Một góc nhìn khác về người phụ nữ sau chiến tranh của Hồ Anh Thái

Chúng ta chỉ biết đến hình tượng người phụ nữ của chiến tranh là mẹ Việt Nam anh hùng hay những cô gái của Ngã ba Đồng Lộc, mà quên đi rằng họ cũng là con người.

Cô Luyến có bầu. Ông phó giám đốc được phen hả dạ, nhất quyết họp phê bình để tìm ra "cái đuôi chuột". Ai đời cả đội Năm toàn đàn bà con gái lại nảy nòi ra một cô không chồng mà chửa? “Sa đọa hết cả rồi.”

Thoạt nghe thì có vẻ là một câu chuyện thời Thị Mầu, nhưng thực tế vào thời hậu chiến số lượng phụ nữ đơn thân mang thai nhiều tới mức vào năm 1985, Hội Phụ nữ Việt Nam phải thúc đẩy đạo luật công nhận và khai sinh cho con ngoài giá thú. Tiểu thuyết Người đàn bà trên đảo của Hồ Anh Thái kể một câu chuyện đầy giá trị hiện thực nhưng cũng không kém phần nhân văn về những nữ cựu chiến binh này.

Tiểu thuyết Người đàn bà trên đảo của tác giả Hồ Anh Thái.

Tiểu thuyết Người đàn bà trên đảo của tác giả Hồ Anh Thái.

Sau hòa bình, lâm trường chủ yếu trồng hương nhu và chế biến tinh dầu trở thành nơi định cư của cả đội Năm “gần chín mươi phần trăm là phụ nữ chưa chồng.” Có người còn trẻ, có người đã quá thì; nhưng bị cô lập khỏi thế giới không khác gì ở trong tu viện, không ai là không háo hức khi có tin một anh chàng thành phố chuyển ra đảo.

Háo hức. Tò mò. Liều lĩnh. Từ một tin đồn về người mới ở trại đồi mồi xa tít tận ngoài đảo, đến hôm nay một cô gái trong đội đã có bầu. Kỳ lạ thay, không chị em nào tố giác hay căn vặn; chỉ có ông phó giám đốc muốn nhân cơ hội chung để trả thù riêng một tay đàn ông trong công ty. Lẽ giản đơn, bản thân họ đều hiểu nỗi khát khao bị kìm nén của cô gái ấy mãnh liệt thế nào.

Họ ra chiến trường là những cô gái thanh niên xung phong hừng hực sức trẻ và khí thế chiến đấu. Họ chiến đấu và lao động quên mình vì một niềm tin rằng hòa bình thì sẽ hạnh phúc. Thế nhưng bẵng đi hằng chục năm, thanh xuân đã trải trên những hình ảnh và câu hát cô gái mở đường; trong tay họ chỉ còn tuổi xế chiều và sự đơn thân lẻ bóng.

“Hòa bình rồi, nhưng người tôi chờ không trở lại... Nếu ngày trước tôi không giữ mình quá, ít ra tôi cũng có một đứa con với người tôi yêu. Tôi giữ thân cho ai nữa, trinh tiết cho ai, khi mà chỉ có một mình cô đơn? Tập thể có thể làm tôi có ý chí, có thể làm cho tôi khuây khỏa đôi chút, nhưng tập thể không thể cho tôi hạnh phúc riêng.”

Người phụ nữ của chiến tranh là những người hùng nhưng họ cũng là một con người. Họ cũng có dục vọng, cũng có ham muốn, và trên hết có nhu cầu hoàn thành thiên chức làm mẹ. Bước ra từ kháng chiến, những nữ cựu chiến binh ấy hoặc quá lứa, hoặc không tìm được người phù hợp bởi những người đàn ông ấy đã hy sinh hoặc không còn khả năng sinh sản.

Hình ảnh quen thuộc của các nữ thanh niên xung phong thời chiến với nhiệm vụ mở đường, dò bom, tham gia chiến đấu.

Hồ Anh Thái đã bóc trần lớp biểu tượng khô cứng để soi rọi vào tâm tư thầm kín của nữ cựu binh, và nhìn họ bằng ánh mắt nhân văn trân trọng. Ông không miêu tả họ quá lăng kính thương hại; trái lại, dưới ngòi bút đậm tình người của tác giả, những cô gái đội Năm vẫn toát lên một khí thế mạnh mẽ kiên cường của thanh niên xung phong, dám đương đầu để xây dựng và bảo vệ hạnh phúc riêng - dù khuyết thiếu và đi ngược với chuẩn mực xã hội - của mình.

Tiểu thuyết ra mắt năm 1985, và đến năm 1986, luật hôn nhân và gia đình đã được sửa đổi. Với cốt truyện hợp lý và thông điệp rõ ràng của mình, chắc hẳn Người đàn bà trên đảo đã góp phần không nhỏ trong chiến thắng của bản năng con người trước định kiến xã hội hà khắc, qua đó mở ra một góc nhìn nhân văn và thực tế hơn với những người đàn bà bước ra từ cuộc chiến.

Hà Trang

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/mot-goc-nhin-khac-ve-nguoi-phu-nu-sau-chien-tranh-cua-ho-anh-thai-post765858.html