Một người anh hùng bình dị

Sau nhiều lần hẹn, chúng tôi mới có cuộc trò chuyện cùng Đại tá, Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Tiên, nguyên Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Sóc Trăng, để hiểu về những ngày tháng gian khổ, những chiến công, thành tích trong kháng chiến cứu nước... và cuộc sống đời thường của anh hôm nay.

Sinh ra trên vùng đất Hòa Tú - một vùng đất giàu truyền thống cách mạng của huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Chưa đầy 16 tuổi (năm 1971), anh Nguyễn Văn Tiên tham gia vào lực lượng dân quân du kích địa phương, mong muốn góp phần mình vào công cuộc giải phóng quê hương.

Lúc đó, anh Tiên còn rất trẻ, được đơn vị cử đi học lớp y tá. Sau đó, anh được điều về công tác tại Ban Dân y huyện Mỹ Xuyên. Tại đây, biết nhiệm vụ của mình là chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của đồng chí, đồng đội nên anh Ba Tiên (tên thân mật của Đại tá Nguyễn Văn Tiên) cố gắng hết sức hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Nhưng ước mơ được cầm súng trực tiếp chiến đấu với quân thù vẫn âm ỉ cháy trong lòng anh. Ước mơ đó cũng thành hiện thực khi anh được điều về công tác tại Đội trinh sát vũ trang (Ban An ninh huyện Mỹ Xuyên).

Đó là vào đầu năm 1973, lúc này anh 18 tuổi. Những ngày ở đây, anh cùng đồng đội tổ chức nhiều trận đánh oanh liệt, tiêu diệt và làm bị thương hàng trăm tên địch, thu hàng trăm khẩu súng các loại, bức rút hàng chục đồn bốt giặc… khiến kẻ thù khiếp vía khi nghe đến tên anh và đơn vị anh.

Đại tá, Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Tiên cùng hai cháu nội.

Năm 1972, địch tổ chức nhiều cuộc càn quét, tăng cường các hoạt động giành dân, giữ đồn bốt, ngăn chặn sự tiến công của cách mạng, gây khó khăn cho phong trào của chúng ta. Trước tình hình đó, đơn vị của anh Ba Tiên được giao nhiệm vụ diệt ác, phá kềm, đánh thọc sâu vào lòng địch để ngăn chặn các hoạt động đánh chiếm của chúng.

Trận đánh anh Ba Tiên nhớ nhất là trận đơn vị của anh phối hợp với các đơn vị bạn tổ chức đánh trả Tiểu đoàn 535 của địch khi chúng tổ chức hành quân từ Sóc Trăng vào càn quét căn cứ của cách mạng ở xã Gia Hòa (huyện Mỹ Xuyên). Lực lượng của địch là một tiểu đoàn mới thành lập với trên 200 quân, trang bị đầy đủ vũ khí với sự hỗ trợ của các phương tiện hiện đại rầm rộ tiến vào xã Gia Hòa.

Với quyết tâm xóa sổ tiểu đoàn mới thành lập này để uy hiếp tinh thần kẻ thù, cổ vũ tinh thần chiến đấu của nhân dân, các đơn vị của ta đã lùi vào phía sau, “mở cửa” cho địch tiến vào dễ dàng. Khi địch lọt sâu vào trận địa, các cánh quân của ta khép vòng vây khiến cho trên 200 tên không còn đường thoát.

Trận này, đơn vị anh Ba Tiên tiêu diệt, bắt sống hơn 100 tên, thu hàng trăm khẩu súng các loại, 2 máy bộ đàm PRC25; số còn lại bỏ chạy, đào ngũ. Tiểu đoàn 535 của kẻ thù chính thức bị xóa sổ khi vừa mới ra quân trận đầu…

Anh Ba Tiên còn cùng đồng đội tham gia nhiều trận đánh, tiêu diệt nhiều tên ác ôn, chiếm nhiều đồn giặc, như: trận đánh vào đồn Hòa Hinh (xã Ngọc Đông); trận đánh đồn Hòa Quới A (xã Ngọc Tố) tiêu diệt tên Trung úy đồn trưởng; trận đánh đồn vàm Cần Đước - Nhu Gia (xã Thạnh Phú), thu 6 khẩu súng cùng nhiều quân trang quân dụng; trận đánh đồn Thạnh Hòa, đồn Kinh Hai; phối hợp đánh Tiểu đoàn 408, Tiểu đoàn 535… gây cho địch nhiều tổn thất.

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30-4-1975), anh Tiên cùng đồng đội tiếp tục truy quét bọn ngụy quân ngụy quyền trốn cải tạo, câu kết bọn phản động đội lốt tôn giáo gây bạo loạn, âm mưu lật đổ chính quyền, bắt 50 tên…

Với những thành tích đã đạt được, năm 2000, Đại tá Nguyễn Văn Tiên vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Đến năm 2005, anh Ba Tiên được điều động về giữ chức vụ Giám thị Trại tạm giam Công tỉnh Sóc Trăng, sau đó giữ chức vụ Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Sóc Trăng cho đến ngày nghỉ hưu (1-4-2015).

Sau khi nghỉ hưu, Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Tiên trở về với cuộc sống đời thường của một người lính đã hoàn thành nhiệm vụ với Tổ quốc. Hằng ngày, anh làm tài xế xe ôm đưa đón cháu nội đi học, rồi quay về phụ giúp người vợ đảm đang của mình bán cà phê cho công nhân ở một cơ sở sản xuất tại địa phương.

“Việc bán cà phê cho công nhân là của bà xã, mình qua lại phụ giúp thôi. Nhiệm vụ chính của mình là đưa đón bà xã lên đây bán cà phê và đưa đón các cháu đi học” – anh Ba Tiên chia sẻ.

Nhớ về một thời gian khó, anh Ba Tiên kể: “Thời chiến tranh gian khổ, thiếu thốn đủ thứ. Súng đạn chủ yếu lấy của địch để đánh lại địch. Về đời sống vật chất, cả đơn vị hàng chục ngày không còn hạt gạo, phải hái rau rừng ăn thay cơm mà chiến đấu. Nhiều khi phải chờ đến đêm, bò vào ấp chiến lược xin từng bơ gạo của bà con về nấu cháo. Ân tình của bà con thật là sâu nặng.

Trong chiến đấu, cũng có mất mát hi sinh. Đồng đội của mình ngã xuống, ai cũng đau buồn nhưng chỉ vài ngày thôi, sau đó phải nén đau thương để tiếp tục chiến đấu trả thù cho đồng đội, cho quê hương, cho đất nước. Người sống luôn nhớ đến sự hi sinh của đồng đội, đồng đội hi sinh cho mình được sống đến ngày giải phóng, không bao giờ quên được”.

Trước khi chia tay, anh Ba Tiên nói: “Ở đâu, giữ cương vị nào, anh vẫn luôn xác định mình là người chiến sĩ Công an nhân dân, vì nhân dân phục vụ”.

Được biết, các con trai của anh cũng nối nghiệp người cha anh hùng, hiện là cán bộ Công an tỉnh Sóc Trăng…

Văn Đức – C. Xuân

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/guong-sang/mot-nguoi-anh-hung-binh-di-438124/