kể từ năm 1991 khi hai bên mở cửa đối thoại, Trung Quốc luôn là một đối tác quan trọng của ASEAN. Quan hệ hai bên đã đạt được những cột mốc đáng kể như năm 2003, khi Trung Quốc tham gia vào Hiệp định hợp tác hữu nghị Đông Nam Á, và khu mậu dịch tự do Trung Quốc-ASEAN (CAFTA) được thành lập vào năm 2010.

Theo ông Vương, nền tảng cho sự phát triển quan hệ hợp tác song phương là nhờ sự liên kết trên cơ sở mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị trong khu vực. Hay nói cách khác, sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa Trung Quốc và ASEAN đã trở thành sợi dây liên kết lợi ích giữa hai bên.

Đây cũng chính là một trong những trụ cột quan trọng trong chính sách mở rộng tầm ảnh hưởng khu vực của Trung Quốc đối với ASEAN.

Tuy nhiên, ý đồ này đã vấp phải nhiều trở ngại từ chính các thành viên ASEAN khi Bắc Kinh đã để lộ dã tâm của biến ASEAN thành "sân sau" của mình thông quan những hành động bành trướng và quân sự hóa phi pháp trên Biển Đông.

Điều này đang khiến cho lòng tin chính trị giữa của ASEAN dành cho Trung Quốc ngày một suy giảm, ông Vương nhận định.

Các dự án đầu tư của "Một vành đai, một con đường" còn là nơi Trung Quốc tiêu thụ sản phẩm thừa trong nước và nâng ảnh hưởng ở các nước đối tác. (Ảnh: SCMP)

Trong bài phân tích này, Vương đề cập đến "đại cục", tức sợi dây gắn kết lợi ích mà Trung Quốc đang muốn thắt lên ASEAN bằng "vành đai và con đường".

Một mặt, thông qua xây dựng "Một vành đai, một con đường", Trung Quốc muốn hình thành mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị khu vực.

Vương nhấn mạnh kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng từ 10 tỷ USD lên tới 500 tỷ USD, vai trò của mạng lưới phát triển khu vực là không hề nhỏ.

Theo giới phân tích, thì mạng lưới này là một dạng phổ cập của "Made in China", đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, Trung Quốc đang cần tới nguồn lực bên ngoài để thúc đẩy mục tiêu "Cường quốc chế tạo – 2020".

Cách đây không lâu, Bắc Kinh đã khẳng định tới năm 2020 sẽ đưa kim ngạch thương mại hai bên vượt ngưỡng 1.000 tỷ USD.

Không những vậy, tại khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc đang "gãi đúng chỗ ngứa" của không ít quốc gia trong ASEAN khi mà chất lượng và số lượng cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế đang là trở ngại phát triển.

Học giả họ Vương khẳng định, đối với Trung Quốc, xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ là ưu tiên hàng đầu trong quá trình thúc đẩy "Một vành đai, một con đường".

Yếu tố kinh tế vẫn là nòng cốt trong chiến lược này. Thông qua đó, Bắc Kinh muốn xây dựng hiệp định thương mại tự do với ASEAN theo mô hình hợp tác khu vực "mang đặc trưng châu Á", nhằm loại bỏ trở ngại cho nhà đầu tư Trung Quốc về cơ chế ở các nước.

Dường như Trung Quốc đang cố thêu dệt lên viễn cảnh tươi đẹp của một "sáng kiến hợp tác" mà theo họ là mang tầm thế kỷ này.

Tuy nhiên, tham vọng kiểm soát nguồn vốn, nợ công và cơ sở hạ tầng ở các nước nhằm gây sức ép "đánh đổi" những lợi ích thiết thực khác "ngoài kinh tế" của Bắc Kinh đang ngày càng không che mắt được các quốc gia trong khu vực.

theo Thế giới trẻ

Nguồn Soha: http://soha.vn/mot-vanh-dai-mot-con-duong-soi-day-tq-troi-buoc-asean-20161009023318265.htm