Một nhu cầu có thực

Trong thông báo về Công tác quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn, Thành ủy TP HCM vừa khẳng định “chủ trương chấm dứt dạy thêm, học thêm tràn lan hiện nay là đúng đắn”, song cần có lộ trình và cách làm phù hợp. Và bởi cần “có lộ trình”, TP Hồ Chí Minh cho phép các trường được dạy thêm, trên cơ sở sự tự nguyện của học sinh. Thông báo này, thay cho một chỉ đạo hồi đầu tháng 6, cũng từ Thành ủy TP Hồ Chí Minh, về việc phải chấm dứt tình trạng dạy thêm.

Tranh minh họa.

Để rồi sau đó một lệnh cấm dạy thêm học thêm trong nhà trường được Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh triển khai thực hiện, tới mức đã có những cô giáo bị kỷ luật, với những ý kiến trái chiều từ dư luận và từ chính các giáo viên.

Có thể nói là trong vòng mấy tháng qua, tâm trạng giáo viên, học sinh và có lẽ cả các phụ huynh ở TP Hồ Chí Minh là hết sức phấp phỏng. Với chủ trương cấm triệt để dạy thêm, thầy cô bỗng nhiên bị coi như một đối tượng “được” rình rập, soi mói để “bắt tội” nếu lỡ dạy thêm. Báo chí bới móc chỗ này vẫn “ngang nhiên” dạy, chỗ kia “cô lén lút” đưa học sinh về nhà…

Quả thực đó là một cách hành xử không nên dùng để áp dụng với những người đang giữ sứ mệnh “trồng người”. Dạy học trò mà bị rình bắt như bắt đánh bạc thì còn đâu là hình ảnh thầy cô trước mắt học trò.

Dư luận không quên được những giọt nước mắt của thầy Nguyễn Văn Lợi - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thực hành sư phạm Phan Đình Phùng đã rơi xuống khi nói về việc giáo viên bị cấm dạy thêm trong buổi làm việc với Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND TP HCM).

Ông Lợi nêu một thực tế về việc “giữ trẻ” cuối giờ chiều, khi nhiều phụ huynh vì công việc không thể đón con lúc tan trường, họ có nguyện vọng để giáo viên giữ trẻ sau giờ này. Đó cũng là một thực tế đối với học sinh tiểu học.

Còn tại các cuộc họp HĐND TP Hồ Chí Minh trước đó, nhiều đại biểu dân cử của TP Hồ Chí Minh đã nói đến “một nhu cầu có thật”. Đó là phụ huynh muốn cho con học thêm.

Và như vậy, trong trường cấm thì họ cho học tại các trung tâm bên ngoài. Về phía giáo viên, dạy thêm cũng là “một nhu cầu có thật”. Vì lương giáo viên thấp, vì nhu cầu kiếm tiền từ nghề nghiệp là hoàn toàn chính đáng. Và họ cũng đi dạy thuê cho các trung tâm bên ngoài.

Đầu tháng 8, trong cuộc họp chuẩn bị cho năm học mới của ngành giáo dục TP HCM, nhiều cán bộ quản lý và giáo viên cho rằng dạy thêm vẫn mang lại những lợi ích nhất định nên kiến nghị thành phố xem xét lại quyết định ngưng hoạt động này.

Đến kỳ họp thứ 2 HĐND TP HCM khóa IX, nhiều đại biểu cho rằng nhu cầu dạy và học thêm là có thật, việc cấm hoạt động này diễn ra ở nhà trường nhưng cho dạy thêm, học thêm ở các trung tâm văn hóa “thì thực chất chỉ là thay đổi hình thức”…

Cho đến cuối tháng 9, ông Võ Văn Hoan - Chánh văn phòng UBND TP HCM đã có phát biểu cho rằng nhu cầu của phụ huynh, học sinh để tăng cường kiến thức, nhất là đối với những em cuối cấp tham gia vào kỳ thi quan trọng là có thật.

Và ông với tư cách là người phát ngôn của UBND TP Hồ Chí Minh thừa nhận Thành phố đã “vội vàng” khi đưa ra quyết định cấm dạy thêm, học thêm. Thay vào đó thành phố cần có lộ trình để tránh gây bức xúc trong xã hội và chuẩn bị tâm lý cho đội ngũ quản lý, giáo viên, phụ huynh, học sinh.

Và cho đến cách đây vài ngày, Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã có ý kiến chính thức về vấn đề này. Tái khẳng định, chấm dứt dạy thêm học thêm là một chủ trương đúng đắn, nhưng “cần có lộ trình”, lý do là nội dung và chương trình giáo dục còn chậm đổi mới, phương pháp thi cử còn thiên về kiểm tra kiến thức thì một bộ phận học sinh, phụ huynh vẫn có nhu cầu học thêm. Nên, nay TP. Hồ Chí Minh lại cho phép dạy thêm trên cơ sở tự nguyện của học sinh.

Các trường phải khảo sát, phân chia lớp học theo cấp độ học lực, trình độ của học sinh. Danh sách lớp học thêm và nội dung, chương trình giảng dạy do hiệu trưởng nhà trường quyết định.

Riêng các trường có học sinh học 2 buổi mỗi ngày, và với học sinh tiểu học, không cho phép tổ chức dạy thêm trừ các trường hợp bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục thể thao...

Thành ủy cũng chỉ đạo, ngành giáo dục thành phố phải tạo điều kiện cho học sinh được lựa chọn giáo viên, phân bổ hợp lý thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm cho giáo viên và học sinh.

Ngoài ra, ngành phải tập trung việc phụ đạo, bổ sung kiến thức cho học sinh chưa theo kịp chương trình và bồi dưỡng học sinh giỏi bằng ngân sách của thành phố. UBND thành phố được giao thực hiện tốt chính sách hỗ trợ nhà ở, nâng thu nhập cho cán bộ và giáo viên.

Về lâu dài, thành phố cần tập trung các chuyên gia giáo dục có chuyên môn, giàu kinh nghiệm tham gia biên soạn bộ sách giáo khoa mới đạt chất lượng nhằm giảm tải áp lực cho học sinh.

Thành ủy cũng yêu cầu UBND TP HCM nhanh chóng hoàn tất lộ trình chấm dứt tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan tiêu cực.

Dẫn ra một “lộ trình” từ chủ trương cấm đến cho phép dạy thêm, học thêm ở TP Hồ Chí Minh vừa qua, để thấy phần nào cái khó của làm chính sách nếu không xuất phát từ nhu cầu thực tiễn đời sống.

Dạy thêm cũng như nhiều vấn đề khác trong xã hội hiện nay, không thể thay đổi chỉ từ một lệnh cấm.

Trong khi, bản thân các đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố cũng đã thấy rất rõ dạy thêm học thêm là “một nhu cầu có thực” từ chính các phụ huynh, học sinh và thầy cô.

Và khi chính sách đi ngược lại “một nhu cầu có thực” thì sẽ không đi được vào đời sống xã hội. Chưa kể rằng, nó đã làm tổn thương hình ảnh thầy cô giáo trong xã hội.

Ngọc Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tham-vanphan-bien/mot-nhu-cau-co-thuc/127347