Một 'mớ' lo nếu công nhận chuyển đổi giới tính ở Việt Nam

Nếu Luật Chuyển đối giới tính ra đời, người chuyển giới sẽ được công nhận, được quyền phẫu thuật tại bệnh viện trong nước, được thừa nhận giới tính trên giấy tờ… Tuy nhiên, điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của nhiều người.

Tại Hội nghị lấy ý kiến vào dự thảo báo cáo đánh giá tác động của chính sách Luật Chuyển đổi giới tính ngày 12.5, ông Nguyễn Huy Quang – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế đánh giá 8 chính sách có thể gây tác động lên người chuyển giới và nhiều cá nhân, tổ chức có liên quan. Mỗi chính sách, Bộ Y tế sẽ đưa ra 2-3 giải pháp kèm theo đánh giá tác động của mỗi giải pháp.

Tuy nhiên, ông Quang cho biết: “Để phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, đạo đức, văn hóa Việt Nam, Bộ Y tế nghiêng về giải pháp cho phép chuyển giới với các trường hợp đã sử dụng hooc môn hoặc đã can thiệp ngoại khoa (phẫu thuật ngực hoặc cơ quan sinh dục). Còn các trường hợp không có can thiệp gì mà chỉ “tự nhận” mình là chuyển giới thì sẽ không được công nhận. Người chuyển giới muốn được công nhận cũng phải từ 18 tuổi trở lên, độc thân, có chứng nhận chuyển giới của bệnh viện. Ở giai đoạn đầu, tất cả những người đã phẫu thuật chuyển giới bất hợp pháp hoặc hợp pháp, trong và ngoài nước nếu đủ các điều kiện khác sẽ được công nhận là chuyển giới. Các bệnh viện được phép cấp giấy công nhận chuyển giới cũng phải đủ điều kiện theo quy định. Khi đó người chuyển giới sẽ thực hiện các quy định của pháp luật với giới tính được thừa nhận”.

Trúc Linh – một bạn chuyển giới từ nam sang nữ cho biết, nếu chỉ người đã phẫu thuật và dùng hoóc môn mới được chuyển giới là không đủ. Vì trên thực tế nhiều bạn chuyển giới chỉ “giả trang” bằng quần áo, tóc, trang điểm chứ không đủ tiền để phẫu thuật. Còn có bạn muốn phẫu thuật hay dùng hoóc môn thì không đảm bảo sức khỏe. “Dùng hoóc môn có nhiều tác dụng phụ, phẫu thuật cũng có quá nhiều đau đớn, biến chứng nên không phải người chuyển giới nào cũng chấp nhận hy sinh sức khỏe, tuổi thọ để làm. Nhưng họ vẫn thực sự mong muốn sống giới tính khác với giới tính mình sinh ra. Nếu họ không được công nhận chuyển giới thì quá thiệt thòi” – Linh nói.

Trúc Linh cho biết còn nhiều bạn chuyển giới không thích phẫu thuật và dùng hoóc môn

Trên thực tế không phải người chuyển giới nào cũng đủ sức khỏe hoặc có tiền để thực hiện phẫu thuật. Hiện nay, một người chuyển giới phải trả chi phí khoảng 4000-5000 USD (xấp xỉ 100 triệu đồng), thậm chí có ca phẫu thuật tốn 30-35.000 USD (700-800 triệu đồng). Còn dùng hoóc môn theo đường tiêm hoặc uống thì mỗi năm cũng tốn kém từ 1-17 triệu đồng.

Lý giải về điều này, ông Quang cho biết, điều này nhằm hạn chế các trường hợp lợi dụng điều này để trốn tránh nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ pháp lý hoặc hạn chế những trường hợp đua đòi bỗng nhiên một ngày đẹp trời lại cao hứng muốn nam thành nữ, nữ thành nam.

Ông Quang nhận định, cho dù giải pháp nào cũng sẽ không thể bao quát hết tất cả mọi vấn đề, mọi đối tượng. “Tuy nhiên, cần phải có những quy định về điều kiện chuyển giới để hạn chế các tác động tiêu cực” – ông Quang nói.

Người chuyển giới băn khoăn nhiều về các điều kiện được công nhận chuyển giới

Còn đối tượng độc thân sẽ hạn chế làm tổn thương bạn đời của người chuyển giới nhưng cũng sẽ gây khó khăn cho người nào vừa muốn chuyển giới vừa muốn chung sống với bạn đời vì lý do nào đó. Trên thực tế, không ít cặp vợ chồng đang chung sống hạnh phúc thì người vợ (chồng) lại muốn chuyển giới và họ vẫn duy trì hôn nhân, vẫn yêu nhau như trước. Đối với người chuyển giới đã có con thì sau đó, đứa con sẽ khó khăn trong việc thay đổi xưng hô với người trước đây là mẹ (nữ) giờ lại là nam hoặc trước đây là bố (nam) giờ lại là nữ.

Theo ông Quang, sau khi đánh giá tác động, Bộ Y tế sẽ báo cáo với Quốc hội, sau khi được thông qua mới bắt đầu xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính, nhằm đảm bảo việc xây dựng Luật chặt chẽ, hợp tình, hợp lý hơn. Dự định Luật Chuyển đổi giới tính sẽ được khởi động vào 1-2 năm nữa.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/mot-mo-lo-neu-cong-nhan-chuyen-doi-gioi-tinh-o-viet-nam-769458.html