Moody's cảnh báo nhiều áp lực với hệ thống ngân hàng Qatar

Cơ quan xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới Moody’s ngày 8/8 hạ bậc triển vọng hệ thống ngân hàng của Qatar từ mức ổn định xuống mức tiêu cực trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Doha và 4 nước Ả Rập đã kéo dài hơn 2 tháng.

Qatar hiện đang đối mặt với lệnh phong tỏa kinh tế và ngoại giao do 4 nước láng giềng, gồm Ả Rập Saudi , Bahrain , Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Ai Cập, áp đặt kéo dài được hai tháng.

Tại thủ đô Doha. Ảnh: Reuters

4 nước này đã gửi danh sách 13 yêu cầu để Qatar phải thực hiện nếu muốn giải quyết căng thẳng ngoại giao, trong đó có việc Doha phải đóng cửa kênh truyền hình Al-Jazeera, chấm dứt hoạt động căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Qatar và giảm quan hệ với Iran . Tuy nhiên, Doha từ chối thực hiện những yêu cầu của 4 nước Ả Rập.

Mặc dù Doha đã từng mạnh mẽ tuyên bố họ ''quá giàu có nên không sợ'', nhưng nếu cuộc khủng hoảng tại vùng Vịnh không được giải quyết, nhiều khả năng hệ thống ngân hàng của quốc gia vùng Vịnh sẽ gặp nhiều áp lực.

Theo Moody's, tình hình căng thẳng ngoại giao giữa Doha và các nước láng giềng kéo dài có thể khiến dòng tiền gửi ngoại tệ và các nguồn tài trợ bên ngoài khác của Qatar bị thất thoát, khiến khả năng thanh khoản tại các ngân hàng của nước này bị giảm sút.

Trong khi đó, những khoản tiền gửi tiết kiệm trong nước hiện bị thắt chặt vì nguồn thu từ dầu giảm.

Moody’s cho rằng khả năng tiếp cận nguồn tài trợ từ bên ngoài của hệ thống ngân hàng Qatar sẽ gặp khó khăn .

“Việc các ngân hàng Qatar giải quyết các khoản nợ nhạy cảm bên ngoài đã tăng lên trong những năm gần đây do sự sụt giảm đáng kể doanh thu từ dầu mỏ. Điều này sẽ khiến các ngân hàng dễ bị tổn thương trước những thay đổi trong tâm lý của các nhà đầu tư”, ông Nitish Bhojnagarwala, Phó chủ tịch của Moody’s nói.

Moody’s dự báo tăng trưởng GDP của Qatar sẽ giảm từ 13,3% trong giai đoạn 2006 - 2014 xuống còn 2,4% trong năm nay. Mức giảm này phần nhiều là do các kế hoạch chi tiêu của chính phủ trong xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như các chi phí chuẩn bị khác liên quan đến việc tổ chức World Cup 2022.

Bên cạnh đó, theo đánh giá của Moody’s, tăng trưởng kinh tế chậm lại sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng tín dụng và chất lượng tài sản.

“Suy thoái kinh tế từ từ, cùng với việc bị 4 nước Ả Rập phong tỏa kinh tế và ngoại giao đang đặt ra những thách thức không nhỏ cho nền kinh tế và tài sản của Qatar", Moody’s đưa ra nhận định.

Theo Moody's, ước tính các khoản vay có vấn đề trên toàn hệ thống ngân hàng Qatar sẽ tăng lên 2,2% trong tổng nợ, so với mức 1,7% vào cuối năm ngoái.

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/moodys-canh-bao-nhieu-ap-luc-voi-he-thong-ngan-hang-qatar-295129.html