Một phần do ý thức kém

Quá trình đô thị hóa nhanh kéo theo các hoạt động xây dựng cùng với sự gia tăng dân số cơ học, số lượng phương tiện giao thông... đã gây ra ô nhiễm môi trường không khí, nhất là khói bụi.

Nhiều tuyến phố “mờ trong khói bụi”

Hiện nhiều tuyến phố của Hà Nội đang rơi vào cảnh mờ mịt, trở thành nỗi khiếp đảm của người tham gia giao thông và người dân nơi đó, đặc biệt là những ngày nắng nóng, hanh khô. Có thể kể tới như đại lộ Thăng Long, tỉnh lộ 70, đường 32, đường Yên Nghĩa…là một trong số những con đường bụi giăng mù mịt khiến ai lưu thông qua đây bằng xe máy cũng cảm thấy khốn khổ. Nơi đây, nhà cửa ven đường lúc nào cũng trong tình trạng phủ bụi trắng, người dân khốn khổ với “nhà mặt đường”.

Cảnh khói bụi diễn ra thường xuyên tại đoạn đường đi qua xóm Thượng, Tây Tựu, Nam Từ Liêm.

Anh Nguyễn Đức Xuân (đường Xuân Phương – thuộc tỉnh lộ 70) cho biết: “Nhà tôi có mở tạm cái hàng tạp hóa bán quanh nên lúc nào cũng phải mở cửa, nói thật là muốn dọn nhà thì ngày dọn không xuể, bụi ở đường hắt vào liên tục. Đây lại là đường có nhiều xe to, xe công đi qua, chở đủ thứ từ vật liệu tới đất thải, có khi rơi ra đường chẳng ai dọn. Cứ tầm tối ở đường này, nếu đi sau xe to thì không mở nổi mắt, bụi trắng xóa, mặt mũi về nhà cứ đen sì”.

Không những thế, tại nhiều con đường, do bụi dày đặc như sương làm cản trở giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Điển hình như đoạn đường Quốc lộ 6 khu vực bến xe Yên Nghĩa, do ảnh hưởng bởi thi công dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông nên không khí lúc nào cũng trong tình trạng lờ mờ. Thêm vào đó, lòng đường hẹp, mấp mô, chưa có cống thoát nước và chưa được trải thảm nhựa, lưu lượng phương tiện lớn đôi khi gây ra tai nạn giao thông. Bạn Trần Văn Hưởng (Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông) cho biết: “Mình đi xe buýt hay phải đợi, mà không có vỉa hè nên đứng dưới rìa đường, bụi bặm, khói xe bao nhiêu là hứng chịu hết. Có hôm trời nắng, xe mà lâu tới, mình cảm giác như sắp nghẹt thở. Còn những cảnh người ngã, đi xe loạng choạng đâm vào lề đường là chuyện không hiếm”.

Ý thức kém là nguyên nhân chính

Tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội đang ở mức báo động, từng ngày, từng giờ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người dân. Đa phần nguyên nhân gây ra tình trạng khói bụi được nhận định là từ khí thải phương tiện giao thông, các công trình xây dựng, nhà máy sản xuất…

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, trong những năm gần đây, cứ 100.000 dân thì có gần 12.000 người nhiễm bệnh hô hấp. Mỗi năm nước ta phải đầu tư khoảng 400 tỉ đồng để điều trị những bệnh do ô nhiễm không khí gây ra. Đó là những con số không hề nhỏ nhằm cảnh tỉnh dư luận về tác hại của ô nhiễm môi trường, nhất là với ô nhiễm không khí.

Tuy nhiên, ngoài tố đô thị hóa tăng, mật độ phương tiện giao thông nhiều dẫn đến ô nhiễm khí thải, bụi còn phải kể đến ý thức của người dân kém. Đơn cử như việc đổ rác thải theo kiểu “tiện đâu đổ đó”, đặc biệt là đất thải, phế thải xây dựng. Do không có nhiều các điểm tập kết hoặc nhằm tiết kiệm chi phí, người dân tranh thủ mang ra đường đổ trộm. Trong khi đó, gạch, vữa, xi măng thải trong ngành Xây dựng được xếp vào loại chất thải nguy hại, khó phân hủy. Đây là nguy cơ sinh ra nguồn bụi lớn và độc hại mà nhiều người không ý thức rõ. Ven đường đại lộ Thăng Long là khu vực thường xuyên xảy ra tình trạng các xe chở phế thải đổ trộm ra đường vào ban đêm và không hiếm để thấy cảnh bãi rác, gạch đá ngổn ngang tại đây.

Mặt khác, với những ngày mùa, người dân ven đô thường có hoạt động đốt rơm rạ, cây cỏ…chính điều này, sinh ra một lượng lớn khói, bụi vào không gian. Khi đốt rơm rạ, khói bụi sẽ theo gió cuốn vào khu vực dân cư. Tình trạng những màn khói dày đặc, cách nhau vài mét đã không nhìn thấy gì xuất hiện nhiều tại nhiều khu vực: Đan Phượng, Nhật Tân, Hoài Đức…Và cảnh không mở nổi mắt vì bụi, giờ còn phải thở hắt vì khói khiến nhiều người ngán ngẩm, chị Phạm Thu Hảo cho biết: “Tôi sống ở nội thành nhưng đi làm ở Quốc Oai, ngày hai lượt đi về. Sáng ra thì hít bụi ở đại lộ Thăng Long, tối về thì hưởng thêm món khói rơm rạ của cánh đồng Quốc Oai. Nhiều khi tôi nghĩ chán không muốn đi làm”.

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, trong những năm gần đây, cứ 100.000 dân thì có gần 12.000 người nhiễm bệnh hô hấp. Mỗi năm nước ta phải đầu tư khoảng 400 tỉ đồng để điều trị những bệnh do ô nhiễm không khí gây ra. Đó là những con số không hề nhỏ nhằm cảnh tỉnh dư luận về tác hại của ô nhiễm môi trường, nhất là với ô nhiễm không khí.

Vấn đề đặt ra theo các chuyên gia, ngoài thực thi nghiêm các quy định về môi trường, đã đến lúc người dân phải nhìn nhận lại ý thức bản thân mình. Nếu các tổ chức, đơn vị, cá nhân không ý thức vấn đề gìn giữ môi trường, thì vấn nạn ô nhiễm sẽ khó khắc phục.

Hồng Hải

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/mot-phan-do-y-thuc-kem-43345.html