Một địa chỉ đọc sách miễn phí ở những miền quê nghèo

Những chuyến xe luân chuyển sách đến các điểm bưu điện văn hóa xã tại nông thôn, dù chưa thực sự rầm rộ ở tất cả các miền quê, nhưng đã đem đến cơ hội đọc sách cho độc giả còn gặp nhiều khó khăn.

Đọc sách miễn phí tại điểm bưu điện văn hóa xã

Lâu nay nhiều người cho rằng địa chỉ đọc sách miễn phí thường là thư viện. Nhưng thực tế, tại nhiều tỉnh thành hiện nay còn có địa chỉ nữa đọc sách, báo miễn phí là Điển bưu điện văn hóa xã (BĐVHX).

Theo đó, tại các điểm BĐVHX sẽ được đầu tư một nguồn sách báo và sau một thời gian sẽ thực hiện luân chuyển sách, báo giữa thư viện cấp tỉnh, huyện và điểm BĐVHX theo chu kỳ vài tháng/lần. Như vậy, nguồn sách tại các điểm BĐVHX luôn được thay đổi, tạo điều kiện cho người đọc sách tiếp cận với nhiều đầu sách khác nhau.

Về kinh phí đầu tư, mỗi điểm BĐVHX được cấp lần đầu 1,5 triệu đồng mua sách, hàng năm được cấp thêm 500.000 đồng mua bổ sung các loại sách báo phù hợp với đặc thù từng địa phương. Cùng với đó, nguồn sách, báo được bổ sung thêm từ nhiều đơn vị biếu, tặng, tài trợ.

Để phục vụ việc đọc sách hiệu quả, các điểm BĐVHX đều được trang bị bàn ghế, tủ sách, giá sách, hệ thống đèn chiếu sáng, quạt điện

Khác với ở thư viện, khi nguồn sách mới được bổ sung thì nguồn sách cũ vẫn còn lưu. Còn vơi sách luân chuyển ở điểm BĐVHX thì sẽ được luân chuyển tương tự với phương thức “đổi sách”. Cách làm này tiết kiệm chi phí đầu tư mua sách mới, chỉ mất chi phí vận chuyển, phù hợp với những người có nhu cầu đọc sách để thu thập kiến thức, đọc cuốn chiếu...

Một điểm bưu điện văn hóa xã trên đảo Sinh tồn. Nguồn: mic.gov.vn

Hiện nay, tại một số trường học ở ngay thành thị nơi được coi là không thiếu sách và có số người đọc khá cao cũng thực hiện phương thức “đổi sách” với các hoạt động khá sôi nổi như “Ngày hội đổi sách”, Trạm sách… bằng cách mỗi người mang sách cũ đến và được tự lựa chọn một cuốn sách mình cần để đổi đem về đọc.

Chương trình luân chuyển sách báo đến các điểm BĐVHX không chỉ đáp ứng được nhu cầu của đông đảo người đọc ngoài thư viện, khai thác được nguồn sách báo của thư viện tỉnh, huyện, nâng cao hiệu quả sử dụng sách mà còn góp phần tạo dựng thói quen đọc sách của người dân, hình thành văn hóa đọc một cách sâu rộng hơn tới mọi tầng lớp người dân trên địa bàn.

Việc đưa sách báo xuống phục vụ người dân tại các điểm BĐVHX đã thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, tạo sự bình đẳng trong việc hưởng thụ thoongtin của người dân vùng sâu vùng xa. Tạo điều kiện cho mọi người dân dễ dàng tiếp cận với sách báo, thông tin kiến thức khoa học kỹ thuật để áp dụng vào đời sống, sản xuất, góp phần từng bước xóa đói giảm nghèo tại các địa bàn còn khó khăn, người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Niềm vui từ những chuyến sách luân chuyển địa phương

Tỉnh Phú Thọ sau 3 năm thực hiện việc đưa sách báo về cơ sở đã luân chuyển tới 91 điểm BĐVHX với 15.600 bản sách, thu hút gần 250.000 lượt bạn đọc, tra tìm thông tin. Thời gian luân chuyển sách báo thực hiện theo định kỳ 2 lần/năm. Tỉnh cũng đánh giá đây là mô hình cung cấp thông tin văn hóa hữu hiệu, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội nước ta hiện nay.

Thực hiện triển khai việc luân chuyển sách báo đến các điểm BĐVHX tại tỉnh Hà Giang trong 3 năm qua đã đem lại kết quả nhất định: “Nhân dân các dân tộc được tiếp cận với những thành tựu khoa học mới, áp dụng vào thực tiễn sản xuất, từng bước xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất tinh thần”. 3 năm qua Hà Giang có tổng số lượt luân chuyển đến các điểm BĐVHX là 73 lượt với gần 8000 cuốn sách là kết quả đáng khích lệ tại một tỉnh như Hà Giang.

Niềm vui của những đứa trẻ được đọc sách. Ảnh: hanoimoi.com.vn

Còn tại tỉnh Bắc Ninh, sau gần 3 năm thực hiện, thư viện tỉnh đã luân chuyển được hơn 10.000 bản sách cho 28 điểm BĐVHX, phục vụ 60.465 lượt bạn đọc và 113.931 lượt sách luân chuyển, lượt đọc bình quân từ 7-12 lượt/ngày. Nếu như trước đây, tình trạng chung của điểm BĐVHX thường vắng bóng độc giả, thậm chí một vài điểm còn gần như tình trạng đóng cửa. Nhưng hiện nay, các điểm BĐVHX đã dần lấy lại niềm tin của người dân, là cầu nối tri thức, văn hóa đến với người dân nông thôn. Sách luân chuyển đã góp phần phổ biến kiến thức khoa học công nghệ mới, kỹ thuật chăn nuôi trồng trọt, kiến thức để chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình… Ngoài ra còn tạo thói quen đọc sách, duy trì văn hóa đọc cho người dân nông thôn, góp phần nâng cao mức hưởng thụ sách, báo cho người dân.

Đối với Gia Lai, trong 3 năm qua, 15 thư viện huyện đã luân chuyển được 405 chuyến với 186.993 bản sách cho 134 điểm BĐVHX trong toàn tỉnh. Mỗi ngày có khoảng 10-15 bạn đọc đến các điểm BĐVHX để tra cứu, mượn – trả tài liệu. Bình quân mỗi điểm BĐVHX phục vụ được khoảng 3000 lượt bạn đọc mỗi năm. Từ khi có chương trình luân chuyển sách, báo bạn đọc đến điểm BĐVHX ngày càng nhiều hơn. Đặc biệt, mỗi dịp hè đến là khoảng thời gian đông bạn đọc đến mượn sách nhất.

Có thể đối với người thành thị, điểm BĐVHX còn khá lạ lẫm và chưa thích hợp với thói quen đọc sách bận rộn, luôn được cập nhật những cuốn sách nóng hổi vừa từ nhà xuất bản, xưởng in là đến thẳng tay độc giả… Nhưng với những người nông thôn, vùng sâu vùng xa, điều kiện kinh tế còn khó khăn thì những cuốn sách dù cũ, dù được luân chuyển vẫn là món quà quý, thiết thực, ý nghĩa và rất nên được nhân rộng.

Tuy nhiên, để việc luân chuyển phục vụ sách báo tại các điểm BĐVHX đạt được kết quả cao hơn từ nay đến năm 2020, bên cạnh sự chung tay góp sức hỗ trợ của các đơn vị, tổ chức, cá nhân nhằm tăng nguồn sách thì cũng cần ý thức của độc giả giữ gìn sách để không bị mất mát, còn nguyên vẹn để có thể tiếp tục phục vụ những độc giả trên mọi miền quê.

Nhị Xuân

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cua-so-van-hoa/mot-dia-chi-doc-sach-mien-phi-o-nhung-mien-que-ngheo-217514.html