Từ 'đánh đấm' thấy nguy hiểm cho một nền bóng đá

VPF tổ chức đại hội cổ đông vào ngày 3.12.2017 bầu ông Trần Anh Tú là Chủ tịch HĐQT và trước đó 1 ngày, đại hội thường niên của VFF cũng đã xác nhận việc ông Võ Quốc Thắng rút khỏi VPF.

Vậy nhưng phải đến 3 tháng sau, khi ông Tú được đề cử cho chức danh PCT VFF khóa VIII thì bầu Đức mới phản ứng dữ dội và “chơi tất tay”. Vì sao?

Bầu Đức liên tục “tấn công” ông Trần Anh Tú. Ảnh: H.A

Sự thật "ta chẳng còn ai”

Cứ cho là ông Trần Anh Tú có tham vọng, toan tính và muốn nắm nhiều quyền lực, nhưng vốn dĩ là “dân futsal”, dân làm bóng đá sân cỏ chắc thường nghe tiếng chứ ít khi gặp nên khó có chuyện một tay ông Tú “che hết bầu trời”.

Thật khó hiểu khi ông Tú được bầu làm Chủ tịch VPF thì bầu Đức chẳng phản ứng gì, phải đến 3 tháng sau, chỉ khi ông bầu này được đề cử thêm ghế PCT VFF khóa VIII sau khi làm Chủ tịch HĐQT, TGĐ VPF rồi Trưởng ban Điều hành các giải chuyên nghiệp thì bầu Đức lại cho rằng đồng sự của mình tham lam quyền lực.

Kế đến, trong phiếu đề cử các chức danh khóa mới, HAGL của bầu Đức không hề ghi tên ai cho chức danh PCT tài chính, điều này đã thừa nhận ngay chính ông Đức cũng chẳng biết ai xứng đáng để thay thế vị trí mà ông vài lần xin rút và nhiệm kỳ VII gần như không làm gì, trừ liên quan đến quân HAGL. Vậy nên việc gần như chỉ có một mình ông Tú nhận được đề cử cũng là điều dễ hiểu.

Sự thật là BĐVN đang thiếu trầm trọng nhân sự cao cấp. Không nói đâu xa, ở bản danh sách nhân sự cuối cùng vừa được công bố hôm 19.4 vừa qua thì cũng chỉ là các gương mặt quen thuộc với chất lượng “sàn sàn” như nhau, chẳng có gì đáng hy vọng so với nhiệm kỳ cũ.

Ở VFF với chuẩn bị cho nhiệm kỳ mới đã vậy, tại nơi đang quản lý khối lượng công việc còn nặng nề gấp bội như VPF khi lo các giải chuyên nghiệp Việt Nam thì còn khốn khổ về chuyện nhân sự hơn. Thế nhưng là dân “ngoại đạo”, chuyên futsal nhưng ông Tú vẫn được tín nhiệm rất cao.

Điều này phản ảnh một sự thật khác, các cổ đông VPF có vẻ như đánh giá không tốt những gì êkíp cũ đã làm. Họ cần có một sự thay đổi bất chấp rủi ro là VPF sẽ trở thành “cánh tay nối dài” của VFF.

Ông Trần Đình Long của Tập đoàn Hòa Phát thì ở một tầm khác vào thời điểm này. Các nhân vật có tiếng như bầu Thắng, bầu Đức đều lắc đầu với VFF. Những người được bầu Đức tiến cử như ông Cao Văn Chóng, Phạm Phú Hòa… đều “có vấn đề” trong quá trình làm việc trước đó, công trạng cũng chưa rõ ràng. Ở hoàn cảnh “so bó đũa, chọn cột cờ”, bầu Tú trở nên nổi bật cũng là điều bình thường.

Để đến tình trạng “ta chẳng còn ai” như thế này, đủ thấy uy tín của VFF suy giảm đến mức nào.

Để thấy những rủi ro

Sau 6 năm dưới quyền điều hành của bầu, ở hoàn cảnh người cầm cờ và đạo diễn cuộc chơi là bầu Kiên dính vòng lao lý ngay sau năm đầu tiên nắm quyền, VPF chưa làm được như kỳ vọng. Thậm chí, có một số mảng đang chệch hướng so với kế hoạch. Với doanh nhân giàu kinh nghiệm, đam mê bóng đá như ông Võ Quốc Thắng mà còn mỏi mệt rút lui thì cũng đừng vội lạc quan rằng bầu Tú sẽ làm tốt hơn.

Cuộc “khẩu chiến” mà chủ yếu và thực chất chỉ có bầu Đức “tấn công” bầu Tú tưởng là mang tính công kích cá nhân nhưng kỳ thực, nó phơi bày thực trạng và hàng loạt rủi ro cho BĐVN.

Dù ông Tú là “nạn nhân” hay “người được chọn” thì việc VFF nắm quyền tại VPF về lâu dài, dễ dẫn đến tình trạng 2 nguồn tiền đầu tư cho BĐVN trở thành 1, chẳng khác nào “bỏ trứng vào một rổ” như trước khi VPF ra đời.

Như đã phân tích, tài chính của VFF sẽ luôn rơi vào trạng thái âm do phải chi khá nhiều cho các đội tuyển đang có thành tích rất tốt cũng như nuôi cả bộ máy nên có thể trong tương lai, họ phải tận thu từ VPF, dẫn đến ảnh hưởng đến nguồn thu của các CLB.

Đó là về tiền, về công việc và bóng đá còn rắc rối hơn.

Để “dân futsal” như bầu Tú điều hành bóng đá sân cỏ, đang lúc thế này thì dễ châm chước nhưng về lâu dài sẽ có những bất đồng, nếu không hiểu hết, kiểm soát được những người mình đang quản lý.

Làm Chủ tịch VPF đâu chỉ là đi kiếm tiền mà còn phải có khả năng hỗ trợ các CLB, giải quyết các vấn đề trong quá trình thi đấu như vụ “một ông bầu, nhiều đội bóng” chẳng hạn. Cái này, cần phải có sự am hiểu và uy tín cao trong giới bóng đá.

Hơn nữa, ở bóng đá hiện đại, lợi ích của các CLB vẫn thường xung đột với lợi ích chung nên một người vừa quản lý (ở VFF) lại trực tiếp điều hành (ở VPF) chẳng khác gì chuyện “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Mục tiêu của VPF là cố gắng độc lập để sau đó quay lại giúp sức cho VFF. Nay tính độc lập đang mất dần, liệu có còn khả năng giúp sức?

Chúng tôi không cho rằng bầu Đức hay bầu Tú xung khắc với nhau vì lợi ích riêng nhưng về cái chung thì cả hai ông cũng đều không hề có giải pháp về nhân sự để hóa giải mâu thuẫn hiện nay. Bầu Đức nằng nặc đòi ông Tú phải bỏ các chức vụ nhưng cũng chẳng tiến cử ai đủ tầm để thay vào các vị trí mà ông Tú phải bỏ hay ứng cử. Bầu Đức, bầu Thắng bức xúc trước việc VFF bị thao túng quyền lực nhưng thực tế là cả hai ông đều đòi rút lui khỏi các chức vụ quan trọng nhất ở cả VFF và VPF.

Hãy đặt trường hợp hai ông còn làm thì nếu bầu Tú có “manh động”, chắc cũng chẳng dễ dàng gì.

BĐVN đang quá hân hoan với thành tích đến từ U.23 Việt Nam và những khởi sắc ban đầu của V.League nên rất dễ quên những rủi ro đến từ yếu tố nhân sự và các mâu thuẫn tiềm ẩn trong công tác quản lý.

Cũng giống như “cuộc chiến” giữa bầu Đức và bầu Tú, ai thắng thì cũng đã khơi mào cho một sự xung đột rất nguy hiểm trong tương lai về quyền lợi giữa VFF - VPF, giữa các ông chủ CLB và VFF.

Đó là nỗi buồn và nỗi đau lẫn nỗi lo của một nền bóng đá, vừa được “đánh thức” nhờ thành công bất ngờ của một đội bóng trẻ như U.23 Việt Nam.

LONG KHANG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/the-thao/tu-danh-dam-thay-nguy-hiem-cho-mot-nen-bong-da-603021.ldo