Một lần phỏng vấn nhà văn Tô Hoài

THỜI NAY - Lần ấy, tôi được Tạp chí Nhà văn giao phỏng vấn nhà văn Tô Hoài cho số chuyên đề về ông. Tôi hăm hở nhận lời ngay, bởi như nhiều người, từ nhỏ tôi đã mê cuộc phiêu lưu của chú Dế Mèn đến cuồng nhiệt, đến mức tự viết cho mình một tiểu phẩm về chú dế rồi diễn khắp trường phổ thông. Lúc nhỏ, đâu cần biết tác giả viết nhằm gửi gắm tư tưởng gì, chỉ thấy khoái trá khi chú đánh ngã gã Bọ Ngựa, rồi sụt sùi khóc than khi chú bị làm tù binh.

Nhà văn Tô Hoài phát biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm ngày ra đời tác phẩm "Dế mèn phiêu lưu ký". (Ảnh: cand.com.vn)

Chị con gái cả của cụ, sau khi nghe điện thoại, đồng ý cho tôi gặp nhà văn, chỉ bởi chị lo cho sức khỏe của ông. Tôi vội vàng trả lời, chị yên tâm, em có thể không hỏi gì nếu sức khỏe bác không tốt, còn bài báo thì vẫn có thể lùi lại. Nói thì như vậy, nhưng thực sự là rất lo bởi số chuyên đề ấy chỉ chờ bài phỏng vấn để đi nhà in.

Nhà văn Tô Hoài tiếp tôi trong căn phòng nhỏ ở khu tập thể Nghĩa Đô. Ông đón tôi bằng nụ cười hiền hậu, khi tôi nói mục đích của cuộc phỏng vấn chỉ đơn giản là trò chuyện quanh chú Dế Mèn. Ông kể về quê ngoại, nơi có con sông Tô Lịch chảy ngang, tất nhiên hồi đó sông rộng chứ không hẹp như bây giờ, kể về trò chọi dế mà ngày đó luôn là một trong những thú vui bất tận của tuổi thơ. Trò chơi ấy theo ông vào cả giấc ngủ, để chàng thanh niên mơ mộng ngày ấy hóa thân thành con dế nhỏ, chu du khắp thiên hạ.

Thấy ông vui vẻ, tôi hỏi ông rằng, liệu có sự tương đồng nào đó giữa chú Dế Mèn với những trang viết của các nhà văn Pháp như Alfonse Daudet hay Gustave Maupassant hay không. Hỏi xong tôi mới giật mình, chữa cháy bằng cách nói thêm rằng, bởi có điều gì đó tương đồng khi cảnh nông thôn êm đềm quá, thơ mộng quá. Nhà văn Tô Hoài cười gật đầu. Ông bảo, mình học người ta cách tả cảnh, nhưng quan trọng mình biến cái hay của người ta thành cái riêng của mình. Ngay cả tư tưởng thế giới đại đồng, tôi cũng chịu ảnh hưởng từ nước Pháp, khi người ta hô hào giải phóng giai cấp bình dân.

Sau hơn một giờ đồng hồ, tuy rằng chưa hỏi được bao nhiêu, nhưng tôi xin phép ông dừng lại bởi lo ông mệt. Nhà văn Tô Hoài lắc đầu, cháu cứ lo cho xong việc đi, còn bao giờ tôi mệt, tôi sẽ xin dừng. Câu chuyện lại tiếp tục qua suốt chặng đường cuộc đời ông. Thực sự thì tôi cũng không hỏi được điều gì mới mẻ, bởi với bậc trưởng lão làng văn như ông, thì những gì mình muốn hỏi đều đã được ông trả lời đâu đó. Đành phải khai thác theo hướng khác, dành cho những người mới bước chân vào nghề viết, coi như một kinh nghiệm khai thác đề tài của lớp nhà văn đi trước.

Chiều 6-7-2014, nghe tin nhà văn qua đời, lòng tự nhiên chùng xuống. Chú Dế Mèn đã dừng bước phiêu lưu, về với đất mẹ. Lại chợt nghĩ, biết bao giờ mới có một nhân vật đồng thoại khác làm say mê cả một thế hệ nữa đây?

NGUYỄN TOÀN THẮNG

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/vanhoa/dong-chay/item/23706702-mot-lan-phong-van-nha-van-to-hoai.html