Mộng Lân – Nhạc sĩ của tuổi măng non

- Căn nhà ở phố Hàng Trống gần hồ Hoàn Kiếm, nơi ở trước đây của nhạc sĩ Mộng Lân chúng tôi thường đến vui với các em thiếu nhi nhân ngày 1/6 hay ngày rằm trung thu, kể cả khi đi công tác cũng tập trung ở đó...

Chúng tôi thường kết hợp “một công đôi việc”, tôi đi thu thanh Dân ca có anh đi cùng, anh đi thu thanh nhạc thiếu nhi cũng gọi cả tôi. Năm 1996 sau khi về hưu Mộng Lân vẫn liên tục “thiết kế” những chuyến đi sáng tác cho các nhạc sĩ đến với các địa phương nơi anh từng quen biết.T ôi được anh rủ đi nhiều lần. Tính anh là thế, vì bạn bầu và rất ham vui, nhưng sáng tác thì cực nhanh và hay. Trong những năm chống Mỹ, anh tổ chức một số chuyến đi, trong đó đáng nhớ nhất là chuyến chúng tôi về Quảng Xương,Thanh Hóa sau khi em Nguyễn Bá Ngọc băng qua lửa đạn để cứu các bạn nhỏ tuổi hơn cùng trường bên dòng sông Yên dậy sóng (1965). Đi nhanh về nhanh và sáng tác cũng nhanh. Hai hôm sau, trong khi tôi mới viết được phần nhạc bài hát thiếu nhi “Những vành hoa bên đài liệt sĩ”, chưa hoàn chỉnh được phần lời, thì anh Mộng Lân đã đến khoe với tôi bài “Nguyễn Bá Ngọc người thiếu niên dũng cảm”: Đây Thanh Hóa anh hùng ngày ngày ghi những chiến công Gương anh Nguyễn Bá Ngọc sáng soi rực rỡ núi sông Anh đã chọn 3 nốt chủ đạo Rê Sol Đô từ một điệu hò sông Mã để các em làm quen. Ở nhịp 10 và nhịp 12 anh khéo léo xử lý những nốt “đen” Đồ Rê và Sol Đô rất hợp lý. Câu cuối đoạn A vẫn là những nốt chủ đạo ấy nhưng hình thành một quãng 7 để nhấn mạnh nội dung : Anh qua đời gương anh ngời soi Chí kiên cường và lòng dũng cảm. Cùng đi sáng tác với Mộng Lân chuyến đó nên tôi trích riêng bài hát này để phân tích, để chúng ta thấy sự cẩn thận đến từng chi tiết trong khi lựa chọn giai điệu, chọn ca từ cho phù hợp với các em thiếu nhi. Bài hát “người thực việc thực” ấy là kết quả của một chuyến đi đầy kỷ niệm, đến với nhiều địa chỉ dũng cảm trong chiến đấu trên đất Thanh Hóa anh hùng.” Nguyễn Bá Ngọc người thiếu niên dũng cảm” chỉ là một trong những bài hát của Mộng Lân mà tôi được chứng kiến tài năng sáng tác và đầy trách nhiệm với tuổi măng non. Anh còn nhiều bài hát nổi tiếng khác như: Quê em bừng sáng (1954), Tấm ảnh Bác Hồ (1956), Em là mầm non của Đảng (1957)…mà các thế hệ măng non đã từng hát vang : Em là búp măng non,em lớn lên trong mùa cách mạng Sướng vui có Đảng tiền phong Có Đảng như ánh thái dương Sống yên vui trong tình yêu thương… Bài hát này đã được phổ biến rộng rãi tới từng phân đội thiếu niên tiền phong. Không ai nghĩ rằng đây là một bài hát truyền thống khô cứng, bởi giai điệu đẹp truyền cảm, lại dễ hát dễ thuộc. Nếu tính mỗi thế hệ là 20 năm thì cũng đã có 3 thế hệ măng non thuộc lòng tác phẩm này. Nhạc sĩ Mộng Lân tên thật là Nguyễn Ngọc Lân, sinh năm 1934, quê gốc ở Thạch Nham, Thanh Oai, Hà Nội, lớn lên ở Thanh Ba Phú Thọ. Anh đến với âm nhạc rất sớm, từ lúc 13 tuổi. Hồi đó anh tham gia Đoàn thiếu nhi nghệ thuật do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước tổ chức và hướng dẫn trong những năm kháng chiến chống Pháp. Từng học khóa sư phạm ở Khu học xá Nam Ninh, sau đó là giáo viên dạy nhạc của trường Thiếu nhi Việt nam ở Lư Sơn, Quế Lâm, Trung Quốc vào những năm 50 của thế kỷ trước. Ca khúc "Em là mầm non của Đảng" (NS Mộng Lân) Năm 1957 anh về làm biên tập chương trình âm nhạc, rồi làm phó phòng ca nhạc thiếu nhi. Anh đã cùng các nhạc sĩ ở Đài Tiếng nói Việt nam hoạt động sôi nổi, sáng tạo và có hiệu quả trên làn sóng phát thanh quốc gia. Ở cương vị này không những Mộng Lân sáng tác tốt hơn cho đối tượng thiếu nhi mà còn đóng góp phần quan trọng vào việc tổ chức cổ vũ phong trào đàn hát trong lứa tuổi măng non, đặc biệt là qua các kỳ hội diễn “Tiếng hát Hoa Phượng Đỏ”. Anh phát hiện năng khiếu, trực tiếp xây dựng bồi dưỡng tài năng cho Đội Sơn Ca của Đài TNVN, giúp các địa phương tổ chức và giới thiệu trên làn sóng của Đài các đội ca nhạc thiếu nhi như: Vàng Anh (Nam Định), Hải Yến (Hải Phòng), Hạ Long (Quảng Ninh)… và phong trào văn nghệ ở các trường học. Các nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú như Thanh Huyền, Bích Liên, Diệu Thúy, Anh Đào, Thúy Hà, Tô Lan Phương… đều ghi ơn Mộng Lân, bởi anh đã góp phần đào tạo khuyến khích, nâng đỡ tài năng để có được như ngày nay. Dẫu rằng ai cũng nghĩ đến Mộng Lân là một nhạc sĩ của thiếu nhi, nhưng tôi vẫn muốn nhắc thêm ở Mộng Lân còn là một nhạc sĩ của người lớn. Bởi anh có nhiều tác phẩm quen thuộc với thính giả cả nước và đồng hành cùng năm tháng như: Những cánh chim địa chất, Chiến thắng sông Gianh, Gửi sông Hương, Hát vang bài ca toàn thắng v.v… Trong các cuộc hội thảo về âm nhạc cho tuổi măng non cũng như những lần trò chuyện với nhau Mộng Lân đều nói: Sáng tác bài hát cho người lớn đã khó, sáng tác cho Thiếu nhi lại càng khó hơn. Các em có một thế giới riêng. Tư duy của các em hoàn toàn khác biệt người lớn. Sáng tác cho các em phải khái quát và giàu hình ảnh ở mức độ cao. Tránh tùy tiện dễ dãi, điều này dễ làm hại thẩm mỹ của các em, lắm khi còn phản tác dụng. Phải dùng ngôn ngữ của các em thể hiện trong hình tượng âm nhạc. Viết lên được những điều các em nói, nói lên được những điều các em nghĩ. Nghĩa là phù hợp với lứa tuổi và trình độ của lớp măng non. Ca khúc "Nguyễn Bá Ngọc - người thiếu niên dũng cảm" (NS Mộng Lân) Có lẽ vì những nhận thức ấy mà Mộng Lân đã được các em thiếu nhi cả nước bình chọn là một trong 5 nhạc sĩ có nhiều bài hát hay nhất trong thế kỷ XX mặc dù anh đã vĩnh viễn đi xa từ năm 2001. Tôi nhớ có lần đến thăm Đài TNVN, nghe các tác phẩm của Mộng Lân, nhạc sĩ Tô Vũ đã phải thốt lên “trẻ em thích hát, người lớn thích nghe, bạn bè nể phục”. Nhạc sĩ Dân Huyền

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/van-hoa/22496/mong-lan---nhac-si-cua-tuoi-mang-non.html