Mộng mị với Hồ Sơn

Tôi lên Tam Đảo đã mấy lần, vậy mà bây giờ tôi mới biết rõ tên của đỉnh núi ở giữa là Phú Nghĩa. Một cô bé người Sán Dìu chỉ cho tôi hay khi cùng lên con dốc.

Tôi lên Tam Đảo đã mấy lần, vậy mà bây giờ tôi mới biết rõ tên của đỉnh núi ở giữa là Phú Nghĩa. Một cô bé người Sán Dìu chỉ cho tôi hay khi cùng lên con dốc. Thế rồi mây ập xuống và gió cuốn. Con dốc bỗng như bay lên. Tôi bất ngờ có cảm giác đó, khi cô gái chào tôi rồi chợt rẽ nhanh vào một nẻo đường nhỏ. Sắc áo chàm phấp phới để lộ bắp chân quấn vải trắng mất hút trong bụi mưa...

Váy xẻ tà và chén rượu Hồ Sơn

Thì ra con đường nhỏ mà cô bé ấy rẽ ở lưng dốc núi dẫn vào một thôn ở xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo. Vài hôm sau tôi được một người bản địa giải thích, xã Hồ Sơn nằm rải quanh chân núi, còn đến 1/3 nhân khẩu vẫn sống ở trên núi. Con đường 2B đi xuyên ngang Hồ Sơn để lên khu nghỉ dưỡng Tam Đảo. Khi tôi có ý muốn hỏi về những làn điệu hát dân ca Sán Dìu thì ông mách, hãy xuống núi gặp ông lang Man Phượng dưới thôn Núc Hạ sẽ biết liền. Tôi lần mò xuống núi rẽ về con đường dẫn đi Tây Thiên. Nhưng có người lại chỉ hiện ông đang ở trong một đám lễ ăn hỏi trong thôn. Thế là tôi lạc vào mê hồn trận, cứ lang thang trong các con đường quanh chân núi. Bất ngờ có tiếng hát và chào nhau ồn ã. Tôi vội khóa xe máy rồi chạy lại. Hiện trước mắt tôi là những cô gái Sán Dìu xinh đẹp, mặc những chiếc váy xẻ tà cùng những chàng trai đang hát đối, và ríu rít nói cười. Hay tin, ông lang Man Phượng vội ra đón tôi. Có người còn giới thiệu ông lang Man Phượng chính là người hát dân ca Sán Dìu, còn gọi là hát Soọng Cô, rất hay. Thậm chí ông còn tự viết lời bài hát về tình yêu của mình tặng vợ. Ông tên chính là Nguyễn Công Phượng còn Man là tên vợ. Ông làm nghề khám bệnh và bốc thuốc, nên người ta gọi ghép tên cả hai vợ chồng.

Những cô gái Sán Dìu ở Hồ Sơn.

Một cô gái bước tới mời tôi một chén rượu mừng. Tôi bồi hồi nhìn những tà áo chàm với những nụ cười Sán Dìu bừng sáng trong khu vườn đầy hoa. Khi tôi hỏi về những chiếc váy khác lạ, ông Phượng giải thích, người Sán Dìu ở xã Hồ Sơn sống quanh chân núi Tam Đảo đều là hệ tộc Mán “Váy lá” hay còn gọi là Mán “Váy xẻ”. Đó là trang phục của phụ nữ để phân biệt các tộc người Sán Dìu khác nhau. Ông cho biết người ta còn gọi dân tộc Sán Dìu ở Hồ Sơn với cái tên nôm na, Mán “quần cộc” cũng chỉ vì chiếc váy lá dài đến đầu gối. Trước kia những chiếc váy lá còn được ghép từ 8 đến 10 mảnh vải buông xuống. Những mảnh vải được xếp chồng mép ở phía trên rồi may lại thành cạp váy. Tuy ghép chồng liền nhưng mỗi lần chuyển động là các mảnh vải lá ấy để lộ những khoảng trống trên đùi hay bắp chân của các cô gái nên hết sức quyến rũ. Các chàng trai thường bị hút hồn bởi chiếc váy lá. Nhưng đến nay, bộ váy lá đã được cải thiện bớt nét hoang dã, bằng cách ghép ít mảnh hơn, lẽ dĩ nhiên những mảnh vải ghép phải được dệt to bản. Đó chính là váy xẻ tà ngày nay. Ngắm một cô gái đi mời rượu đang vận chiếc váy xẻ tà, ghép 4 mảnh vải buông xuống. Nhưng cô gái này vẫn mặc thêm chiếc áo khoác ngoài dài tới đầu gối. Còn bắp chân cô gái nào cũng cuốn vải trắng (xà cạp), đi giày vải đen gọn ghẽ, thanh thoát.

Nhưng ông Phượng kể tiếp, trang phục của các cô gái Sán Dìu ở đây còn được khắc họa nét hấp dẫn ở chiếc yếm trắng và đội khăn đen. Họ điểm tô thêm chiếc vòng bạc đeo ở ngực, gắn theo một chiếc lá, hay bông hoa bằng bạc nhỏ xíu. Nói đến đây, ông Phượng bất ngờ đọc cho tôi nghe những câu thơ về tà áo chàm của người vợ đã làm ông mê mẩn một thuở: “Vầng dương vừa chiếu ánh vàng. Nàng trong bộ cánh áo chàm đi chơi. Nàng luôn hiện trước mặt tôi. Mà sao tôi thấy xa vời như sao. Đêm đêm tôi lại chiêm bao. Thấy nàng như cánh hoa đào ngày xuân”. Đôi môi ông chúm chím cười với hai má đỏ ửng, không biết vì rượu hay vì nỗi thổn thức của tình yêu với cô thôn nữ tên Man, cách đây hơn 40 năm. Nhìn ông vui, lòng tôi như có cánh bay, bèn uống thêm ly rượu nếp cẩm, ngào ngạt hương thơm. Những chiếc váy xẻ như những chiếc lá bay bâng khuâng. Đôi mắt của cô bé trên dốc đèo ánh lên trong veo. Một áng mây bay qua. Hai áng mây bay đến. Rồi con lốc bất ngờ ấy nữa chứ. Tôi lâng lâng và đôi chân nhẹ bẫng. Các cô gái và các chàng trai cứ cầm tay nhau múa ca mặc kệ hai chúng tôi lên cơn say.

Tục lệ ăn hỏi kéo dài nhất thế giới

Sau đó không biết cánh trẻ đã đưa tôi vào nhà bằng cách nào. Nhưng khi bừng tỉnh, tôi đã thấy ông Man Phượng ngồi chờ bên bàn nước. Ông nói hai họ còn lâu mới xong, nếu muốn thì lại sang tiếp tục uống rượu. Tôi cay xè mắt lắc đầu tỏ ra thắc mắc không hiểu tại sao thủ tục ăn hỏi của người Sán Dìu lại lâu đến thế. Ông mỉm cười, pha ấm trà mời tôi rồi nói, trước kia tục lệ ăn hỏi còn lai rai cả năm ấy chứ. Ấy là quan niệm của người Sán Dìu, phải kéo dài việc cưới hỏi nhằm mục đích đề cao giá trị của người con gái khi đi lấy chồng. Tôi ngạc nhiên, ăn hỏi kéo dài cả năm thì tốn kém chết. Ông lắc đầu nhà gái cũng không đòi hỏi tốn kém gì, nhưng tục lệ ăn hỏi chia ra nhiều giai đoạn, nếu nhà trai không kiên trì theo đuổi thì chẳng thể lấy vợ.

Lễ rước kiệu.

Theo như cuốn sổ của ông Man Phượng ghi tóm tắt lại thì nghi thức dạm hỏi của người Sán Dìu bắt đầu từ rằm tháng giêng. Đám cưới chỉ được tổ chức vào mùa thu trở đi, bởi mùa thu và mùa đông không còn nắng nóng. Vậy là từ tháng giêng đến tháng tám, mỗi tháng nhà trai phải đến nhà gái một lần, để thực hiện các thủ tục dạm ngõ và ăn hỏi trước khi cưới. Lệ sang dạm ngõ ăn hỏi chỉ là trầu nước, bánh kẹo và ca hát. Có thể nói hát Soọng Cô là chính. Thí dụ lần đầu đến, nhà trai chỉ có mỗi việc là hát hỏi ngày tháng năm sinh của cô gái. Mà cả đến một tháng sau mới đến lễ ca hát hỏi xem nhà gái có đồng ý có thuận lòng cho con gái được cưới vào năm nay không... Mãi đến khi vào lễ “Sang bạc” vào tháng tám, nhà trai mới sang nhận những lời yêu cầu của nhà gái về lễ cưới cụ thể ra sao, bao nhiêu tiền, thịt lợn, rượu chè, trâu bò...

Nhưng có lẽ thủ tục làm lễ cưới, đón dâu là rườm rà nhất. Lễ tiến hành thủ tục từ sáng đến tận tối. 10 giờ đêm còn diễn ra cảnh hai bên hát đố cho đến 2 giờ sáng hôm sau. Cuộc hát đố kết thúc chuyển sang Soọng Cô đối đáp, kéo dài liên tục 7 tiếng liền cho đến 9 giờ sáng hôm đó. Lúc ấy mới bắt đầu thủ tục mời rượu và lại hát (theo sách hẳn hoi). Đặc biệt cô dâu phải “khóc” bằng những lời ca từ đêm hôm trước cho đến sáng, mặc cho hai bên phù dâu và phù rể hát đố hay đối đáp vui vẻ. Đó là một bản hợp ca lạ kỳ nhất của người dân tộc Sán Dìu mà ít có dân tộc nào chuộng ca hát đến thế. Lương y Man Phượng giải thích, mỗi dòng họ đều phải có ba bộ sách, một là sách về lý số, hai là sách về thuốc và ba là sách hát, ghi lại những bài ca Soọng Cô về tất cả các bước lễ diễn ra. Riêng lễ cưới phải hát nhiều nên các chàng trai cô gái đều phải học từ bé mới có thể thuộc để khi vào lễ là hát theo các bước thủ tục diễn ra. Và, đến tận 5 giờ chiều hôm đó, mới diễn ra lễ đón dâu về nhà chồng.

Thấy tôi có vẻ sốt ruột thay cho chú rể, cô dâu, ông Man Phượng cười lớn, chưa xong đâu, còn cái lễ lại mặt thực hiện ngay trong ngày cưới, rồi hai người mới được động phòng. Sau đó lễ lại mặt tiếp tục diễn ra trong liền mấy tháng đầu tiên. Mỗi tháng bố mẹ chồng đưa con dâu về nhà bên ngoại một lần để ngủ lại vài đêm. Sau đó bố mẹ đẻ phải đưa con gái về nhà chồng. Cứ diễn ra như thế, lặp đi lặp lại cho đến khi cô dâu có thai, mới được tự về nhà chồng. Úi chà chà... quả là no đủ thủ tục và đầy sắc thái của một dân tộc độc đáo. Vậy xem tính ra đây là cuộc ăn hỏi và cưới xin dài nhất thế giới quả không sai.

Hát đối Soọng Cô.

Hai đỉnh núi cao còn lại

Tuy giờ đây thủ tục ăn hỏi không còn kéo dài như cách đây nửa thế kỷ nữa, nhưng điều đặc sắc nhất của dân tộc Sán Dìu là những bản đồng dao và bài ca Soọng Cô được truyền tụng, hết đời này qua đời khác không bao giờ rơi vào quên lãng. Lúc này, ông Phượng chợt nhớ đến những câu hát một thời làm trai cưới vợ người Sán Dìu, như ông phải thuộc. Cứ thế ông ngân nga: “Gà gáy chưa khắp trời đã sáng. Gà gáy sáng rồi sắp chia tay. Bố mẹ, ông bà thì còn được. Anh, em mình chia tay đứt hết ruột gan”. Tôi bị hút vào làn điệu khắc khoải đó về tình yêu. Giọng hát của ông Man Phượng đã khê khàn theo năm tháng nhưng làm dịu lòng người. Ông khẳng định, với ba bộ sách của người Sán Dìu ở Hồ Sơn chính là ba đỉnh văn hóa của một dân tộc hiếm có trong cộng đồng người Việt.

Nghe đến đây, tôi sực nhớ đến lời cô bé nói tên ngọn núi giữa là Phú Nghĩa, trong một buổi sáng đầy gió cuốn, bèn hỏi ông nốt về hai tên ngọn núi còn lại của Tam Đảo. Không ngờ ông Phượng cho là tôi đố ông theo điệu Soọng Cô, ông chỉ lên núi cao hát liền: “Bên trái là đỉnh Thạch Bàn. Thiên Thị bên phải miên man gió gào”. Tôi bật cười thán phục tài đối đáp tức thì của ông. Còn ông cũng cười sảng khoái vì được sống và nhớ lại những ngày gian khổ đến với tình yêu và hạnh phúc đã nửa thế kỷ trôi qua. Tôi chia tay trong lời ca, với giai điệu da diết mà chính ông đã viết lên trong bản hợp ca Soọng Cô: “Đã đi phải đi đường dài. Đã yêu, yêu mãi không ai sánh bằng. Đã sống phải sống sao băng. Đã yêu, yêu mãi chí bằng núi sông”.

Bài và ảnh: Duy Anh

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/mong-mi-voi-ho-son-n123631.html