Một nước Mỹ mới dưới thời Donald Trump

Tổng thống mới đắc cử của Mỹ đã vượt qua mọi tiên đoán bất lợi để mở toang cánh cửa vào Nhà Trắng. Một cuộc tranh cử nhiều khác lạ, bầu cử đầy kịch tính đã đem đến cho nước Mỹ một tổng thống đặc biệt nhất từ trước tới nay. Vậy nước Mỹ mới sẽ có gì đặc biệt?

Ông Donald Trump trong cuộc vận động tranh cử ở Hershey, Mỹ ngày 4/11. Ảnh: AP/TTXVN

Ngỡ ngàng, bối rối, ngạc nhiên và sốc, đó là tất cả những cung bậc cảm xúc mà rất nhiều người trên thế giới đã trải qua trong đêm bầu cử gay cấn và kịch tính hôm 8/11 theo giờ Mỹ.

Từ một người thuần túy kinh doanh với phong cách ngang tàng, quyết đoán nhưng cũng rất thực dụng, chuyên gia địa ốc 70 tuổi ở Manhattan đã thay đổi hoàn toàn bầu trời chính trị nước Mỹ và gây chấn động thế giới.

Ông Donald Trump đã giành được 290 lá phiếu đại cử tri cho đảng Cộng hòa và tiến thẳng vào tòa Bạch ốc với hứa hẹn sẽ giải quyết những vấn đề tồn đọng trong xã hội Mỹ.

Trong bài phát biểu chiến thắng đọc rạng sáng 9/11 ngay sau chiến thắng vang dội trước đối thủ “bom tấn” Hillary Clinton, ông Trump cam kết “sẽ bắt tay vào việc ngay và làm những điều khiến người dân Mỹ có thể hãnh diện”.

Ông cũng kêu gọi nước Mỹ đoàn kết sau một mùa tranh cử gây chia rẽ sâu sắc trong xã hội và cam kết “sẵn sàng hợp tác với những nước muốn làm bạn với nước Mỹ”.

Bài phát biểu ngắn ngọn nhưng sâu sắc và hùng hồn, khác hẳn với vẻ bề ngoài thường thấy của người vốn xưa nay vẫn bị đánh giá là độc đoán, hay phát ngôn bừa bãi và thiếu tôn trọng người khác.

Sự thay đổi đó, cũng như chiến thắng vang dội của tỷ phú Trump có công rất lớn của “phù thủy” Kellyanne Conway, một nữ luật sư dạn dày kinh nghiệm và có quan hệ rất rộng được ông Trump đưa lên thay thế Paul Manafort trên cương vị quản lý chiến dịch vận động tranh cử vào đúng thời điểm cao trào.

Nữ luật sư 50 tuổi này được cho là do “một cao nhân trong cánh gà sân khấu chính trị tiến cử” và là người “cực kỳ lão luyện trong việc sử dụng độc chiêu tấn công bà Hillary”. Chính Conway đã nhiều lần cứu nguy ông Trump trước những “bàn thua trông thấy” sau những lần lỡ miệng khó đỡ, và đưa ông Trump từng bước đến với cánh cửa Nhà Trắng cho dù ông không nhận được sự ủng hộ rộng rãi của giới truyền thông như bà Hillary.

Trong bầu cử, thắng bại là điều khó tránh, với các ứng cử viên và cả những người ủng hộ họ. Tuy nhiên sau bầu cử, yếu tố thắng thua sẽ dần nhường chỗ cho nhưng suy đoán, nhận định và hy vọng xem vị tổng thống mới sẽ làm gì.

Liệu ông Trump có mang lại thay đổi thực sự cho nước Mỹ đúng như khẩu hiệu tranh cử “Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại”, hay ông sẽ đưa cường quốc số một thế giới rẽ sang một ngả khác trên bàn cờ địa chính trị toàn cầu. Khoảng cách từ cam kết đến hành động thực tế của người đứng đầu Nhà Trắng sẽ quyết định tương lai nước Mỹ trong ít nhất 4 năm tới.

Nhận định về xu hướng chính sách mới của nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump, hầu hết các chuyên gia đều tỏ ra rất thận trọng vào thời điểm này, bởi ông Trump không chỉ là người có rất ít kinh nghiệm chính trường, mà còn vì ông là người rất khó đoán định và hiện chưa biết những ai sẽ được ông lựa chọn vào thành phần chính phủ mới.

Theo ông David Jones, một quan chức Mỹ đã nghỉ hưu, có hai vấn đề đối nội nổi cộm nhất mà tân tổng thống Mỹ sẽ phải đối mặt. Đó là phải hiện thực hóa một loạt cam kết tranh cử như đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, cắt giảm thuế, tăng đầu tư cơ sở hạ tầng…; và giải quyết bài toán nhập cư bất hợp pháp. Hiện tại ở Mỹ có 13 triệu người thuộc diện này, một con số không hề nhỏ.

Cũng theo ông David, sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Trump sẽ xem xét lại toàn diện các thỏa thuận thương mại tự do, nhất là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Thỏa thuận thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), để sửa đổi các điều khoản theo hướng có lợi hơn cho nước Mỹ.

Đây cũng là quan điểm của Tiến sĩ Elliot L.Tepper, một nhà phân tích các vấn đề quốc tế thuộc Đại học Carleton của Canada. Theo ông, Tổng thống Trump sẽ phải thực hiện cam kết là xây bức tường ngăn với Mexico để chặn dòng người nhập cư tràn vào Mỹ, đồng thời tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động và sửa đổi những thỏa thuận thương mại như TPP và NAFTA.

Mặc dù ông Trump coi các thỏa thuận thương mại hiện nay đều “tồi” như nhau, nhưng ông sẽ không dại dột đối đầu với Quốc hội vốn có nhiều tiếng nói ủng hộ thương mại tự do. “Tân Tổng thống Mỹ sẽ cho thương thảo lại các điều khoản bất lợi, thay vì loại bỏ các thỏa thuận như tuyên bố trước đó’, Tiến sĩ Elliot nhận định.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Elliot, vấn đề đặt ra là “liệu ông Trump sẽ thay đổi các thỏa thuận để làm chúng tốt hơn… hay sẽ thêm vào NAFTA các điều khoản bất lợi cho Canada hay thêm vào TPP những điều bất lợi cho Việt Nam”.

Về xu hướng chính sách đối ngoại mới của nước Mỹ, cựu quan chức Mỹ David cho rằng Chính quyền Donald Trump sẽ có nhiều thay đổi so với Chính quyền Barack Obama theo hướng xây dựng một nước Mỹ quyết đoán hơn, mạnh mẽ hơn và sẵn sàng hành động để bảo vệ các lợi ích cốt lõi.

“Khẩu hiệu ‘Nước Mỹ là số 1’ sẽ trở thành nguyên tắc định hướng trong chính sách đối ngoại mới của Tổng thống Trump”, ông David nói. Theo đó, Chính quyền Trump sẽ buộc các đồng minh phải đóng góp nhiều hơn vào các hoạt động đảm bảo an ninh chung trên tinh thần công bằng trách nhiệm và không còn chuyện 'hãy để chú Sam làm'”.

Trong quan hệ với Nga và Trung Quốc, ông David cho rằng hai bên sẽ cùng thận trọng thăm dò lẫn nhau, “nhưng chỉ cần Nga và/hoặc Trung Quốc có ý định ‘thử phản ứng’ của ông Trump thì chắc chắn họ sẽ nhận được những đáp trả mạnh mẽ hơn nhiều so với chính quyền tiền nhiệm”.

Tiến sĩ Elliot thậm chí còn đưa ra viễn cảnh căng thẳng hơn khi cho rằng ông Trump có thể sẽ tạo ra một cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc nếu ông quyết định cấm cửa hay tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. “Chiến tranh thương mại không chỉ ảnh hưởng đến Mỹ và Trung Quốc, mà đến toàn bộ thế giới”, ông Elliot cảnh báo.

Cũng theo chuyên gia phân tích này, quan hệ Mỹ - Trung sẽ có vai trò cực kỳ quan trọng trong cả vấn đề thương mại và địa chính trị, nhất là khi xét đến những diễn biến phức tạp ở Biển Đông. Mối quan hệ đó sẽ tiềm ẩn nhiều biến số khó lường hơn so với quan hệ Mỹ - Nga vốn đang có những dấu hiệu khởi đầu tương đối tích cực.

“Quan hệ đó được khởi đầu bằng hứa hẹn nồng ấm hơn và đó là một tín hiệu tốt. Chúng ta cần hợp tác với Nga trong các vấn đề quan trọng”, Tiến sĩ Elliot chia sẻ. Ông cũng cho biết nhiều chuyên gia về quan hệ Nga – Mỹ đều cho rằng Tổng thống Vladimir Putin dường như sẽ biết cách xử lý quan hệ với người đồng cấp mới ở Mỹ.

Một trong những lý do để nhiều người hy vọng vào bước phát triển mới trong quan hệ Mỹ - Nga là cả hai nhà lãnh đạo đều bắn tín hiệu sẵn sàng hợp tác và từng bị các cơ quan tình báo Mỹ âm thầm điều tra vì nghi ngờ có thể “đi đêm” với nhau trong việc chống bà Hillary trong thời gian vận động tranh cử.

Ở khu vực Bắc Mỹ và Mỹ Latinh, các chuyên gia cho rằng ông Trump cũng sẽ có những bước đi rất khác, thậm chí đối nghịch với chính quyền Obama. Đơn cử, theo như nhà phân tích chính trị Bruce Campbell cũng của Canada, ông Trump có thể sẽ phê chuẩn dự án đường ống dẫn dầu Keystone XL vốn bị Tổng thống Obama bác bỏ. Dự án này đưa dầu thô từ tỉnh Alberta của Canada sang các bang miền Nam nước Mỹ.

Ngoài ra, ông Trump cũng sẽ tìm kiếm các cơ hội kinh tế từ sự mở cửa và phát triển ở Cuba, đồng thời tiến hành đàm phán lại và sửa đổi một số nội dung trong NAFTA để biến thỏa thuận này thành văn kiện tốt hơn từ góc nhìn của một nhà kinh doanh. Việc ông Trump ép sửa đổi NAFTA và xây dựng tường ngăn với Mexico sẽ khiến bầu không khí chính trị Bắc Mỹ lại trở nên lạnh nhạt sau chưa đầy một năm nồng ấm trở lại.

Tổng thống đắc cử Donald Trump (giữa) và lãnh đạo đa số tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell (phải) sau cuộc gặp ở Washington, D.C ngày 10/11. Ảnh: EPA/TTXVN

Trong hồ sơ hạt nhân Iran, CHDCND Triều Tiên, cuộc chiến tại Syria và chiến dịch chống IS, ông Trump sẽ tỏ rõ là người quyết đoán và mạnh mẽ. “Ông Trump rất hoài nghi về thỏa thuận hạt nhân ký với Iran và có thể sẽ hoàn toàn vất bỏ nó”, ông David nói.

Ông không quên cảnh báo nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump sẽ sẵn sàng khai hỏa ở vùng Vịnh nếu Tehran ngăn cản hiện diện quân sự của Mỹ. Trong khi đó, nhà phân tích Bruce Campbell cho rằng rất có thể ông Trump sẽ tìm kiếm cơ chế hợp tác với Nga trong vấn đề Syria và cuộc chiến chống IS.

Tóm lại, với chiến thắng ngoạn mục đêm 8/11, ông Trump sẽ là chủ nhân đầu tiên của Nhà Trắng xuất thân thuần túy từ kinh doanh và hoàn toàn ngoại đạo về chính trị. Ông cũng là tổng thống Mỹ già nhất nhậm chức lần đầu. Với bản tính của một nhà kinh doanh lọc lõi, ông Trump được đánh giá sẽ có thế mạnh vực dậy kinh tế Mỹ, khôi phục các giá trị và sức mạnh nội tại của “chú Sam” và theo đuổi đường lối lãnh đạo quyết đoán, thực dụng.

Những chính sách đối ngoại của ông sẽ nhấn mạnh đến các lợi ích của Mỹ, buộc các đồng minh phải hành động và chia sẻ trách nhiệm nhiều hơn, đồng thời khiến các đối thủ phải thận trọng khi có ý định đối đầu với Mỹ. Ông Trump sẽ nỗ lực cải thiện hình ảnh cho rằng nước Mỹ đang yếu đi và e ngại sử dụng quyền lực.

Do vậy, ông sẽ không đi theo cách thức thông thường, mà tỏ rõ thái độ và sẵn sàng hành động quyết đoán mỗi khi cần thiết. Tất nhiên, mức độ quyết đoán và đối đầu của Mỹ sẽ phụ thuộc rất nhiều vào hành động cụ thể của đối phương.

Vũ Hà (P/v TTXVN tại Canada)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/mot-nuoc-my-moi-duoi-thoi-donald-trump-20161111143305810.htm