Một quyết định của Tòa án 10 năm chưa thi hành dứt điểm

Hơn 10 năm qua, Quyết định số 03 ngày 23-11-2000 của TAND quận 1 vẫn chưa chưa được thi hành. Điều bất ngờ là bên phải thi hành án (THA) là Công ty Sữa Việt Nam (nay là Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (viết tắt là Vinamilk) không phải là không có điều kiện thi hành…

Từ chuyện buộc thôi việc trái luật…

Năm 1990, bà Trần Thị Thu Hà cư ngụ số 25 Tân Canh, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh xin vào làm việc tại Vinamilk, công tác tại nhà máy sữa bột Dielac - Biên Hòa. Sau đó, bà Hà được điều động về làm nhân viên văn phòng tại trụ sở 36-38 Ngô Đức Kế, quận 1, Tp. Hồ Chí Minh. Năm 1996, bà Hà được đề bạt làm Phó Văn phòng Vinamilk. Tháng 12-1996, bà được Công ty cử tham gia làm Phó Tổng Giám đốc liên doanh sữa Việt - Úc.

Vinamilk không phải là không có điều kiện THA

Năm 1998, do khủng hoảng tài chính thế giới, Liên doanh sữa Việt - Úc bị ảnh hưởng nên ngưng hoạt động. Bà Hà được Vinamilk điều động về lại Công ty. Tháng 10-1998, Vinamilk có quyết định bổ nhiệm bà Hà làm Phó phòng thị trường kiêm Phó Tổng Giám đốc liên doanh sữa Việt - Úc.

Ngày 24-7-1999, Bộ KH&ĐT có Quyết định số 430 giải thể trước thời hạn Công ty Liên doanh sữa Việt - Úc. Thế nhưng, ngày 11-3-2000, Tổng Giám đốc Vinamilk lại có Quyết định số 23 miễn nhiệm chức Phó phòng thị trường của bà Hà với lý do để tiếp tục làm công việc ở Công ty liên doanh sữa Việt - Úc(!!?). Bà Hà khiếu nại. Ngày 29-6-2000, Vinamilk có Quyết định số 56 điều động bà Hà về làm nhân viên phòng tiêu thụ. Bản thân trong quá trình công tác không vi phạm kỷ luật nhưng bị chuyển đổi công việc không phù hợp và trái pháp luật lao động, bà Hà đã khiếu nại quyết định này.

Đột nhiên, ngày 20-7-2000, Vinamilk có Thông báo số 60 chấm dứt hợp đồng lao động đối với bà Hà kể từ ngày 5-9-2000. Bức xúc, bà Hà khiếu nại. Ngày 31-8-2000, Vinamilk ra Thông báo số 785 nhắc lại là giữ nguyên việc chấm dứt hợp đồng lao đồng đối với bà Hà. Ngày 13-9-2000, Vinamilk đã ban hành Quyết định số 66 chấm dứt hợp đồng lao động đối với bà Hà.

Bà Hà đã khởi kiện ra TAND quận 1 về việc Vinamilk đơn phương chấm dứt hợp động trái pháp luật. Nhận thấy việc ban hành Quyết định buộc thôi việc đối với bà Hà là trái pháp luật, tại TAND quận 1, Vinamilk đã đồng ý tự nguyện rút lại Quyết định số 66, nhận bà Hà trở lại làm việc và bồi thường cho bà Hà một khoản tiền tương ứng với tiền lương và giải quyết các chế độ về bảo hiểm tính từ tháng 9-2000 đến khi nhận bà Hà trở lại làm việc theo đúng quy định pháp luật.

… Đến “né” thi hành án

Ngày 16-1-2001, Vinamilk ban hành Quyết định số 01 rút lại Quyết định số 66 ngày 13-9-2000. Tuy nhiên, việc giao quyết định này đến cho bà Hà lại là một vấn đề bàn cãi. Vinamilk thì nói rằng đã gửi cho bà Hà qua đường bưu điện và không ghi sổ công văn đi. Còn bà Hà thì khẳng định chưa nhận được quyết định này. Do đó, bà không biết Công ty đã hủy quyết định buộc thôi việc.

Tiếp đó, Vinamilk mời bà Hà lên ký hợp đồng lao động mới. Bà Hà không đồng ý. Bà Hà cho rằng, khi hủy quyết định buộc thôi việc, thì hợp đồng lao động không xác định thời hạn cũ đã ký kết mặc nhiên có hiệu lực trở lại. Do đó, bà Hà đã từ chối ký hợp đồng lao động mới theo yêu cầu của Công ty. Vì vậy, ngày 18-10-2002, Vinamilk ra Quyết định số 02 chấm dứt hợp đồng lao động với bà Hà, thời gian giải quyết trợ cấp ngưng việc được tính từ ngày 1-9-2000 đến ngày 30-4-2001.

Thỏa thuận không thành, bà Hà nộp đơn yêu cầu THA. Cơ quan THA quận 1 thụ lý và ra quyết định số 211 ngày 27-6-2002. Tuy nhiên, việc THA bị ách tắc vì Vinamilk cho rằng đã THA xong, còn bà Hà cho rằng, Quyết định số 03 của TAND quận 1 chưa được Vinamilk thi hành. Do vụ việc phức tạp, Cơ quan THA Tp. Hồ Chí Minh rút hồ sơ lên để giải quyết.

Để có cơ sở giải quyết mâu thuẫn giữa các bên, Cơ quan THA thành phố đã có công văn yêu cầu TAND quận 1 giải thích rõ: “bà Hà trở lại làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn đã ký hay phải ký lại hợp đồng lao động mới cho phù hợp với công việc và mức lương mới?”. TAND quận 1 giải thích rằng: “Công ty nhận bà Hà trở lại làm việc ngay theo hợp đồng đã ký kết trước đó và đang thực hiện, bởi khi các bên ra Tòa tranh chấp và Vinamilk rút lại Quyết định chấm dứt Hợp đồng lao động số 66 ngày 13-9-2000 thì hợp đồng đã ký trước đây vẫn đang còn hiệu lực pháp luật nên không đặt ra vấn đề ký hợp đồng lao động mới. Do đó, trong điều 1 Quyết định số 03 ngày 23-11-2000 của TAND quận 1 phải hiểu là nhận bà Hà trở lại làm việc theo hợp đồng đã ký kết và đang thực hiện, không phải là ký lại hợp đồng mới phù hợp hợp với công việc và mức lương mới như cách hiểu của phía Vinamilk”.

Nhận được trả lời, Chấp hành viên đã thuyết phục Vinamilk THA nhưng không đạt kết quả. Vinamilk vẫn khăng khăng cho rằng đã THA xong. Ngày 25-6-2003, Chấp hành viên ra quyết định cưỡng chế buộc Vinamilk nhận bà Hà trở lại làm việc. Ngày 1-7-2003, Vinamilk lập biên bản với bà Hà là không nhận bà Hà trở lại làm việc. Các bên không tìm được tiếng nói chung.

Hơn 10 năm qua, bà Hà đã “gõ cửa” khắp nơi kêu cứu về việc buộc Vianmilk phải thi hành Quyết định số 03 ngày 23-11-2000 của TAND quận 1. Thế nhưng, Quyết định này đến nay vẫn chưa chưa được thi hành. Điều không bình thường là bên phải THA là doanh nghiệp lớn đang “ăn nên làm ra”, không phải là không có điều kiện thi hành (?). Không biết đến bao giờ Quyết định số 03 ngày 23-11-2000 của TAND quận 1 mới được Vinamilk nghiêm chỉnh chấp hành?

Văn Vũ

Nguồn Công Lý: http://congly.com.vn/mot-quyet-dinh-cua-toa-an-10-nam-chua-thi-hanh-dut-diem-c1034n20120327174008000p0.htm