Một kiểu 'chảy máu' ngoại tệ đáng lo ngại

Thông tin từ Hiệp hội Quốc gia chuyên viên địa ốc Hoa Kỳ, tính từ tháng 4.2016 - 3.2017, công dân Việt Nam đã mua bất động sản tại Mỹ trị giá lên tới 3,06 tỉ USD.

 cách đây 2 năm báo chí đưa tin có khoảng 110.000 du học sinh Việt Nam tại 47 quốc gia trên thế giới. Ảnh: Internet

cách đây 2 năm báo chí đưa tin có khoảng 110.000 du học sinh Việt Nam tại 47 quốc gia trên thế giới. Ảnh: Internet

Nhiều người kinh ngạc vì số tiền này quá lớn, không ít người lo lắng vì đây là hiện tượng chảy máu ngoại tệ sang Mỹ.

Khoan đã, đó chỉ là thị trường Mỹ, người Việt còn mua nhà ở Úc, New Zealand, Canada. Chưa ai thống kê được số tiền là bao nhiêu, nhưng dự đoán tiền người Việt mua nhà ở các nước này lại, cũng không thua kém con số người Việt mua nhà ở Mỹ.

Lý do vì sao người Việt mua nhà ở nước ngoài, có ba câu trả lời, một là mua nhà để ở khi định cư, hai là đầu tư sinh lợi, ba là mua làm tài sản. Họ tin rằng các quốc gia đó có sự bảo đảm an toàn tài sản.

Còn một số tiền rất lớn chảy qua Mỹ và một số nước khác, đó là người Việt Nam đầu tư để được cấp thẻ xanh theo diện nhà đầu tư. Nếu ở Mỹ thì bỏ ra từ 500.000 - 1.000.000 USD. Trên thực tế, đối với không ít người, bỏ ra tiền triệu USD đầu tư ở Mỹ lời lãi không cần thiết. Mục đích là để có thẻ xanh, sau đó là định cư.

Chưa hết, cách đây 2 năm báo chí đưa tin có khoảng 110.000 du học sinh Việt Nam tại 47 quốc gia trên thế giới, ước tính chi phí khoảng 3 tỉ USD mỗi năm. Nếu tính năm 2017, chắc chắn con số còn cao hơn. Ngoại tệ chảy ra nước ngoài bằng con đường du học cũng đáng kể lắm. Tích góp được bao nhiêu, đem nộp cho thiên hạ hết. Còn nữa, người Việt không chỉ tích góp tiền cho con du học, mà khi có được rủng rỉnh trong túi, nhiều người chỉ thích chữa bệnh ở nước ngoài. Ít nhất mỗi năm số tiền ngoại tệ chảy ra nước ngoài theo bệnh nhân sính ngoại là 1 tỉ USD.

Cộng hết tất cả các kênh chảy máu ngoại tệ trên lại, sẽ cho ra con số trên dưới chục tỉ USD. Trong khi đất nước đang thiếu vốn phải xách gói đi vay nợ khắp nơi, thì tiền trong dân âm thầm chảy ra nước ngoài. Có khoản xứng đáng, hợp lý, nhưng cũng có những khoản đầy rủi ro hoặc không cần thiết. Tính ra, Việt Nam mất đi một nguồn tài chính rất lớn để đầu tư trong nước.

Làm sao ngăn chặn được nạn chảy máu ngoại tệ này?

Muốn trả lời câu hỏi trên thì trả lời các câu hỏi, lãi suất tiền gửi bằng USD là 0%, nếu ngân hàng có rủi ro, người gửi tiền được bảo hiểm tối đa 75 triệu đồng thì ai yên tâm bỏ tiền vào ngân hàng trong nước? Làm sao để người dân có niềm tin an toàn tài sản, chất lượng học tập, chất lượng khám-chữa bệnh, để không bỏ tiền mua những thứ đó ở nước ngoài?

LÊ THANH PHONG

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/su-kien-binh-luan/mot-kieu-chay-mau-ngoai-te-dang-lo-ngai-685995.bld