Một ngôi trường ở TP.Quảng Ngãi có hàng trăm học sinh bỏ học

Chỉ tính từ năm học 2014-2015 đến nay, trường THCS Nghĩa An (xã Nghĩa An, TP.Quảng Ngãi) có đến 285 học sinh bỏ học. Tình trạng này hiện vẫn tiếp diễn trong khi chính quyền địa phương chưa có giải pháp nào khả thi.

Trường THCS Nghĩa An - Ảnh: An Nhiên.

Trường THCS Nghĩa An - Ảnh: An Nhiên.

Phụ huynh 'thả tay'

Bà Võ Thị Buông (thôn Tân An, xã Nghĩa An) có cả 3 con đều chưa học hết lớp 7. “Động viên có, la mắng cũng có nhưng rồi tụi nó vẫn bỏ học. Đến thằng út, mình sợ nó lại bỏ học nên chở đến tận lớp giao cho cô giáo nhưng được một vài hôm nó cũng nghỉ. Sau đó, cứ nói đến chuyện đi học là nó ra bờ biển ngồi cả ngày không về nhà”, bà buồn rầu cho biết.

Theo bà Buông, nghỉ học được một thời gian thì đứa lớn kéo đứa bé theo tàu đi biển. “Tụi nó bảo đi học không có tiền, nhiều đứa bạn chỉ đi biển một vài chuyến là có tiền mua xe, sắm điện thoại xịn”. Cứ thế nên nhiều năm qua, số học sinh bỏ học để lao động kiếm tiền tiêu xài không ngừng tăng cao.

Tình trạng học sinh ở trường THCS Nghĩa An bỏ học rất đáng báo động

Trong khi đó, ông Phạm Văn Nghiệp, Hiệu trưởng trường THCS Nghĩa An khẳng định: “Chỉ một số ít phụ huynh quan tâm đến con em thì phối hợp với nhà trường, đoàn thanh niên của xã kèm các em đến tận lớp, vậy mà chỉ cần quay lưng đi là các em trốn học. Tuy nhiên con số này không nhiều, còn lại các bậc phụ huynh thường ít quan tâm đến việc học của con. Bị tác động bởi nhiều yếu tố, học lực kém, cha mẹ lại không quan tâm vậy nên năm nào số học sinh bỏ học cũng cả trăm em”.

Theo biên chế, năm học 2016-2017, trường THCS Nghĩa An có 989 học sinh. Tuy nhiên từ khi bắt đầu năm học mới đến nay đã có 74 học sinh không đến lớp. “Hiện có 2 học sinh đã bỏ học mấy bữa nay, nhà trường quan tâm liên lạc với gia đình nhưng phụ huynh các em không hợp tác. Vậy là lại thêm 2 em bỏ học”, thầy Nghiệp than thở.

Thống kê đến nay, phần lớn số học sinh bỏ học do học lực yếu, ham chơi game và thích kiếm tiền để tiêu xài cùng với bạn bè. Ông Nghiệp nhấn mạnh: “Mỗi năm có 2 thời điểm chúng tôi rất sợ là bước vào năm học mới và sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Như một căn bệnh ‘mãn tính’, đến thời điểm này lại rộ lên tình trạng học sinh bỏ học hàng loạt”.

Chính quyền bất lực?

Ngăn chặn tình trạng học sinh trường THCS Nghĩa An bỏ học được cho là bài toán làm đau đầu các cấp chính quyền cũng như ngành giáo dục TP.Quảng Ngãi. Thời gian qua chính quyền địa phương đã thành lập các tổ công tác đến các hộ gia đình có học sinh bỏ học để vận động các em quay lại lớp, chỉ đạo nhà trường bồi dưỡng học sinh yếu kém, theo dõi các em có biểu hiện bỏ học để có biện pháp giúp đỡ, tuy nhiên kết quả không được như mong đợi.

Đoàn xã Nghĩa An tặng quà, động viên học sinh có nguy cơ bỏ học

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND xã Nghĩa An nói: “Các em đã nghỉ học rồi vận động rất khó, mỗi năm chỉ có từ 2-3 em quay lại trường. Còn lại phần lớn các em nam thì đi biển, các em nữ đi làm ăn tại các thành phố lớn”.

Bỏ học, tham gia lao động khi còn nhỏ nên khi có tiền là các em tiêu xài vô tội vạ, điều đó vô hình chung lại tạo ra tiền lệ cho các em khác làm theo. “Điều đáng buồn nữa là có tình trạng ‘con gà tức nhau tiếng gáy’; nhà này thấy con cái nhà bên cạnh làm có tiền, sắm sửa đủ thứ thế là cũng để con mình đi biển kiếm tiền cho bằng với người ta”, ông Tuấn cho biết.

Nhiều chỗ trống trong một lớp học của khối 6

Một vấn đề khác được đặt ra là số học sinh bỏ học sớm để đi biển đều chưa đủ tuổi lao động. Lãnh đạo xã Nghĩa An cho biết, trước đây chính quyền địa phương đã vận động các chủ tàu cá không tiếp nhận lao động chưa đủ tuổi vào làm việc. Tuy nhiên, trong mấy năm gần đây do cửa biển bị bồi lấp, tàu cá của địa phương neo đậu các nơi khác nên xã không thể quản lý được vấn đề này.

Về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Văn Anh, Trưởng phòng GD-ĐT TP.Quảng Ngãi nhận định: “Đối với học sinh bỏ học hiện chỉ có thể áp dụng biện pháp vận động, hỗ trợ các em quay lại trường chứ không có chế tài nào khác. Về lâu dài, ngành giáo dục thành phố Quảng Ngãi xác định phải tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục tại điểm trường này để các em yêu trường, yêu lớp, từ đó kéo giảm số học sinh bỏ học”.

An Nhiên

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/giao-duc-c-69/cau-chuyen-giao-duc-c-108/mot-ngoi-truong-o-tpquang-ngai-co-hang-tram-hoc-sinh-bo-hoc-47230.html