Một chuyện nan giải

Trước đây, chúng ta vẫn nghĩ, nhiều tai nạn giao thông vì hạ tầng cơ sở yếu kém, vì xe cộ cũ kỹ, hầu hết xe máy là xe bãi rác ở nước ngoài.

Tiếp theo kỳ trước

Trước đây, chúng ta vẫn nghĩ, nhiều tai nạn giao thông vì hạ tầng cơ sở yếu kém, vì xe cộ cũ kỹ, hầu hết xe máy là xe bãi rác ở nước ngoài. Bây giờ đường xá thênh thang. Nhiều cung đường đẹp như mơ. Xe tham gia giao thông cũng rất tốt. Nhiều xe sang trọng, thuộc hạng rất đắt tiền mà sao ngày nào đài, tivi cũng đưa tin có những chiếc xe gây tai nạn giao thông nghiêm trọng do “mất lái”… Tại sao xe tốt lại mất lái? Nhiều chiếc xe đã trở thành hung thần vì cán chết đến cả chục người một lúc. Có người dừng xe đứng chờ đèn đỏ, có người ngồi chơi trên vỉa hè, có người không tham gia giao thông, đang nằm nghỉ trong chính căn nhà riêng ấm áp của mình, mà rồi cũng bị chết vì… tai nạn giao thông. Có xe tải bỗng chốc hóa hung thần đường phố, lao lên cả vỉa hè, nghiến nát nhiều xe máy, xe con, húc đổ luôn cả bức tường của một căn nhà bên đường, rồi mới chịu dừng lại vì bị kẹt trong cả một đống đổ nát. Thật khó có thể hình dung nổi những cảnh tượng đau thương như thế. Trông hiện trường chẳng khác gì khu phố vừa qua trận bom B52. Trong số những người chết oan ấy, có bao nhiêu tinh hoa của dân tộc và cả nhân loại như nhà thơ Xuân Quỳnh, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, nhà toán học, Viện sĩ Nguyễn Văn Đạo, nhà khoa học nổi tiếng thế giới Seymour Papert - người tình nguyện sang giúp ta giải bài toán giao thông, nhưng bài toán còn chưa kịp giải, ông đã bị tai nạn thảm khốc ngay khi đang đi bộ qua đường.

Người đứng đầu ngành giao thông - ông Đinh La Thăng thời làm Bộ trưởng cũng đã xử lý công việc rất nhanh nhạy và cứng rắn, như cách chức cán bộ và sa thải ngay tức khắc những nhân viên vi phạm quy định và làm việc không hiệu quả. Ông cũng đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ và giải quyết từng bước tình hình. Không phải ngẫu nhiên mà dư luận xã hội cũng như đông đảo nhân dân đều ủng hộ ông Đinh La Thăng. Nếu cán bộ nào cũng dám làm, dám chịu trách nhiệm và quyết liệt đặt cược cả số phận của mình vào công việc như ông Đinh La Thăng, chắc chắn diện mạo đất nước và ý thức công việc, ý thức xã hội của cán bộ công viên chức cũng sẽ khác. Chí ít ở trong ngành Giao thông cũng sẽ giảm thiểu những cung đường nhanh chóng xuống cấp thảm hại vì lối làm ăn điêu chác, trò rút ruột công trình hay lớn hơn là những vụ án nghiêm trọng làm mất thể diện quốc gia, xói mòn niềm tin của dân với Đảng, với các cấp quản lý, lãnh đạo từ vi mô đến vĩ mô, như vụ PMU18 và còn rất nhiều những vụ án nghiêm trọng, tai tiếng khác.

Chúng ta cũng đã từng đưa ra rất nhiều giải pháp nhằm khắc phục vấn nạn giao thông, từ vĩ mô đến vi mô. Chỉ nhìn ngay một việc cụ thể. Đó là việc phân luồng đường. Chúng ta cũng đã phân luồng đường bằng những giải phân cách bằng sắt, bằng xi măng hay những cọc nhựa mềm. Xây rồi lại phá. Phá rồi lại xây. Rất tốn kém tiền bạc của dân mà hiệu quả lại không cao. Rồi chúng ta còn phân luồng khá cụ thể cho ôtô, xe máy và các phương tiện thô sơ. Cách làm này rạch ròi hơn, nhưng vẫn không hiệu quả. Một phần vì đường của ta quá hẹp, lại còn hẹp thêm nữa vì phải dành diện tích cho giải phân cách. Thêm nữa, mật độ phương tiện giao thông mỗi ngày một tăng vì sự phát triển của kinh tế. Đường hẹp lại, xe cộ tăng, giải phân cách lại thấp, nhiều khi bị khuất lấp, người tham gia giao thông không nhìn thấy thì làm sao giảm được ách tắc và tránh được tai nạn? Tại sao ta không đưa lên cao, vừa đỡ tốn kém, vừa giải phóng mặt đường, vừa thông thoáng mà người tham gia giao thông lại có thể nhìn thấy được từ xa.

Nhà báo Vũ Minh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, người đã đề xuất sáng lập Kênh VOV Giao thông ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, có lần nói với tôi: “Sẽ không bao giờ giải quyết được vấn nạn giao thông nếu chúng ta không bắt đầu từ cái gốc của nó. Đó là người tham gia giao thông chứ không phải đường xá hay phương tiện. Ý thức của người tham gia giao thông rất kém. Nếu chúng ta không bắt đầu từ văn hóa giao thông, không quan tâm đến Văn hóa Giao thông thì không bao giờ giải quyết được triệt để vấn đề”.

Sẽ không bao giờ giải quyết được vấn nạn giao thông nếu không bắt đầu từ cái gốc của nó: Đó là ý thức người tham gia giao thông chứ không phải đường xá hay phương tiện.

Điều này rất đúng. Vũ Minh Tuấn đề xuất thành lập Kênh VOV Giao thông, ngoài việc hướng dẫn giao thông, đưa các thông tin sốt dẻo trong nước, quốc tế, là nâng cao dân trí, nâng cao Văn hóa Giao thông cho người tham gia giao thông. Văn hóa Giao thông nói như ông Hoàng Chương là bao gồm cả hai mặt văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần. Văn hóa vật chất là các hạ tầng kỹ thuật giao thông, phương tiện giao thông, thiết bị điều hành giao thông. Văn hóa tinh thần gồm Luật Giao thông, cách thực thi Luật Giao thông, hành vi tham gia giao thông, trách nhiệm và tâm lý của người tham gia giao thông. Trong lĩnh vực này, phần Văn hóa Tinh thần lại rất quan trọng. Đó chính là ý thức của người tham gia giao thông. Trong thành phố, nhiều tuyến đường rất đẹp. Người tham gia giao thông cũng không đông, xe cộ cũng chẳng nhiều, thế mà vẫn ách tắc vì nạn chen lấn nhau, xô đẩy nhau. Có người phóng cả lên vỉa hè. Thế là ách tắc.

Kinh dị hơn, ở sân bay Nữu Ước (Mỹ), chỉ có một dúm người Việt, chừng hơn chục người, đều là những cán bộ được cử đi công tác mà rồi cũng chen lấn nhau, gây ách tắc cục bộ. Trong khi đó, ở các cửa xuất hành khác, người ta nhường nhịn nhau, rất nền nếp và văn minh. Đến cán bộ còn thế thì trách chi những người dân lam lũ, hỗn tạp trên các tuyến đường. Ách tắc, tai nạn, làm sao mà tránh khỏi. Ấy là chưa kể người ta còn tranh giành đường, tranh giành khách, còn cay cú vì bấm còi xin vượt mà không vượt được. Rồi xả giận bằng những cú chủ động va quệt. Thế là nhiều xe tải, nhiều xe khách, nhiều xe container còn đấu đầu nhau. Và rồi ngày nào cũng xảy ra thảm họa.

Sẽ không bao giờ giải quyết được vấn nạn này, nếu không quan tâm đến Văn hóa Giao thông. Và cùng với nó là một hệ thống đồng bộ để giải tỏa, bao gồm hệ thống đường trên cao, hệ thống tàu điện ngầm hiện đại dưới lòng đất như các nước văn minh và đặc biệt là nâng cao dân trí, nâng cao ý thức cho người tham gia giao thông.

Đã đến lúc chúng ta cần những người có tầm nhìn xa, không phải tầm nhìn vượt nhiệm kỳ, mà tầm nhìn của 50 năm, 100 năm, hoặc một vài thế kỷ để giải quyết những việc trước mắt này.

Nếu có tầm nhìn xa thì từ lâu rồi, chúng ta đã “giải tỏa” cho Hà Nội bằng việc đưa các trường đại học về các tỉnh địa phương. Không nhất thiết cứ phải dồn hết về Hà Nội. Chúng ta có 64 tỉnh thành, tính cả Hà Tây cũ. Nếu tỉnh nào cũng có trường đại học hoặc trường dạy nghề, hay các viện nghiên cứu khoa học, công nghệ thì vừa giải tỏa nạn quá tải cho Hà Nội lại vừa nâng cao dân trí cho các địa phương để cả nước cùng phát triển đồng đều.

Nếu có tầm nhìn xa, trong các trường học, thay cho việc học những bài học chung chung, vô bổ, chúng ta cần phải dạy các cháu những việc rất cụ thể, trong đó có Luật Giao thông và cách đi đường. Những kẻ ngông cuồng gây tai nạn giao thông kinh hoàng cũng cần trừng phạt nghiêm khắc hơn nữa, rồi những kẻ đua xe, những hung thần đường phố ấy, trong đó có không ít kẻ thường ỷ thế bố mẹ hoặc đồng tiền theo kiểu “những gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền”. Vậy thì không thể chỉ đơn giản tịch thu phương tiện giao thông. Cùng với việc tịch thu phương tiện giao thông là lượng tiền phạt cực lớn, rồi lấy tiền đó chi phí cho việc nâng cấp các công trình giao thông hoặc giúp đỡ những gia đình bị nạn. Nếu những kẻ ngông cuồng coi thường pháp luật ấy, có bố mẹ ở các cấp cao và ỷ thế bố mẹ làm càn thì các bậc quan chức đó có nên ngồi ở vị trí đó không? Đối với con mình còn không dạy nổi thì làm sao chúng ta có thể tin các vị ấy có thể điều hành, lãnh đạo được cả một xã hội rộng lớn.

Anh bạn tôi nửa đời sống bên Đức kể rằng, khi gây nên tai nạn giao thông, dù không chết người, chỉ làm gãy một cây non thôi, người gây tai nạn cũng bị phạt 20.000 EURO (tương đương hơn 500.000.000 đồng tiền Việt Nam) và trồng trả một cây tương tự vào vị trí cũ và phải bảo đảm cho cây đó sống được. Tại sao chúng ta không tham khảo bạn bè để điều hành giao thông và đưa sự hỗn loạn xã hội vào kỷ cương. Đã đến lúc không thể chậm hơn được nữa. Nếu tham khảo ý dân, tôi tin, rất tin rằng, toàn thể nhân dân sẽ đồng lòng ủng hộ...

Nhà thơ TRẦN ĐĂNG KHOA

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/mot-chuyen-nan-giai-n122597.html