Mong manh đê bao ngoại thành

Hàng trăm hộ dân, hàng nghìn héc ta lúa đang bị đe dọa do những tuyến đê không an toàn. Dù các địa phương đã nỗ lực “cứu" đê nhưng mưa lớn dài ngày, thời tiết cực đoan khiến đê bao ngoại thành những ngày này mong manh hơn bao giờ hết...

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Ngày 23-8, quan sát tại vị trí từ K0+500 đến K1+200 đê hữu Hồng thuộc địa phận xã Thái Hòa (Ba Vì), chúng tôi thấy rõ cung sạt dài khoảng 30m, rộng 3-5m, sâu 2-5m. Điều đáng ngại là những đoạn sụt sạt này nằm sát nhà dân, cách chân đê khoảng 50-100m. Đã thấy vết nứt ở nhiều bức tường của nhà dân, tiềm ẩn nguy cơ sập đổ. Ông Nguyễn Văn An, thôn Trung Hà, xã Thái Hòa tỏ ra lo lắng và mong mỏi các cấp, các ngành quan tâm cứng hóa bờ sông để người dân yên tâm sinh sống, sản xuất. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Thái Hòa Chu Ngọc Túy, đây là khu vực có đông dân cư, với khoảng 150 hộ, sinh sống từ lâu đời; nhiều hộ dân gần bờ sông đã bị nứt nhà và sân. Hiện nay mực nước sông đang dâng cao, tình trạng sạt lở đang tiếp tục diễn biến nghiêm trọng, đe dọa tính mạng và tài sản của nhân dân. "Do nguồn kinh phí hạn hẹp nên dù biết nguy hiểm, ảnh hưởng tới các hộ dân nhưng xã cũng không thể làm gì hơn. Rất mong các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ để giúp nhân dân yên tâm sinh sống..." - ông Túy nói.

Lực lượng “4 tại chỗ” ứng cứu tuyến đê bao sông Tích thuộc địa bàn xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất. Ảnh: Kim Văn

Quan sát trên tuyến đê hữu Hồng thuộc địa phận xã Chu Minh, đoạn K22+200, chúng tôi thấy xuất hiện cung sạt dài khoảng 35m, rộng 3m tạo thành vách đứng sâu 3-5m. Cung sạt lấn vào đường giao thông, hiện chỉ cách tường nhà của ông Trần Ngọc Hải từ 1,5m đến 2m, đe dọa nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt của các hộ dân trong khu vực. Nhiều ngôi nhà và công trình phụ đã bị nứt, nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào. Tương tự, tại tuyến đê hữu Hồng thuộc địa phận xã Cam Thượng, đoạn từ K26+200 đến K26+500 xuất hiện 3 cung sạt lở lớn dài 50-70m, rộng 5-7m, vách sâu 3-5m. Các cung sạt đã xói lở toàn bộ tuyến đường dân sinh tạo thành hàm ếch vào sát tường nhà dân. Trong khi đó, mực nước sông đang dâng cao, tình trạng sạt lở đang tiếp tục tiếp diễn nghiêm trọng. Chủ tịch UBND xã Cam Thượng Đỗ Minh Nhân cho biết: Tuyến đê này đi qua khu vực có 80 hộ dân sinh sống từ lâu đời. Chỗ sạt lở chưa được kè hộ chân, lát mái.

Quan sát tại đoạn Bến Giang, xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ thuộc đê bối tả sông Bùi, chúng tôi thấy có đoạn đã bị sạt chân mái đê phía sông, nước thấm qua đê vào vườn. Tại vị trí tràn điều tiết Yên Duyệt, xã Tốt Động, dài 300m, từ K7+700 đến K10 có nhiều tấm bê tông trên mặt đê bị nứt, gãy, vỡ tạo thành những ổ gà, ổ voi lớn gây khó khăn cho người và các phương tiện qua lại trên đê. Ngoài ra, các tuyến vùng hữu Bùi (thuộc dự án đê hữu Bùi) rất nhiều vị trí bị tràn từ 0,1m đến 0,45m phải huy động nhân dân ra chống tràn, như tại xã Thủy Xuân Tiên, Tốt Động, Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ…

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Minh Ngọc, do hoàn lưu bão số 3 khu vực Chương Mỹ trong mấy ngày vừa qua có mưa to đến rất to, cộng với nước từ Hòa Bình đổ về khiến mực nước sông Bùi lên rất nhanh, hiện đang ở mức trên báo động số 2. Do vậy, nhiều đoạn đê xung yếu đang có hiện tượng thẩm thấu vào thân đê, đe dọa an toàn đê và các công trình dân sinh xung quanh...

Không chỉ dừng lại ở giải pháp tình thế

Làm việc với các địa phương, chúng tôi thấy, hầu hết các huyện, xã đã tập trung gia cố những điểm sụt sạt trên mặt đê với sự trợ giúp của các lực lượng quân đội... Tuy nhiên, việc sửa chữa chỉ mang tính tình thế, nhất là đê do cấp huyện quản lý bởi nguồn ngân sách của các địa phương khó khăn.

Là xã có 3 đoạn xung yếu trên đê sông Hòa Bình thuộc địa phận cánh đồng thôn An Cốc và có mạch sủi qua đê, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Minh (Phú Xuyên) Nguyễn Tất Thắng cho biết, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai xã đã triển khai lực lượng “4 tại chỗ”, huy động nhân lực, vật lực vận chuyển 288m3 đất cấp phối và đã xử lý xong. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tất Thắng, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế bởi nếu mực nước liên tục dâng cao, dài ngày thì khó bảo đảm an toàn nên cần có giải pháp bền vững hơn. Theo Chủ tịch UBND xã Cần Kiệm (Thạch Thất) Đặng Văn Võ, do nước thượng nguồn đổ về, mực nước sông Tích lên cao gần báo động 3 nên nguy cơ vỡ đê bao cao. Huyện Thạch Thất đã huy động hàng nghìn người dân và lực lượng quân đội tham gia hộ đê. Sau gần 4 ngày, tuyến đê này đã cơ bản đáp ứng yêu cầu an toàn ở mực nước hiện tại. Tuy nhiên, để bảo đảm sự an toàn bền vững, rất cần các cấp, ngành quan tâm đầu tư kè, cứng hóa mặt đê…

Đối với các tuyến đê sông Hồng, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Bạch Công Tiến mong muốn UBND thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn kiểm tra và có biện pháp bảo đảm an toàn cho nhân dân tại các vị trí sạt lở bờ sông Hồng trên địa bàn huyện; đồng thời, cho tiến hành xử lý cấp bách sự cố sạt lở bờ hữu sông Hồng tại các vị trí sạt lở nêu trên... Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Minh Ngọc đề nghị, tuyến đê sông Bùi liên tục phải chống lũ rừng ngang đổ về, trong khi nguồn kinh phí của huyện rất khó khăn, vì vậy đề nghị UBND thành phố và các sở, ngành liên quan xem xét, xử lý cấp bách các công trình đê điều bị hư hỏng và đẩy nhanh tiến độ dự án đê hữu Bùi…

Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phạm Văn Khương, thời gian qua, thành phố luôn quan tâm đến việc đầu tư các công trình liên quan đến vấn đề bảo đảm an toàn cho nhân dân. Tuy nhiên, để có cơ sở xem xét đầu tư xử lý các công trình cấp bách, Sở NN&PTNT cần kiểm tra để báo cáo UBND thành phố. Chiều 23-8, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Hà Đức Trung cho biết, Sở đã tổ chức nhiều đoàn đi kiểm tra các sự cố đê điều trên địa bàn các huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Chương Mỹ, Đan Phượng… sau đó sẽ tổng hợp báo cáo, đề xuất thành phố bố trí kinh phí xử lý các sự cố trong thời gian sớm nhất...

Kim Nhuệ

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xa-hoi/845699/mong-manh-de-bao-ngoai-thanh