Một bé gái bị đầu nhỏ nghi do Zika

Bộ Y tế đã họp khẩn cấp nâng mức cảnh báo dịch Zika sau khi phát hiện một bé gái 4 tháng tuổi ở Đắk Lắk bị hội chứng đầu nhỏ, nghi ngờ do virus Zika

Theo Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, dự kiến hôm nay, 18-10, một đoàn công tác của Bộ Y tế sẽ vào Đắk Lắk làm việc về công tác phòng chống Zika sau khi phát hiện ca bệnh đầu nhỏ đầu tiên nghi do virus Zika tại tỉnh này.

5 lần xét nghiệm dương tính với Zika

Sáng 17-10, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chủ trì cuộc họp với các chuyên gia dịch tễ về diễn biến dịch Zika. Báo cáo tại cuộc họp, các chuyên gia đã thông báo về một trường hợp mắc bệnh đầu nhỏ nghi do virus Zika.

Đó là bé gái 4 tháng tuổi - con một bà mẹ 23 tuổi, người dân tộc Ê đê, sống tại Đắk Lắk. Khi mang thai thời điểm 3 tháng và 6 tháng, người mẹ bị sốt, phát ban. Các điều tra ban đầu về dịch tễ, những kết quả xét nghiệm cũng như thăm khám về hình thái khiến các chuyên gia nghĩ nhiều đến nguyên nhân gây đầu nhỏ ở bé gái này là do virus Zika.

Bé gái bị hội chứng đầu nhỏ nghi do virus Zika Ảnh: Khánh Anh

Ông Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương, cho biết viện đã thực hiện 5 lần xét nghiệm trường hợp này, kết quả đều cho thấy dương tính với virus Zika. Tuy nhiên, viện sẽ tiếp tục làm thêm một xét nghiệm nữa và gửi mẫu bệnh phẩm sang Nhật Bản để xác định nguyên nhân chính thức.

Trước đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xác định 2 trường hợp trẻ sơ sinh mắc chứng đầu nhỏ liên quan đến virus Zika ở Thái Lan. Đây là những trường hợp đầu tiên mắc chứng đầu nhỏ tại khu vực Đông Nam Á, được sinh ra từ những bà mẹ nhiễm virus Zika trong thời gian mang thai. Thống kê cho thấy tỉ lệ trẻ mắc chứng đầu nhỏ ở những bà mẹ bị nhiễm virus Zika trên toàn cầu là dưới 1%.

WHO cảnh báo dịch bệnh do virus Zika đang có dấu hiệu lan rộng tại châu Á. Theo WHO, có khả năng tiếp tục ghi nhận các trường hợp nhiễm virus Zika do sự phân bố rộng của véc-tơ truyền bệnh trong khu vực, gia tăng giao lưu, du lịch đến và đi từ các quốc gia có dịch và miễn dịch quần thể thấp.

Không thể tránh khỏi

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho hay các tháng qua, nhiều tỉnh Tây Nguyên lưu hành rất mạnh bệnh sốt xuất huyết (SXH). Tại đây, loại muỗi vằn truyền virus SXH mang mầm bệnh truyền virus Zika.

“Nếu quần thể muỗi truyền bệnh Zika lưu hành rộng rãi tại Việt Nam thì sẽ làm gia tăng các ca mắc Zika mới, đặc biệt nguy cơ cao tại những vùng có dịch SXH. Với thực tế này, việc xuất hiện ca bệnh đầu nhỏ do virus Zika tấn công phụ nữ mang thai là không tránh khỏi” - ông Phu nhận định.

Theo ông Phu, bệnh do virus Zika có các biểu hiện tương tự SXH (sốt, mệt mỏi, xuất huyết dưới da) nhưng triệu chứng nhẹ và hầu hết các bệnh nhân đều tự khỏi. Tuy nhiên, bệnh nguy hiểm đối với phụ nữ mang thai do virus Zika có thể gây nên chứng đầu nhỏ (teo não) ở thai nhi.

Trong khi đó, PGS-TS Trần Danh Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản trung ương, khẳng định khoảng 10%-20% ca dị tật đầu nhỏ không rõ nguyên nhân. Ngoài ra, dị tật này còn do ngộ độc một số hóa chất, nhiễm ký sinh trùng, vi khuẩn (giang mai), người mẹ ngừng tim gây thiếu ôxy đột ngột…

Do đó, ông Cường nhấn mạnh cần tăng cường truyền thông về nguy cơ của dịch bệnh cho cộng đồng, chú trọng với phụ nữ đang mang thai và sắp mang thai cũng như gia đình của họ. Tuy nhiên, cần cân nhắc việc khuyến cáo đi xét nghiệm chẩn đoán dị tật đầu nhỏ để không gây hoang mang, quá tải hệ thống mà vẫn bảo đảm sàng lọc đầy đủ.

Theo Cục Y tế dự phòng, từ tháng 4-2016 đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 7 trường hợp mắc bệnh do virus Zika tại các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Dương và TP HCM. Trong đó, từ cuối tháng 9-2016 đến nay đã xuất hiện 4 bệnh nhân. Hiện Việt Nam đã phát hiện muỗi mang virus Zika trong quần thể muỗi vằn tự nhiên ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Chớ chủ quan!

Đến thời điểm này, tại TP HCM đã xác định 4 trường hợp nhiễm virus Zika. Hai ca mới nhất là 2 nữ bệnh nhân sống tại quận 2 và quận 12.

Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, miền Nam đang vào cao điểm mùa mưa, tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi gây SXH và lây truyền virus Zika. Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM kêu gọi người dân chủ động phòng ngừa bệnh cho mình và cộng đồng; không ỷ lại, chủ quan, chỉ dựa vào ngành y tế. Phụ nữ mang thai phải hết sức cẩn trọng đến sức khỏe, chủ động phòng ngừa muỗi đốt.

Ngọc Dung - NGUYỄN THẠNH

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/mot-be-gai-bi-dau-nho-nghi-do-zika-20161017223512333.htm