Một dự án lọc dầu của PVN khi vận hành sẽ phải bù lỗ hàng nghìn tỷ đồng

Khi dự án nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động, dự kiến năm 2017 ngân sách nhà nước phát sinh giảm 1.377 tỷ đồng; PVN phải bù lỗ khoảng 1.800-2.500 tỷ đồng, chưa kể 3.833 tỷ đồng PVN hỗ trợ trực tiếp đầu tư các hạng mục công trình bên trong nhà máy.

Ảnh minh họa.

Báo cáo đánh giá tác động liên quan đến thu ngân sách nhà nước khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) của Vụ ngân sách nhà nước cho biết, khi nhà máy đi vào hoạt động, năm 2017 tổng thu ngân sách nhà nước dự kiến giảm 1.377 tỷ đồng, các năm tiếp theo giảm mạnh, năm 2018 giảm 10.929 tỷ đồng, năm 2019 giảm 10.632 tỷ đồng và năm 2020 giảm 14.110 tỷ đồng. Các con số nêu trên dựa trên phương án giá dầu thô năm 2017 ở mức 45 USD/thùng.

Trong khi đó, về tác động đến doanh thu của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam PVN do bao tiêu sản phẩm của nhà máy, cũng với phương án giá dầu 45 USD/thùng, PVN sẽ phải bù lỗ 1,54 tỷ USD/10 năm (tương đương khoảng 3.500 tỷ đồng/năm).

Phương án giá dầu 50 USD/thùng, dự kiến PVN bù lỗ 1,8 tỷ USD/10 năm (tương đương 4.000 tỷ đồng/năm); giá dầu 70 USD/thùng bù lỗ 2 tỷ USD/10 năm (tương đương 4.500 tỷ đồng/năm).

Bên cạnh đó, theo báo cáo của PVN, PVN cho biết tổng mức hỗ trợ từ tập đoàn để đầu tư các hạng mục công trình bên trong cũng đã lên đến 3.833 tỷ đồng.

Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn hiện đang được triển khai tại Khu kinh tế Nghi sơn, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) với số vốn đầu tư 9 tỷ USD do Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn thực hiện.

Công ty này là liên doanh gồm 4 thành viên trong đó, PVN chiếm 25,1%; Công ty Kuwait Petrolum chiếm 35,1%; Công ty Idemitsu Kosan (Nhật Bản) chiếm 35,1%; Công ty Mitsui Chemicals (Nhật Bản) chiếm 4,7%.

Theo đó, lợi nhuận thu được của PVN với tư cách cổ đông tương ứng với tỷ lệ vốn góp khoảng 716 triệu USD/10 năm, tương đương 1.600 tỷ đồng/năm nếu giá dầu 45 USD/thùng. Nếu giá dầu ở mức 50 USD/thùng, lợi nhuận chỉ còn 641 triệu USD/10 năm, tương đương 1.400 tỷ đồng/năm.

Như vậy, khi nhà máy đi vào hoạt động, PVN phải bù lỗ khoảng 1.800-2.500 tỷ đồng, chưa kể 3.833 tỷ đồng PVN hỗ trợ trực tiếp đầu tư các hạng mục công trình bên trong nhà máy.

Dự án này dự kiến cũng sẽ chậm tiến độ so với kế hoạch ban đầu đề ra. Cụ thể, dự kiến nhà máy vận hành thử từ tháng 11/2016 đến tháng 6/2017 và vận hành thương mại vào tháng 7/2017 với công suất thiết kế 10 triệu tấn dầu thô mỗi năm nhưng giai đoạn lắp đặt cơ khí gói thầu EPC đã hoàn thành 36/40 tháng, chậm tiến độ so với kế hoạch 5,5% cùng việc chưa có đủ nguồn nước do tiến độ dự án cấp nước thô cho nhà máy chưa đảm bảo nên khả năng tiến độ vận hành thử và vận hành thương mại chậm so với kế hoạch tối thiểu khoảng 4 tháng.

Dự án cũng hưởng nhiều ưu đãi như thuế thu nhập doanh nghiệp được áp dụng mức thuế suất 10% trong 70 năm của dự án, miễn thuế 4 năm kể từ năm đầu tiên có thu nhập chịu thuế và giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong thời gian 9 năm tiếp theo. Như vậy, trong giai đoạn 2017-2020 nhà máy chưa phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp.

Về thuế giá trị gia tăng, giai đoạn vận hành PVN bao tiêu các sản phẩm, với giá dầu thô dự kiến là 45 USD/thùng, nhà máy cũng không phát sinh thuế giá trị gia tăng ở khâu nội địa mà phải hoàn quỹ hoàn thuế giá trị gia tăng khoảng 1.478 tỷ đồng.

Về khoản thuế tiêu thụ đặc biệt, năm 2017 dự kiến thu được từ nhà máy khoảng 538 tỷ đồng. Thuế bảo vệ môi trường dự kiến phát sinh khoảng 4.331 tỷ đồng.

NGUYỄN THẢO

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh/mot-du-an-loc-dau-cua-pvn-khi-van-hanh-se-phai-bu-lo-hang-nghin-ty-dong-1879737.html