Một liên hoan phim nhiều cảm xúc lẫn lộn!

Kết thúc Haniff với một lễ bế mạc nhiều màu sắc, với một vẻ hào nhoáng bên ngoài, đẹp nhất chính là việc những phim hay nhất đã lên ngôi, không phải bàn cãi. Được xem nhiều tác phẩm đỉnh cao của điện ảnh thế giới để biết được vị trí của điện ảnh VN, để tham khảo cách tiếp cận các vấn đề đương đại, lịch sử với nhiều góc nhìn khác biệt, Haniff 2016 còn là một kênh ngoại giao văn hóa khá hữu hiệu để VN được biết đến như một đất nước có nhiều tiềm năng hướng tới phát triển bền vững.

Phim hay nhất đã giành giải

Bộ phim “Hồi ức“ (Rememnber) của đạo diễn Atom Egoyan đã đoạt giải phim dài xuất sắc nhất là hoàn toàn xứng đáng vì tầm cao nghệ thuật, vì cái kết đầy bất ngờ quá ấn tượng, vì sự hoàn hảo trong câu chuyện, xử lý của đạo diễn từ những chi tiết nhỏ nhất trong lời thoại… Còn “Gia đình” của Eduardo Roy Jr, (Philippines) lại là một phim thuộc dòng tân hiện thực, với xu hướng phim truyện - tài liệu, với hơi thở, màu sắc cuộc sống đường phố tràn ngập trong phim qua cặp vợ chồng trẻ chưa đến 18 tuổi bị lấy mất con… mà gợi lên hàng loạt vấn đề về cuộc sống, tình người. Tiếc là cái kết hơi hụt hẫng, làm phần nào giảm đi hiệu ứng xuất sắc của phim; giá như dừng ở cảnh hai đứa trẻ cứ chạy, chạy mãi trên đường, hơn là để họ nhảy lên xe... Giải cho đạo diễn và nhất là cho nữ diễn viên (vai Jane) Hasmine Killip là sự ghi nhận tuyệt vời cho những nỗ lực sáng tạo của hai nghệ sĩ.

“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của đạo diễn Victor Vũ được Ban giám khảo trao Giải biểu dương đặc biệt.

Ảnh: PHẠM THANH HẢI

Thất vọng nhất là phim “Nghĩa địa huy hoàng” của đạo diễn Thái Lan Apichatpong. Một phim thử thách sự kiên nhẫn của người xem đến cùng cực, với tiết tấu rất chậm, lê thê, và khán giả cứ lần lượt bỏ về, thậm chí đạo diễn phim “Đông Dương” - ông Régis Wargnier - cũng phải đi ra trước. “Có lẽ ông ấy (chỉ Apichatpong) sau khi đoạt Cành cọ vàng rồi thì thành người cõi trên - ở “trển” rồi, làm phim chỉ ông ấy thích” - một nhà chuyên môn điện ảnh Việt bình luận.

Phải đấu với những phim dự thi hùng mạnh, vớt vát thì “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” được Ban giám khảo bổ sung, trao Giải biểu dương đặc biệt - giải mang tính an ủi.

Phim ngắn, VN có 10/30 phim dự thi, nhưng theo một thành viên Ban giám khảo thì phim VN phần lớn bị giám khảo đánh giá là làm kiểu cũ, cách kể không có nhiều sáng tạo. Và đạo diễn trẻ Phạm Ngọc Lân với phim “Một thành phố khác” trội hơn trong số phim Việt đã giành giải đạo diễn trẻ xuất sắc.

Công chúng chưa đông như mong đợi

Ban tổ chức Haniff đã tổ chức một liên hoan phim hướng tới công chúng nhiều hơn. Việc huy động các nguồn lực xã hội, 50% kinh phí Haniff từ các đơn vị tư nhân vừa giảm bớt gánh nặng kinh phí cho Nhà nước, vừa đưa được nhiều phim hay, nổi tiếng trên thế giới về VN.

Chưa bao giờ công chúng được thưởng thức nhiều phim hay và mới như thế. Ấn tượng đêm khai mạc với “Tôi, Daniel Blake” (I, Daniel Blake - Anh) vẫn làm ngất ngây khán giả, cũng như “Son of Saul” (Con trai của Saul - Hungary), “Louder than boms” (Mạnh hơn bom đạn - Na Uy)… Khán giả đến với Haniff khá đông, nhưng không đều, có buổi chật kín, nhưng có buổi vắng chưa đầy nửa phòng, nhất là phòng chiếu phim ngắn còn lơ thơ.

Việc thông tin, quảng bá chất lượng các phim nước ngoài chưa đến được với công chúng, nên tiếc là có những phim nước ngoài hay mà ít khán giả, trong khi sự ủng hộ dành cho phim Việt cao hơn nhiều.

Để Haniff ngày càng chuyên nghiệp

Haniff là liên hoan phim chuyên nghiệp thì phải chuyên nghiệp ngay từ khâu tổ chức, nên có một cơ quan chuyên trách riêng chỉ lo việc tổ chức thực hiện liên hoan phim (cơ quan này có thể nằm trong cơ cấu quản lý hành chính của Bộ VHTTDL - Cục Điện ảnh), thay vì các cán bộ của Cục Điện ảnh lăn lưng ra làm, nỗ lực, đầy cố gắng và quá tải. Việc khởi động cho Haniff 2018 phải tiến hành ngay từ bây giờ, triển khai tìm, lựa chọn, tìm hiểu các xu hướng phim điện ảnh thế giới..., các diễn viên “sao”, các nhà lý luận phê bình hay giám khảo uy tín của các liên hoan phim quốc tế… và lên kế hoạch (đặt hàng) họ cho Haniff, chưa kể còn vạch ra hướng đi lâu dài cho Haniff những năm kế tiếp.

Các lễ khai mạc, bế mạc cần chú trọng nhiều hơn tới ngôn ngữ điện ảnh, như lễ khai mạc có thể mang áp vào bất kỳ một sự kiện văn hóa nghệ thuật nào khác, chỉ cần thay các clip phim điện ảnh bằng clip khác. Chưa kể, không có một clip giới thiệu toàn cảnh phim trong Haniff. Rồi các hoạt động thảm đỏ, chiếu phim ngoài trời, việc phát giấy mời, bắn phụ đề cho phim cũng cần chu đáo hơn.

Giám khảo cũng là một thành tố quan trọng đánh giá sự thành công - chất lượng và uy tín của Haniff. Chỉ mời ít giám khảo từng vang bóng một thời, mà nên mời những giám khảo đang có uy tín, là thành viên các liên hoan phim quốc tế danh tiếng.

Ngoài khó khăn về kinh phí, thì đây là câu chuyện mang tầm “vĩ mô”. Nếu điện ảnh VN chưa có những tác phẩm tầm cỡ, chưa có phim điện ảnh đoạt giải ở các liên hoan phim quốc tế danh tiếng…, thì việc mời được các giám khảo danh tiếng đang ở đỉnh cao là rất khó. Nói hơi hài hước, không thể dùng dao mổ trâu để giết gà. Ví dụ mời được thành viên giám khảo của Cannes, Venice, Toronto, Berlin, Bafta… để họ chấm “Trúng số”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” thì họ sẽ nghĩ gì?

Uy tín, thương hiệu của một liên hoan phim quốc tế phải xây dựng theo một lộ trình bài bản, chuyên nghiệp. Sự vươn lên của điện ảnh Việt, chất lượng những phim thắng giải, uy tín ban giám khảo, công tác tổ chức, quảng bá… tất cả cùng đồng bộ sẽ tạo hiệu ứng tích cực về một Haniff, để một ngày không xa, những tên tuổi lớn của thế giới đến đây không còn là ảo tưởng.

VIỆT VĂN

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/van-hoa-giai-tri/mot-lien-hoan-phim-nhieu-cam-xuc-lan-lon-608628.bld