Một chuyện tình, chuyện đời xúc động (2)

* Bài cuối: Hành trình tìm lại cội nguồn cho… cha

* Bài cuối: Hành trình tìm lại cội nguồn cho… cha

21 năm làm báo, từng chứng kiến biết bao câu chuyện xúc động về những cuộc hội ngộ, đoàn viên sau chiến tranh, thế nhưng, tôi chưa bao giờ bắt gặp ánh mắt nhìn nhau chứa chan yêu thương, quá đỗi trìu mến như ánh mắt ông Vũ Đức Roanh dành cho em gái sau 50 năm xa cách. Ánh nhìn chứa chan nghĩa nặng, tình thâm ấy cứa sâu tâm can tôi...!

Như đã kể ở kỳ trước, khi lấy ông Roanh, bà Ngọc chỉ biết ông tên Võ Xuân Hồng, từng đi bộ đội, bị thương dẫn đến mất trí nhớ nên không biết quê quán ở đâu, cha mẹ, anh chị em còn hay mất? Cũng vì mất trí nhớ nên đến nay, ông Hồng không hề có một giấy tờ tùy thân nào. Những lúc tỉnh táo, ông rất vui tính, dí dỏm, thường hát những bài ca về bộ đội Trường Sơn. Bà Ngọc hay tìm cách gợi chuyện mong giúp ông tìm lại quê quán, để các con biết gốc gác, nguồn cội nhưng ông không nhớ được gì. Ba năm trước, sức khỏe ông yếu hẳn. Năm ngoái, trong một lần vấp ngã, ông bị liệt phải nằm một chỗ, bà Ngọc và con trai càng vất vả hơn trong việc chăm sóc ông. Nhưng cũng từ sau lần vấp ngã đó, ông chợt nhớ ra tên cha là Vũ Đắc Vần, mẹ là Vũ Thị Nhuốm, em gái Vũ Thị Vê, quê Lục Bắc, Thái Xuyên, Thái Thụy (Thái Bình). Từ manh mối này, Xuân Huy lên mạng tìm hiểu thì được biết ở Thái Bình có địa danh mà cha nhắc đến. Ở tỉnh này, họ Vũ chiếm số lượng khá đông. Sau Tết Đinh Dậu 2017, thấy sức khỏe cha ngày một yếu, anh nói với mẹ ý định ra Thái Bình tìm gốc gác, quê hương, bà Ngọc đồng ý ngay. Ngày 21-2 (nhằm 25-1 ÂL), anh Huy cùng bạn thân đón xe ra Thái Bình. Khi ghé vào quán bún ở bến xe chợ Lục ăn sáng, nghe hai anh nói giọng miền Trung, bà Ngoan- chủ quán bún-hỏi về đâu để chỉ giúp. Anh Huy nói mục đích của mình, bà Ngoan mừng rõ ôm chầm lấy anh. Bởi, bà có một người anh thất lạc trong chiến tranh chưa tìm được. Ngay sau đó, bà đưa cả hai về nhà nhận họ hàng. Tuy nhiên, qua hỏi han, xem ảnh rồi đối chiếu tên họ cha mẹ, hai bên biết đã nhầm. Dù vậy, bà Ngoan vẫn giữ Huy và bạn ở lại dùng cơm trưa. Qua cháu gái bà Ngoan, được biết, nhà bà Vũ Thị Vê ở xóm trên có người anh đi bộ đội, sau đó có giấy báo tử, được công nhận là liệt sĩ. Nghĩ có thể đây là người anh Huy cần tìm, gia đình bà Ngoan chở đến nhà bà Vê. “Việc nhận nhầm người thân của cô Ngoan khiến tôi hơi hoang mang. Nhưng vừa thấy cô Vê, tôi nhận ra rất giống ba mình. Khi cô Vê lấy gia phả ra, thấy tên tuổi ông bà nội đúng như tên cha tôi lúc tỉnh táo nhắc đến, tôi lặng đi...”- anh Huy xúc động nhớ lại giây phút tìm về cội nguồn.

Vợ chồng ông Roanh cùng bà Vê sau 50 năm gặp lại nhau. Ảnh: P.T

Vợ chồng ông Roanh cùng bà Vê sau 50 năm gặp lại nhau. Ảnh: P.T

Bà Vũ Thị Vê bồi hồi: “Khi cháu Huy bước vào nhà, tôi thấy cháu giống anh trai tôi. Tôi đề nghị cháu Huy cho tôi gặp anh qua điện thoại. Nhưng lúc đó anh tôi không nhớ gì nữa cả. Người nhà cháu Huy chụp ảnh anh ấy gửi ra. Nhìn ảnh, tôi nhận ra đó là anh mình. Hôm sau, tôi cùng con trai đầu theo cháu Huy vào Đà Nẵng. Bước vào nhà nhìn thấy anh, tôi chắc chắn đó chính là anh Vũ Đức Roanh. Anh em nhìn nhau, nước mắt ràn rụa. Trong trí nhớ của anh Roanh, tôi vẫn là con bé Vê 15 tuổi ngày nào. Ba mẹ tôi chỉ có 2 anh em. Ngày ấy, gia đình nào có một con trai thì không có giấy gọi lên đường nhập ngũ. Anh tôi thời còn trẻ rất tài hoa, viết, vẽ rất đẹp. Năm 1967, đang học trung cấp nông nghiệp, anh viết đơn xung phong đi bộ đội. Anh khai Vũ Đức Roanh, sinh 1950. Vài năm sau, gia đình tôi nhận giấy báo tử và chứng nhận liệt sĩ từ Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Bình cho biết anh tôi hy sinh ngày 3-10-1969. Năm 1974, cha tôi qua đời. Đến năm 1976, gia đình tôi mới lĩnh chế độ liệt sĩ của anh...”. Bà Vê ứa nước mắt cho biết thêm: Ngày nhận hung tin, mẹ bà không tin đó là sự thật, ngày đêm khóc nhớ thương con trai rồi lén chồng... đi coi thầy, về nói với bà: “Anh con chưa mất đâu. Thầy bảo, 50 năm nữa, anh con sẽ trở về...”. Nghe mẹ nói, bà cũng hay biết vậy. Năm 1990, mẹ bà qua đời, không kịp nhìn thấy mặt con trai trở về. Cuộc sống vất vả, lo toan khiến bà Vê không có thời gian nhớ lời mẹ từng nói khi còn sống... Bà không ngờ có ngày, anh em lại được đoàn viên!

Giấy chuyển hộ khẩu cho ông Vũ Đức Roanh do CA xã Thái Xuyên (Thái Thụy, Thái Bình)chứng nhận cuối tháng 4-2017, bà Vê mang vào Đà Nẵng để gia đình bà Ngọc làm giấy tờcho ông Roanh (Hồng).

Trong suốt cuộc trò chuyện, bà Ngọc, bà Vê không thôi nhắc chị Hồng Loan- hàng xóm bà Ngọc, là phóng viên- như ân nhân. Sau khi gia đình bà Ngọc tìm được cội nguồn cho ông Roanh, chị đã viết câu chuyện này và được đăng trên Báo Quân khu V. Khi gia đình bà hợp đồng thuê xe để chở ông Roanh về quê hương, chị cũng đi theo. Nhờ chị liên hệ với chính quyền địa phương kể lại câu chuyện xúc động này nên những ngày gia đình bà Ngọc về quê hương chồng, bà con chòm xóm, bạn bè đồng môn, chính quyền địa phương đã đến thăm hỏi, chúc mừng, tặng quà. Bà Ngọc chia sẻ: “Nhà cô Loan cũng ở chung cư này, nhưng dãy nhà A, tầng 1. Trước khi gia đình tôi tìm được quê hương, người thân cho chồng, những lúc rảnh rỗi, cô ấy thường sang giúp đỡ tôi. Nhờ có bài viết của cô ấy, thời gian qua, trường hợp của chồng tôi đã được chính quyền địa phương..., rồi cô Hồng Vân (phóng viên Báo Quân khu V) biết, đến thăm hỏi, tặng quà...”. Cuối tháng tư vừa qua, bà Vê vào lại Đà Nẵng thăm anh, mang theo giấy tờ chuyển hộ khẩu do CAX Thái Xuyên cấp để gia đình bà Ngọc làm giấy tờ cho ông Roanh…

Đang trò chuyện cùng tôi thì ông Roanh trở mình gọi, bà Vê chạy vào. Lúc này, ông có vẻ tỉnh táo. “Anh có thương em không?”- bà Vê lau nước mắt, hỏi! “Nhà chỉ có hai anh em, không thương em thì thương ai? Hồi nhỏ, mẹ thương anh nhất, còn ba thì thương em nhất”- ông Roanh cười hiền. “Thương sao anh lại mắng em? Anh không được mắng chị dâu nghe chưa? Chị ấy tội nghiệp lắm!”-bà Vê dặn dò. “Anh có mắng em đâu! Ừ! Anh không mắng Ngọc đâu. Vợ anh đẹp lắm!”… Bà Vê bảo, sắp tới, chính quyền địa phương ở quê bà sẽ tổ chức lễ thu lại giấy chứng nhận liệt sĩ, bằng Tổ quốc ghi công...

Trao đổi với ông Nguyễn Bình- Chủ tịch UBND xã Hòa Châu và ông Phùng Kiện- Trưởng phòng LĐ-TB&XH H.Hòa Vang, được biết, sau khi biết được câu chuyện xúc động này, cơ quan chức năng H.Hòa Vang đã liên hệ, trao đổi với chính quyền H.Thái Thụy nhằm giúp gia đình bà Ngọc, bà Vê sớm hoàn tất thủ tục ở ngoài quê để làm giấy tờ tùy thân, nhập khẩu cho ông tại Đà Nẵng. Đồng thời đề nghị chính quyền H.Thái Thụy, Bộ chỉ huy Quân sự nơi đây quan tâm, tạo điều kiện tìm hiểu, xác minh để làm chế độ cho ông Roanh. Trước mắt Phòng LĐ-TB&XH sẽ tham mưu cho chính quyền địa phương xúc tiến việc làm trợ cấp xã hội cho ông Roanh.

Giấy báo tử và bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ Vũ Đức Roanh do bà Vê cung cấp.

Vĩ thanh

42 năm trôi qua nhưng nỗi đau cùng sự mất mát do chiến tranh gây ra thì vẫn còn ẩn khuất trong rất nhiều gia đình Việt Nam. Với bài viết nhỏ này, một lần nữa, rất mong các cấp chính quyền địa phương cũng như đơn vị và đồng đội ông Vũ Đức Roanh còn sống quan tâm, tận tình giúp đỡ, xác minh để tạo điều kiện cho ông được hưởng chút chế độ trong những ngày cuối đời… Bà Vê cho hay, theo những người bạn nhập ngũ cùng đơn vị với ông hiện còn sống ở quê thì cuối năm 1967, ông được biên chế về Tiểu đoàn 511 thuộc Trung đoàn 42, Sư đoàn 350. Đầu năm 1968, đơn vị ông hành quân vào Nam, bàn giao về Trung đoàn 22, Sư 3 Sao Vàng. Một đồng đội của ông cho biết, từng gặp và ngủ với ông một đêm ở chiến dịch Ba Tơ (Quảng Ngãi)…

Ghi chép: Phan Thủy

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/65_166485_mo-t-chuye-n-ti-nh-chuye-n-do-i-xu-c-do-ng-2-.aspx