Mong ước gì về thầy cô? Muốn được học điều mình thích

Những mong muốn về thầy cô và giáo dục đã được giáo viên, phụ huynh, học sinh chia sẻ thẳng thắn và đầy cảm xúc trong buổi tọa đàm trực tuyến 'Mong ước gì về thầy cô?' tại www.thanhnien.vn và Facebook/thanhnien chiều 18.11.

Các thầy cô tham gia buổi tọa đàm tại Báo Thanh Niên

Giảm áp lực học tập

Ngay ý kiến đầu tiên của buổi tọa đàm, một phụ huynh cho biết cảm thấy rất áp lực về việc học quá nhiều của học sinh (HS) hiện nay. Phụ huynh này đặt vấn đề, làm cách nào để bớt gánh nặng việc học cho HS trong thời gian tới?

Cũng tại đây, một chia sẻ của HS đã gây xúc động: “Năm ngoái em được xếp hạng 3, dù xếp hạng cao hơn năm trước đó nhưng ba vẫn chưa hài lòng. Em đã rất háo hức khi khoe việc tăng hạng nhưng ba chỉ hỏi một câu: “Tại sao không xếp hạng cao hơn?”. Ba còn nói thêm một câu khiến em đau lòng rằng: “Ba đã đóng tiền cho các bạn đứng nhất môn mà sao con không đứng nhất môn nào?”. Từ đó em phải chịu rất nhiều áp lực vì vừa phải học đều các môn, vừa phải đứng nhất một môn để được ba khen...”. HS này kể phải học một ngày 9 tiết rồi đi học thêm tới 10 - 11 giờ khuya, thậm chí ăn ngủ ngay tại trường. Về nhà lại chịu thêm áp lực khác với những bài kiểm tra cho ngày hôm sau.

"Có những em lúc cảm thấy mệt mỏi và không thể nào tiếp thu thêm kiến thức mới. Trong khi đó, từ một buổi đi thực tế bên ngoài chúng em thấy không cần phải học thuộc bài như một con vẹt mà vẫn làm được bài. Chúng em mong muốn giảm bớt bài kiểm tra trên giấy, đổi mới bằng buổi học thực tế bên ngoài và hình thức kiểm tra", HS này đề xuất.

PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chia sẻ: “Nếu chúng ta vẫn nghĩ quá nhiều về kết quả phải đạt được thì vẫn sẽ còn những áp lực. Tôi từng có thời điểm bị áp lực như trường hợp của phụ huynh này từ việc học của 2 con. Tôi cũng từng rất đau đớn khi nghe một phụ huynh kể việc được con hỏi rằng: “Ba ơi, con không học giỏi con không là người à?”.

Nhiều phụ huynh, học sinh tham gia buổi tọa đàm - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Tiến sĩ Nguyễn Kim Hồng rút ra: “HS đừng quá lo lắng mà hãy tự tin và bằng lòng với những gì mình đạt được. Còn phụ huynh đừng đẩy áp lực cho trẻ, ngược lại nên tạo cho HS có thời gian chơi và tham gia các hoạt động khác. Sự thành công ngoài đời chỉ do một phần học tập, ngoài ra còn có những trải nghiệm khác. Nếu tự tin vào mình thì không việc gì không vượt qua được”. Tiến sĩ Hồng cho rằng quan trọng nhất là tạo cho con cái sự tự tin. Nếu phụ huynh và thầy cô ép buộc, tạo cho trẻ sự sợ hãi thì trẻ không bao giờ tự tin được. Đặc biệt ở lớp học thấp, thầy cô và học trò phải càng như bạn bè, cha mẹ.

Một phụ huynh khác chia sẻ: “Đôi khi áp lực của việc học do bản thân HS tự tạo ra. Tôi cho rằng, chúng ta nên xem lại việc xây dựng sự tự tin cho con em mình và giảm bớt áp lực cho học trò, chẳng hạn bỏ qua việc khen thưởng nhất môn”.

Thầy Nguyễn Thanh Hiếu, giáo viên toán Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP.HCM), đề xuất: “Điểm số tạo áp lực vô hình cho học trò, mong mỏi có cơ chế cho điểm nhẹ nhàng để HS bớt áp lực”.

Còn cô Uông Thị Mỹ Anh, giáo viên Trường tiểu học Lương Định Của (TP.HCM), khuyên: “Giáo viên, phụ huynh không nên chê con mà thay vào đó nên dành những lời khen mặc dù con chưa tốt. Những lời động viên khích lệ sẽ giúp trẻ cố gắng hơn mà không thấy buồn”.

Giáo viên luôn phải thay đổi

PGS-TS Nguyễn Kim Hồng nhìn nhận ngày nay công nghệ tác động nhiều đến giáo dục nên dẫn tới nhiều thay đổi về người thầy. Tiến sĩ Hồng cho biết: “Hồi nhỏ tôi từng lội bộ 3 km mới đến được trường học, khi đó chỉ có bút “lá tre” và loại phấn bảng cũng không tốt như bây giờ. Còn hiện nay giáo viên sử dụng nhiều thiết bị khác nhau để dạy học kèm theo phương pháp mới. Tuy nhiên, có một điều không bao giờ thay đổi là trách nhiệm và tình thương của người thầy với HS, xã hội. Cũng theo tiến sĩ Hồng, trách nhiệm này rất lớn, không phải gánh nặng mà là niềm tin mà HS, phụ huynh đặt cho giáo viên.

Tuy nhiên, tiến sĩ Hồng mong muốn ngoài tình thương thì thầy cô giáo trẻ cần có thêm sự trao đổi và tương tác với học trò. Để từ đó, tình thương này không phải là sự ép buộc, khiến HS không dám thể hiện mình, không dám tranh luận và không dám thay đổi. “Chúng tôi muốn giáo viên trẻ thay đổi. Nếu HS vẫn như thế hệ chúng tôi, tức chỉ biết nghe lời, thì xã hội này sẽ khó phát triển”, tiến sĩ Hồng nhấn mạnh.

Cũng theo tiến sĩ Hồng, sự mô phạm cần được duy trì với nghề giáo. Hơn hết, thầy cô giáo phải “rất người”, bởi với HS thầy cô luôn là tấm gương sáng để nhìn vào và noi theo. Vì vậy giáo viên phải có những chuẩn mực nhất định qua lời ăn tiếng nói, ứng xử với HS, phụ huynh và xã hội… Những điều này, thầy cô giáo ở thời điểm nào cũng cần.

Từ góc nhìn của một giáo viên tiểu học, cô Uông Thị Mỹ Anh lại cho rằng, dạy HS tiểu học, giáo viên phải chịu áp lực khác. Áp lực ở đây là tuổi nhỏ, ý thức chưa cao nên giáo viên phải đặt tình thương lên trên hết để có sự nhẫn nại và bao dung. Trong khi đó, thầy Nguyễn Thanh Hiếu thì cho rằng, ở bậc học THPT giáo viên phải tạo niềm tin vững vàng cho HS. Để có thể trở thành “bạn bè” của học trò, lớp học cần tạo được không khí thân thiện. “Bản thân mình luôn xem công nghệ là một kho tàng, tuy nhiên việc sử dụng phải chọn lọc. Kết hợp công nghệ vào các môn học hoặc cùng tham gia với trò trên sân chơi chung của mạng xã hội, giáo viên sẽ trở nên gần gũi hơn với HS”, thầy Hiếu nói.

Một HS tham gia tọa đàm đã phác họa về chân dung người thầy trẻ hiện đại: “Đó là người thầy năng động, biết áp dụng công nghệ vào môn học của mình. Điều này giúp tụi em giải trí và học bài nhanh hơn…”.

Bạn đọc có thể theo dõi toàn bộ chương trình tại đây.

Ý kiến:

Yêu nghề

Trong bối cảnh ngành giáo dục liên tục có những đổi mới thì người thầy ngoài việc nhanh chóng thích nghi cũng cần tự làm mới mình. Muốn làm được việc này bắt buộc người giáo viên (GV) phải yêu nghề. Từ yêu nghề sẽ có động lực tìm tòi, sáng tạo. Một GV giỏi kiến thức vẫn chưa đủ, bởi còn phải nắm vững về kỹ năng giảng dạy, điều khiển được tiết dạy để không biến mình thành những ông “tiến sĩ gây mê không hồi sức” khi dạy học trò.

Nguyễn Văn Hải (Sinh viên Trường ĐH Luật TP.HCM)

Dạy sinh viên biết cách xử lý vấn đề

Tôi thấy lâu nay người thầy chỉ dạy cho sinh viên theo kiểu một chiều là chính, tức là cứ nói suông. Dạy như thế không sai, nhưng bên cạnh đó nên dạy cho họ biết cách xử lý vấn đề để lỡ khi họ bước vào cuộc sống thực tế, có những lúc rơi vào những tình huống khó khăn thì họ biết cách xoay xở để giải quyết vấn đề theo hướng tích cực.

Trần Thị Trang (Sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM)

Đừng dạy học trò theo kiểu đọc chép

Ngoài chuyên môn vững, tôi mong những thầy cô giáo chú trọng dạy cho HS biết thêm những kiến thức mở rộng đời sống xung quanh. Bởi trên thực tế, thầy cô giáo hiện nay cứ dạy cho học trò theo khuôn mẫu kiểu đọc chép, vô tình đã làm chai lì sự sáng tạo của người trẻ.

Trần Thị Ngọc Thúy (Phụ huynh TP.HCM)

Kết nối với học trò qua công nghệ mới

Người thầy hiện nay ngoài việc nắm vững kiến thức, có tư cách đạo đức tốt còn phải là người truyền lửa cho HS. Không phân biệt dạy môn chính hay phụ, GV phải luôn nỗ lực tìm tòi cách dạy phù hợp để HS cảm thấy yêu thích môn học của mình, đưa học trò đến gần với thực tế hơn để thoát khỏi lối học thụ động. Bên cạnh đó, GV cũng cần cập nhật các phương tiện như Facebook, điện thoại thông minh để vừa hiện đại hóa phương pháp giảng dạy vừa giúp HS hứng thú với giờ học và cũng là phương tiện kết nối để gần gũi HS hơn.

Nguyễn Viết Đăng Du (GV Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM)

Lê Thanh - Lam Ngọc - Quý Hiên (ghi)

Chương trình có sự tham dự của HS, sinh viên ở TP.HCM: Trường quốc tế Á Châu, Trường THPT Lê Quý Đôn, Trường ĐH Sư phạm, Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng.

Hà Ánh

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/giao-duc/mong-uoc-gi-ve-thay-co-muon-duoc-hoc-dieu-minh-thich-766450.html