'Một kỳ họp thể hiện được bản lĩnh và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội'

Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đã nói như vậy với báo chí bên lề Quốc hội về Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV vừa kết thúc sau 26 ngày làm việc. Tại kỳ họp này Quốc hội đã thông qua 3 dự luật, 11 Nghị quyết và không xem xét thông qua 2 dự án luật như dự kiến.

Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) - Ảnh: Xuân Hải

Đại biểu Dương Trung Quốc nói: Quốc hội luôn có sự kế thừa, rất nhiều vấn đề dang dở của nhiệm kỳ trước thì Quốc hội kỳ này làm tiếp. Trong đó, không ít luật lẽ ra lần này thông qua đã phải gác lại khi có nhiều ý kiến khác nhau, chưa đồng thuận như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, dự án Luật về Hội. Theo tôi, điều này cho thấy bản lĩnh và trách nhiệm của đại biểu. Tinh thần của nhiệm kỳ này là đề cao chất lượng của luật, không bị áp lực về mặt thời gian nên sẵn sàng chấp nhận lùi lại việc thông qua. Tôi cho điều đó là hợp lý.

Thưa ông, là đại biểu tham gia nhiều khóa Quốc hội, ông đánh giá thế nào về chất lượng của kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 14?

- Quốc hội khóa mới có 2/3 số đại biểu là người mới nên tôi từng có e ngại ban đầu rằng, có gì đó chưa nhuần nhuyễn, chưa nhập cuộc. Nhưng rõ ràng, những gì diễn ra không phải như thế. Là người theo dõi và tham gia nhiều khóa Quốc hội, tôi thấy nhiều ý kiến của những đại biểu lần đầu tham gia Quốc hội phát biểu rất có chất lượng. Có thể, một vài người còn hạn chế về kỹ năng diễn đạt, điều đó khó tránh, nhưng điều quan trọng là đã nói lên được nhưng điều rất sát với cuộc sống.

Cụ thể là gì thưa ông?

- Ví dụ như các đại biểu ở các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố Formosa đã nói hết sức thẳng thắn về thực trạng đang khiến cử tri, nhân dân địa phương bức xúc, hay một đại biểu trẻ ở khu vực Tây Nguyên nói về khó khăn, bất cập đang diễn ra ở khu vực này, gây cho tôi nhiều ấn tượng. Ngoài ra, kỳ họp này có nhiều quyết định tôi cho là quan trọng, ví dụ như dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Như ông vừa nói, chính từ việc thẳng thắn của đại biểu Quốc hội đã tạo cho phiên chất vấn chuyển từ thảo luận sang tranh luận, cũng như việc đổi mới qua hình thức đại biểu được giơ biển xin tranh luận ngay tại hội trường, thưa ông?

- Đúng vậy. Khác với trước, chất vấn lần này có thêm phần tranh luận, mới mẻ và thú vị. Và điều tôi ấn tượng nhất là dường như không còn cảm giác các đại diện cơ quan hành pháp kéo dài thời gian, trả lời vòng vo, thay vào đó là thẳng thắn, ngắn gọn. Điển hình là phần trả lời của Thủ tướng, đủ 3 tiếng, giải đáp ý kiến của hơn 30 đại biểu một cách trực diện, đi vào trọng tâm vấn đề, thậm chí còn chỉ thị ngay giải pháp thế nào, cơ quan nào phải vào cuộc giải quyết. Và như thế, người được chất vấn đã chuyển từ tâm thế “bị” chất vấn sang “được” chất vấn, xem đây là một cơ hội, một diễn đàn để cơ quan hành pháp thể hiện quan điểm của mình, chia sẻ cũng như tiếp thu một cách rất cầu thị. Phải nói rằng, những người được chất vấn đã vào cuộc thể hiện thái độ trách nhiệm, cầu thị, không còn lối nói cho qua hay nói để vượt hiểm, với những lời hứa suông nữa. Đây là thay đổi tương đối rõ ràng mà ngay kỳ họp thứ hai này chúng ta đã nhận ra được.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, các thành viên Chính phủ đã đưa ra lời hứa, ông suy nghĩ như thế nào về các lời hứa của các vị bộ trưởng tại kỳ họp này thưa ông?

- Việc các bộ trưởng, thành viên Chính phủ đưa ra cam kết, lời hứa là cần thiết. Nhưng thực hiện cam kết, tôi nghĩ không đơn giản. Bởi dù bộ trưởng là tư lệnh ngành, nhưng nhiều vấn đề không thể một mình bộ trưởng đó giải quyết được như vấn đề an toàn thực phẩm liên quan đến ngành công thương, công an, y tế, hải quan… hay Bộ trưởng Bộ Y tế muốn giải quyết tình trạng một giường bệnh nhiều bệnh nhân, thì ai bỏ tiền mua chiếc giường thứ hai nếu Bộ Tài chính không cấp?! Vì thế tôi cho rằng, những phiên chất vấn nên chất vấn cấp Thủ tướng, Phó Thủ tướng còn các Bộ trưởng là những người thực thi, như thế lời phát biểu cuối cùng sẽ có hiệu quả hơn. Tôi ví dụ, vừa rồi chúng ta nghe Bộ trưởng Bộ GD-ĐT trả lời, sau đó nghe sự hỗ trợ của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thì rất nhiều vấn đề sáng rõ; hay như phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương thì phần trả lời hỗ trợ của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm sáng tỏ hơn về vấn đề phân bón giả, vốn liên quan tới cả hai ngành này.

Xin cảm ơn ông!

Xuân Hải (Ghi)

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/chinh-tri/mot-ky-hop-the-hien-duoc-ban-linh-va-trach-nhiem-cua-dai-bieu-quoc-hoi-613988.bld