Một số hạn chế trong thực hiện pháp luật dân chủ ở cơ sở

KTNT- Dân chủ từ bao đời nay luôn là đề tài hấp dẫn đối với các học giả trong và ngoài nước bởi dân chủ liên quan mật thiết tới cuộc sống của con người và sự phát triển của xã hội. Vấn đề dân chủ đã, đang và sẽ còn là một vấn đề thời sự được quan tâm tìm tòi, nghiên cứu cả về mặt lý luận và thực tiễn của mọi quốc gia trong đó có Việt Nam.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy định và hướng dẫn việc xây dựng và thực hiện pháp luật dân chủ ở cơ sở. Quy chế dân chủ ở cơ sở ra đời đánh dấu một bước tiến bộ xã hội lớn ở nước ta, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân thực sự phát huy quyền làm chủ của mình, tham gia quản lý các công việc ở địa phương, kiểm soát và đấu tranh chống tệ quan liêu, tham nhũng, mất dân chủ ở các cơ quan công quyền hay các biểu hiện lợi dụng dân chủ để vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, cùng với các mặt tích cực đạt được nêu trên, trong quá trình thực hiện pháp luật dân chủ ở cơ sở vẫn còn một số hạn chế tập trung vào một số lý do sau đây: Thứ nhất, trình độ năng lực, nhận thức của đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã, phường, thị trấn: Đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã, phường, thị trấn là những người giác ngộ và trực tiếp tuyên truyền đầy đủ, sâu sắc mục đích, ý nghĩa, nội dung thực hiện pháp luật dân chủ ở cơ sở cho nhân dân. Nhận thức đúng sẽ mở đường cho hành động đúng. Tuy nhiên, trên thực tế trong đội ngũ cán bộ chủ chốt, đảng viên còn có những ý kiến khác nhau về thực hiện pháp luật dân chủ ở cơ sở. Trợ giúp pháp lý lưu động giúp bà con hiểu và thực hiện tốt pháp luật ở cơ sở. Trong ảnh: Trợ giúp pháp lý ở thị xã Sơn Tây của Trung tâm TGPL Nhà nước TP Hà Nội. Xã hội ta chưa đủ các điều kiện cần thiết để thực hiện dân chủ trực tiếp một cách rộng rãi vì trình độ dân trí, năng lực của cán bộ, phương tiện, vật chất, thông tin còn thấp kém. Một số ý kiến cho rằng kẻ địch và các phần tử xấu lợi dụng phá hoại, đặc biệt là ở các vùng đồng bào công giáo, do vậy dân chủ trực tiếp là không cần thiết, chỉ gây phiền phức cho các cấp chính quyền, khó khăn cho cán bộ lãnh đạo trong công tác quản lý, điều hành tại cơ sở. Những nhận thức trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện pháp luật dân chủ ở cơ sở. Mặt khác, trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước theo cơ chế thị trường, đòi hỏi yêu cầu về trình độ của đội ngũ cán bộ ở cấp xã, phường ngày càng cao, song trên thực tế trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ cấp xã còn nhiều hạn chế, phong cách lãnh đạo, quản lý chưa được đổi mới, một bộ phận cán bộ chưa thực sự gần gũi nhân dân, ngại kiểm điểm trước dân, chưa đi sâu, đi sát, chưa tạo điều kiện cho nhân dân kiểm tra công việc hàng ngày ở cấp xã. Từ kết quả điều tra xã hội học cho thấy, với trình độ văn hóa lý luận chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ cấp xã như hiện nay thì việc đáp ứng đòi hỏi thực hiện pháp luật dân chủ ở cơ sở sẽ gặp nhiều khó khăn và ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng, hiệu quả của việc thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở. Thứ hai, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức Đảng cơ sở: Cán bộ, đảng viên hơn ai hết là người nhận thức sâu sắc về quy chế dân chủ, về các quyền và nghĩa vụ của mình. Với trách nhiệm là hạt nhân chính trị ở cơ sở thì Đảng ủy cấp xã phải lãnh đạo các chi bộ, đảng viên, các tổ chức Chính quyền, đoàn thể đưa việc thực hiện pháp luật dân chủ vào cuộc sống, đồng thời tập trung chỉ đạo thể chế hóa pháp luật thành các chương trình phát triển kinh tế - xã hội để trên cơ sở đó thực hiện. Thực tiễn cho thấy ở nơi nào tổ chức Đảng cơ sở quán triệt đầy đủ, sâu sắc, xác định đúng vai trò lãnh đạo toàn diện, chỉ đạo trực tiếp và thực hiện nghiêm túc pháp luật dân chủ ở cơ sở thì ở đó việc triển khai thực hiện pháp luật dân chủ là một cuộc sinh hoạt chính trị rộng lớn, thu được những kết quả thiết thực, được cán bộ, đảng viên và nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, làm theo. ở nơi nào cấp ủy Đảng chưa làm tốt vai trò lãnh đạo trực tiếp thì ở đó kết quả chất lượng thấp, gây hoang mang và mất niềm tin. Đặc biệt ở những cơ sở yếu kém, tình hình phức tạp, cán bộ cơ sở có vấn đề thì ở đó kết quả thực hiện pháp luật dân chủ ở cơ sở hiệu quả kém. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ cơ sở góp phần xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh. Trong ảnh: Các đơn vị thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh nhận bằng khen của UBND TP. HCM Thứ ba, công tác tổ chức thực hiện của Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng ở cơ sở: Cán bộ, chính quyền cấp xã có vai trò quyết định trong việc tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở, lâu nay việc tổ chức thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết, các văn bản pháp luật thường vẫn là khâu yếu kém trong công tác lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Quy chế thực hiện có tốt hay không, khi nào thực hiện, chất lượng hiệu quả ra sao tùy thuộc vào công tác tổ chức, thực hiện của Chính quyền cấp xã. Do vậy công tác tổ chức thực hiện không tốt là một trong những yếu tố ảnh hưởng tới việc thực hiện pháp luật dân chủ . Thực tế nhiều nơi công tác thực hiện còn mang tính hình thức, chiếu lệ. Công tác tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân về mục đích, nội dung, ý nghĩa của pháp luật dân chủ ở cơ sở không đến nơi, đến chốn dẫn đến người dân không hiểu hết pháp luật, thờ ơ với việc thực hiện pháp luật về dân chủ. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng ở cơ sở cũng có vai trò đặc biệt quan trọng trong thực hiện pháp luật dân chủ ở cơ sở. Đó là giáo dục cho nhân dân và các đoàn viên, hội viên hiểu rõ nội dung, ý nghĩa, quyền và nghĩa vụ thực hiện pháp luật, thực hiện quyền đại diện của tổ chức mình phối hợp với Chính quyền xã, trưởng thôn thực hiện pháp luật dân chủ ở cơ sở và giám sát việc thực hiện chính sách ở địa phương, phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, đoàn viên, hội viên với các cấp có thẩm quyền giải quyết, động viên nhân dân, hội viên, đoàn viên tích cực thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Vai trò quan trọng như vậy nhưng thời gian qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tổ chức quần chúng chưa phát huy tốt vai trò của mình còn hạn chế trong việc tham gia xây dựng nền dân chủ, xây dựng chính quyền, chưa làm tốt công tác kiểm tra, giám sát cơ quan dân cử và các đại bỉeu cơ quan dân cử, giám sát việc thực hiện pháp luật, việc thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Những hạn chế trên ảnh hưởng tới việc thực hiện pháp luật dân chủ ở cơ sở. Thứ tư, những đặc điểm địa bàn dân cư, trình độ dân trí có ảnh hưởng tới việc thực hiện pháp luật dân chủ ở xã: Cấp xã, phường chủ yếu là địa bàn nông thôn vùng sâu, vùng xa, nơi còn nhiều bất cập về giao thông, thông tin liên lạc, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, vất vả. Vì vậy trình độ dân trí còn thấp. Khi người dân không đủ nhận thức để phán xét các hành vi quan liêu, sách nhiễu của quan chức công quyền, thì cuộc đấu tranh giành quyền dân chủ được pháp luật bảo vệ thường không triệt để, thậm chí còn tạo kẽ hở cho việc hợp thức hóa thủ tục chui gây khó khăn cho cơ quan điều tra. Người dân do trình độ thấp nhận thức không đúng đắn và dễ bị kích động có những hành động quá khích gây lộn xộn, thực tế vấn đề này được giải quyết tương đối hợp lý nhưng vẫn khiếu kiện vượt cấp. Dân trí thấp dù có thực hiện dân chủ cũng không đem lại hiệu quả. Trên thực tế hiện nay quan niệm "Phép vua thua lệ làng" vẫn còn ăn sâu trong tiềm thức của người dân nông thôn do sự hiểu biết hạn chế của họ.Vì vậy chính sách của Đảng và Nhà nước cho dù có hoàn thiện đến đâu thì đến khi triển khai thực hiện đến người dân cũng vẫn gặp khó khăn, đây cũng là một trong những hạn chế ảnh hưởng tới việc thực hiện pháp luật dân chủ ở cơ sở./. Phạm Đăng Thình

Nguồn KTNT: http://kinhtenongthon.com.vn/story//2010/10/25527.html