'Mong muốn nhà đầu tư Nhật Bản là đối tác chiến lược của Việt Nam'

Phát biểu với các nhà đầu tư, Thủ tướng 'thực tâm' mong muốn các đối tác chiến lược của Việt Nam là nhà đầu tư Nhật Bản.

Sáng 7/6, theo giờ địa phương, tại Thủ đô Tokyo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Chủ tịch Liên đoàn Kinh tế Nhật Bản (gọi tắt là Keidanren) và Chủ tịch các tập đoàn lớn là thành viên của Keidanren.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt tay Chủ tịch Liên đoàn Kinh tế Nhật Bản

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt tay Chủ tịch Liên đoàn Kinh tế Nhật Bản

Keidanren là liên đoàn kinh tế lớn nhất Nhật Bản, thành viên gồm trên 1.300 doanh nghiệp lớn nhất Nhật Bản, trên 100 hiệp hội công nghiệp toàn quốc và hàng chục tổ chức kinh tế tầm khu vực và địa phương.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, quan hệ hai nước đang ở trong giai đoạn tốt đẹp nhất, đồng thời thông tin đến các nhà đầu tư về môi trường đầu tư hấp dẫn và các cơ hội đầu tư vào Việt Nam. Nhấn mạnh Việt Nam coi trọng kinh tế tư nhân và FDI, Thủ tướng trân trọng những ý kiến đóng góp và hợp tác của Keidanren thông qua đối thoại sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản, góp phần quan trọng thu hút vốn đầu tư nước ngoài chất lượng tốt của Nhật Bản vào Việt Nam, đem thương hiệu, tiềm lực tài chính, công nghệ, kinh nghiệm và thị trường rộng lớn, đầu tư mạnh mẽ hơn vào Việt Nam.

Chủ tịch Keidanren, ông Sadayuki Sakakibara cho biết, các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá Việt Nam là thị trường đầu tư hấp dẫn với tăng trưởng kinh tế cao, thị trường hơn 90 triệu dân, là cửa ngõ của thị trường ASEAN phát triển nhảy vọt. Đã có hơn 1.500 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam và mong muốn thông qua đầu tư, góp phần đào tạo nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế xã hội Việt Nam.

Lãnh đạo Công ty Nomura Holding, doanh nghiệp đã đầu tư khu công nghiệp Nomura ở Hải Phòng và mở nhà máy sản xuất phụ tùng máy bay tại Việt Nam cho biết, công ty đang cấp học bổng đào tạo sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản. Công ty đề nghị phát triển các nhà máy nhiệt điện công nghệ cao không gây ô nhiễm môi trường, đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng ở Việt Nam.

Với thế mạnh về vốn, công nghệ, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn tham gia vào phát triển cơ sở hạ tầng Việt Nam theo hình thức hợp tác công-tư (PPP) và mong muốn Chính phủ Việt Nam hoàn thiện các quy định pháp lý về hình thức này.

Với việc thực hiện Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản, các doanh nghiệp cũng mong muốn thường xuyên được đối thoại với các cơ quan chức năng của Việt Nam để cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh hơn nữa.

Thủ tướng phát biểu tại buổi làm việc với Liên đoàn và các Chủ tịch tập đoàn thành viên của Liên đoàn Kinh tế Nhật Bản

Trên tinh thần lắng nghe, trao đổi cởi mở, thực chất, Thủ tướng ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến thẳng thắn của lãnh đạo các doanh nghiệp Nhật Bản, đồng thời trực tiếp giải đáp các vấn đề nhà đầu tư quan tâm.

Liên quan đến vấn đề miễn thị thực đơn phương, Thủ tướng giải đáp: Việt Nam thực hiện theo quy định chung của pháp luật về xuất nhập cảnh, theo đó áp dụng mỗi lần cấp 15 ngày. Song đối với những đối tượng có nhu cầu ra vào Việt Nam nhiều lần như chuyên gia, người lao động thì có thể xin cấp với thời hạn dài hơn lên đến 2 – 3 năm. Từ 1/2/2017, Việt Nam đã áp dụng thí điểm cấp visa điện tử với thời gian 2 năm cho công dân của 40 nước trong đó có Nhật Bản.

Đối với đề xuất của doanh nghiệp Nhật Bản giảm thuế dầu mỏ, Thủ tướng cho biết, Việt Nam và Nhật Bản đã có Hiệp định thương mại tự do và hiện Việt Nam đang thực hiện theo Hiệp định đó.

Cũng tại buổi làm việc, đánh giá cao một số doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam hiệu quả, Thủ tướng “thực tâm” mong muốn các đối tác chiến lược của Việt Nam là nhà đầu tư Nhật Bản. Thời gian tới Việt Nam đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và mong muốn các nhà đầu tư nước ngoài có năng lực, gắn bó với doanh nghiệp lâu dài, có năng lực, trong đó có Nhật Bản, đầu tư trở thành đối tác chiến lược.

Thủ tướng hoan nghênh các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia vào quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, xử lý nợ xấu ngân hàng ở Việt Nam.

Cùng với việc Mitshubishi sản xuất cánh máy bay tại Việt Nam, Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp Nhật Bản đưa Việt Nam tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị cung ứng linh kiện dịch vụ hàng không vũ trụ và toàn cầu; mở rộng sản xuất sang nhiều sản phẩm công nghiệp công nghệ cao khác và chuyển giao công nghệ cho Việt Nam, xuất khẩu ra thế giới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp giải đáp từng vấn đề cụ thể mà lãnh đạo các tập đoàn nêu ra, trong đó có phát triển dịch vụ logistic, xây dựng các nhà máy điện, sản xuất, kinh doanh khí hóa lỏng, các loại năng lượng sạch tại Việt Nam…

Ghi nhận các ý kiến của doanh nghiệp và cho biết sẽ nghiên cứu để tạo điều kiện cho doanh nghiệp Nhật Bản, Thủ tướng mong muốn công ty tiếp tục đầu tư thực hiện các dự án kinh doanh tại Việt Nam trong các lĩnh vực tập đoàn có thế mạnh.

Cũng trong sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Lễ cắt băng khánh thành “Tuần lễ hàng Việt Nam do UBND Thành phố Hà Nội và Tập đoàn AEON phối hợp tổ chức tại Trung tâm thương mại AEON Lake Town (tỉnh Saitama, Nhật Bản). Đây là hoạt động cuối cùng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Tokyo.

Chiều nay, theo giờ địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến tỉnh Osaka, tiếp tục các hoạt động trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản./.

Vũ Dũng/VOV

Nguồn VOV: http://vov.vn/chinh-tri/mong-muon-nha-dau-tu-nhat-ban-la-doi-tac-chien-luoc-cua-viet-nam-633125.vov