Một ngày ở 'Trung tâm huấn luyện thể thao Lâm Thao'

Từ ngày bổ sung các trang thiết bị mới vào phục vụ cho việc tập luyện, sân vận động của Cty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao được dân trong vùng ví như một Trung tâm huấn luyện...

Từ ngày bổ sung các trang thiết bị mới vào phục vụ cho việc tập luyện, sân vận động của Cty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao được dân trong vùng ví như một Trung tâm huấn luyện thể dục thể thao với nườm nượm người tập, chật ních tiếng cười…

Tập thâu đêm, suốt sáng

Trời dần ngả về chiều, sân vận động Lâm Thao hắt cái bóng khổng lồ của nó xuống chan hòa cùng màu xanh với thảm cỏ, dãy phượng, rặng dừa.

Bà Nguyễn Thị Lý dẫn hai đứa cháu nội bắt đầu ra tập luyện. Thoạt tiên là bà đi bộ nhẹ nhàng trên đường pit để khởi động, làm nóng cơ thể trước khi bắt đầu vào một loạt bài tập khác như đẩy tay, xoay, văng người, lắc hông rồi kết thúc bằng màn kéo giãn toàn thân nhẹ nhàng trên băng tập.

Những bệnh về xương khớp mãn tính của tuổi già dường như tan biến theo từng động tác. Hai đứa cháu nội của bà Lý lúc thì hào hứng với trò nhảy dây, khi lại cười nắc nẻ với trò đi bộ lắc tay.

Con trẻ cũng luyện rèn

Con trẻ cũng luyện rèn

Càng về chiều sân vận động càng trở nên đông đúc. Công nhân tan ca về dựng xe máy bên rặng dừa, học sinh đi học về bỏ cặp ven ghế đá, người dân đi chợ về để tạm túi thức ăn xuống thảm cỏ rồi cùng vào tranh thủ luyện rèn.

Trẻ thì tập chạy, đá bóng, bóng chuyền da, bóng chuyền hơi, bóng bàn, cầu lông, tennis, xà đơn, xà kép, già thì đi bộ, dưỡng sinh, tập kéo dãn gân cốt, tập tay, tập chân. Vừa tập họ vừa trao đổi, chuyện trò đến quên cả thời gian.

Tấm bảng: “Khỏe để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” trên sân vận động dần chìm vào trong màn đêm nhưng vẫn có hàng trăm người nán lại dưới ánh đèn cao áp để cố nốt những bài tập cuối.

Những trang thiết bị hiện đại trên trước tiên là phục vụ cho chính người lao động trong công ty sau đó là bố mẹ, anh chị em, họ hàng ruột thịt và những người dân lân cận. Từ 4 giờ sáng những người dân sống ở khu vực gần như xã Thạch Sơn, Tiên Kiên… đã kéo đến đây để tập luyện và 5 giờ thì rời khỏi, trả lại dụng cụ cho người Lâm Thao.

Cảnh thể dục thể thao tuy đông vui, nhộn nhịp nhưng không hề rối loạn bởi nề nếp “đặt gạch” đã được mọi người từ lâu tuân thủ tuyệt đối. Ai đến sớm thì tập trước, ai đến muộn thì kiên nhẫn chờ đến lượt.

Trong một buổi sáng mùa đông như thế tôi đã bắt gặp ở đây một trận đấu bóng chuyền hơi đẹp tuyệt. Những đường phát bóng mạnh mẽ, những pha cản phá quyết liệt không kém gì một đội chuyên nghiệp. Trời rét mà người ai nấy đẫm ướt mồ hôi. Niềm vui lấp lánh trên từng bờ môi, khóe mắt.

Trời mưa họ tập luyện trong sân có mái che, trời ráo họ tập luyện ngoài trời, không buổi nào chịu bỏ. Thỉnh thoảng khu lại thuê một chuyến xe ô tô để chở cả đội bóng lẫn lực lượng cổ động viên hùng hậu của mình đi giao lưu với các đội cấp huyện hay cấp thành phố, “gặt” về không ít chiến thắng.

Ông Dương Thành Đô nhà ở khu 12 nói với tôi bằng giọng tự hào rằng, riêng khu mình đã có khoảng 120 người thường xuyên tham gia đánh bóng. 6 khu tập thể của Lâm Thao thì cả 6 đều có sân bóng chuyền da, chuyền hơi, đều có mỗi khu một đội nam, một đội nữ.

Đội bóng của khu 12 gồm đủ các thành phần từ đang còn lao động sản xuất đến nghỉ hưu dưỡng già nhưng đều chung một bầu nhiệt huyết với thể thao.

Cho đời nay, cho muôn đời sau

Ở Lâm Thao có một quan điểm rằng đầu tư cho thể dục thể thao cũng chính là đầu tư sức khỏe cho người lao động - thứ vô hình có thể chưa nhìn thấy ngay được nhưng lại vô cùng hữu ích về lâu về dài để tái tạo lại sức lao động.

Theo ông Phạm Quang Tuyến - Bí thư Đảng ủy kiêm Tổng Giám đốc Cty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, 33 trang thiết bị thể dục thể thao mới lắp đặt ở sân vận động trung tâm mới là bước một của lộ trình đầu tư cho sức khỏe.

Ông Phạm Quang Tuyến - Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Cty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao: “Đầu tư sức khỏe cho cán bộ công nhân viên là để tái tạo lại sức lao động”

Bước tiếp theo đơn vị sẽ cho lắp đặt thiết bị tại các công viên, đường đi bộ trong toàn khu vực. Số tiền đầu tư vào đây không thể tính toán hết được vì nó là cả quá trình dài của Lâm Thao nhằm mục tiêu phát triển con người hoàn thiện cả thể chất lẫn tinh thần.

Khác với nhiều doanh nghiệp chỉ quan tâm đến người lao động, ở Lâm Thao còn quan tâm đến cả các thế hệ tương lai của người lao động bằng hệ thống trường mầm non tiên tiến. Cô giáo đều là những người vợ, người chị, người mẹ của cán bộ, công nhân viên trong công ty, lại đang trông giữ cho con cái của họ nên tận tâm và tận tình hết mức.

Tuổi đời của trường bằng đúng tuổi đời của nhà máy. Mới đầu chỉ là vài lớp mẫu giáo đơn sơ rồi thành nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non khang trang hiện đại, đạt chuẩn quốc gia thuộc loại sớm nhất nhì tỉnh Phú Thọ (năm 2003) như hiện nay.

Hiện đơn vị này đang có 24 cán bộ, giáo viên đủ sức chăm nom cho 214 trẻ với giờ giấc đặc biệt linh động, phù hợp với yêu cầu của sản xuất, nhận đón từ 6h sáng, nhận trả từ sau 4h chiều, mức học phí vô cùng ưu đãi chỉ từ 250.000đ/tháng.

Phụ huynh tin tưởng giao con em cho nhà trường

Bởi cơ sở vật chất tốt, phương pháp giáo dục khoa học nên nhiều phụ huynh ngoài công ty cũng tin cậy tìm đến để trao gửi con em. Sáng sáng, khi bố mẹ tập thể dục, thể thao ở sân vận động xong thì dắt con đến trường, đi vào ca mà lòng nghe thư thái, sảng khoái. Yên tâm nơi “hậu phương” họ càng xông xáo nơi “chiến trường” sản xuất, kinh doanh.

Một giai điệu nhạc thiếu nhi cất lên rộn ràng. Nhạc giục giã những bước chân nhanh tới lớp. Đàn trẻ bắt đầu túa ra trước sân tập thể dục như bầy chim sẻ khỏe mạnh và hồng hào, vui tươi và nhí nhảnh.

Chị Nguyễn Thị Hải Yến phụ huynh của cháu Nguyễn Thanh Lâm cho tôi biết trước đây vẫn hay gửi cháu ở trường công lập tại xã bên cạnh nhưng khi so sánh từ cách chăm sóc đến cơ sở vật chất đều thua xa ở đây nên mới chuyển về. Chị càng vui hơn khi ở trường mầm non quê mình mới đây còn có cả các lớp tiếng Anh của giáo viên bản xứ với giá rất mềm chỉ 20.000đ/buổi.

Trẻ vui ca hát

Cách học mới rất cuốn hút trẻ, các cháu mới học vài buổi mà về đã biết chê…cách phát âm của bố mẹ là chưa chuẩn. Cùng một chất lượng chăm sóc như thế này nếu gửi ở nhà trẻ tư thì học phí phải gấp 7-8 lần ở Lâm Thao.

Từ chăm lo từ cấp thấp nhất là mầm non đến duy trì hoạt động có hiệu quả của hội khuyến học, công ty luôn bổ sung sửa đổi các quy chế để động viên khen thưởng kịp thời các cháu là con cán bộ, người lao động đạt thành tích cao trong học tập.

Bởi thế thành tích về học tập trong đơn vị cũng chẳng kém gì một trường chuyên. Năm học 2015 - 2016 có 337 học sinh giỏi các cấp: Cấp quốc gia 20 giải (6 giải nhất; 5 giải nhì; 6 giải ba; 3 giải khuyến khích); cấp tỉnh 123 giải (9 nhất; 26 nhì; 52 ba; 36 khuyến khích); cấp huyện 261 giải( 36 nhất; 66 nhì; 127 ba; 68 khuyến khích); có 122 cháu trúng tuyển đại học năm 2016.

Dương Đình Tường

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/mot-ngay-o-trung-tam-huan-luyen-the-thao-lam-thao-post183098.html