Mong Anh bình an ở chốn vĩnh hằng

QĐND - Khi tôi viết những dòng này, trái tim Anh - Trung tướng, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Bình, nguyên Chính ủy Học viện Quốc phòng, vừa ngừng đập. Sau hơn một tháng chống chọi với cơn bạo bệnh quái ác, mặc dù đã được các chuyên gia đầu ngành của các bệnh viện lớn, trực tiếp là tập thể cán bộ, nhân viên Khoa Hồi sức - Cấp cứu Bệnh viện 103 (Học viện Quân y) cùng gia đình, bạn bè hết lòng, hết sức cứu chữa, nhưng anh đã vĩnh viễn đi xa, để lại bao niềm đau xót, tiếc thương cho gia đình, bạn hữu, đồng chí, đồng đội.

Người chiến sĩ dũng cảm, người chỉ huy kiên cường

Năm 1968, chàng thanh niên Nguyễn Tiến Bình từ miền dân ca quan họ tỉnh Hà Bắc tình nguyện lên đường nhập ngũ khi vừa tròn 18 tuổi. Sau một thời gian huấn luyện kỹ thuật đặc công, anh cùng đồng đội hành quân từ miền Bắc, vượt qua biết bao đèo dốc, băng qua biết bao cánh rừng trụi lá vì chất độc hóa học của giặc Mỹ rải trên tuyến đường Trường Sơn để vào miền Nam đánh giặc. Cuốn Nhật ký chiến trường anh viết trên đường hành quân mà tôi may mắn được đọc năm 1983 khi về làm giảng viên Khoa Triết học - Học viện Chính trị Quân sự còn có cả những bài thơ chứa đựng những cảm xúc chân thành của một thế hệ thanh niên đầy nhiệt huyết, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc. Anh đã cùng các chiến sĩ đặc công ngày đêm đánh giặc ở chiến trường Đông Nam Bộ, chiến trường Cam-pu-chia… lập nên những chiến công xuất sắc, làm cho “Mỹ khiếp vía, ngụy kinh hồn” trước lòng dũng cảm và tài nghệ “xuất quỷ, nhập thần”, “đánh hiểm, đánh đau”, “đặc biệt tinh nhuệ” của Bộ đội Đặc công Việt Nam. Khói lửa chiến tranh và máu đã tôi luyện Anh từ người lính trở thành người chỉ huy quân sự kiên cường, khi kết thúc chiến tranh trở thành người cán bộ chính trị mẫu mực - Bí thư Đảng ủy, chính trị viên tiểu đoàn đặc công.

Học viên giỏi và giảng viên xuất sắc

Sau chiến tranh chống đế quốc Mỹ, từ chiến trường ra, anh được đi học khóa đào tạo cán bộ chính trị cấp trung đoàn tại Học viện Chính trị. Sau khi tốt nghiệp loại giỏi, Anh được tuyển chọn làm giảng viên bộ môn Chủ nghĩa duy vật lịch sử của Khoa Triết học - Học viện Chính trị Quân sự. Những cán bộ, giảng viên, học viên Học viện Chính trị Quân sự thời kỳ cuối những năm bảy mươi đến đầu những năm tám mươi của thế kỷ trước rất quen thuộc với hình ảnh “thầy Bình bạc” - một giảng viên cao, gầy, có mái đầu “ngả mầu thời gian” quá sớm, ánh mắt thông minh, ban ngày say sưa đọc sách, soạn giáo án, ban đêm vẫn miệt mài theo học lớp bổ túc văn hóa. Những tháng năm chiến tranh đã thôi thúc anh say mê “học, học nữa, học mãi” để bù đắp khoảng thời gian bị gián đoạn học hành.

Trung tướng Nguyễn Tiến Bình (người thứ 4 tính từ bên phải) trao đổi cùng các đại biểu tham dự tọa đàm Báo chí QĐND Việt Nam - Báo chí QĐND Lào: Đấu tranh chống thông tin xuyên tạc, quan điểm sai trái - kinh nghiệm và giải pháp

Giữa những năm tám mươi, Anh được tuyển chọn vào khóa đào tạo Nghiên cứu sinh hệ chính quy, dài hạn đầu tiên tại Học viện Chính trị Quân sự và bảo vệ xuất sắc luận án Phó tiến sĩ Triết học trong lĩnh vực quân sự khóa đầu tiên được đào tạo trong nước. Từ đây, những bài giảng Triết học của “thầy Bình bạc” ngày càng có sức cuốn hút và khơi dậy niềm khát khao nâng cao trình độ học vấn và tri thức của biết bao thế hệ học viên đào tạo cán bộ chính trị, sư phạm quân sự, cao học và nghiên cứu sinh tại Học viện Chính trị Quân sự. Sau này, khi đã trải qua nhiều cương vị ở đơn vị, cơ quan, về làm Chính ủy Học viện Quốc phòng, Anh vẫn giữ được tính ham đọc, ham học hỏi như thời trai trẻ. Những bài giảng của Trung tướng, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Bình tại Học viện Quốc phòng vừa có chiều dày của trải nghiệm thực tiễn, vừa đạt tới chiều sâu của tư duy khoa học, góp phần gợi mở, nâng tầm tư duy của học viên đào tạo cấp chiến dịch, chiến lược, học viên đào tạo sau đại học và học viên các lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh.

Người chính ủy có tâm, nhà khoa học có tầm

Thời gian làm Chính ủy tại Học viện Quốc phòng không nhiều, nhưng anh đã để lại trong tâm trí và tình cảm của rất nhiều cán bộ, đảng viên, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục, học viên, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan và chiến sĩ trong Học viện một chữ “tâm” đẹp. Đó là sự gần gũi, quan tâm, sâu sát của người chủ trì về chính trị trong đơn vị đối với mỗi cá nhân, mỗi tập thể, biết nhân lên niềm vui, chia sẻ nỗi buồn, tạo sự tin cậy của cán bộ, chiến sĩ đối với người lãnh đạo, chỉ huy. Trong công tác và trong cuộc sống, Anh luôn có chính kiến rõ ràng, thậm chí có lúc “quyết liệt” để bảo vệ chính kiến. Điều đó không khỏi có lúc dẫn đến “va chạm” đối với người này, người khác, nhưng theo thời gian, chính chữ “tâm” trong anh đã giúp hóa giải những “va chạm” đó.

Là người có chiều dày thời gian nghiên cứu và giảng dạy Triết học trong lĩnh vực quân sự, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Bình đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học có giá trị trong lĩnh vực Triết học, Chính trị học và lĩnh vực quốc phòng, quân sự. Các đề tài nghiên cứu khoa học, các bài báo, bài viết trên các báo, tạp chí của anh ít nhiều đã tạo ra được dấu ấn riêng của một phong cách tư duy khoa học độc lập, sáng tạo, có tính chiến đấu cao, thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, xứng đáng được lớp cán bộ khoa học trẻ suy tôn anh là một trong những “cây viết” có chất lượng cao của giới nghiên cứu khoa học chính trị, khoa học quân sự và quốc phòng hiện nay.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Bình đã có nhiều đóng góp tích cực trong cuộc đấu tranh trên mặt trận chính trị, tư tưởng, lý luận hiện nay. Anh đã có nhiều bài “bút chiến” sắc sảo và kịp thời trên các báo, tạp chí, đặc biệt là trên Báo Quân đội nhân dân để phản bác các luận điệu xuyên tạc, phê phán các quan điểm sai trái, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối, quan điểm của Đảng, bảo vệ sự nghiệp cách mạng.

Người Anh độ lượng, người bạn thân thiết

Trong cuộc sống, những thế hệ đàn em luôn luôn cần có người đồng hành, vừa là người anh độ lượng, vừa là người bạn thân thiết. Tôi có may mắn được gặp, được sống, học tập, công tác lâu dài và gần gũi với một người như vậy - đó là Anh. Hơn 30 năm qua, chưa bao giờ sự chênh lệch về tuổi tác, trình độ, năng lực, cấp bậc, chức vụ, kinh nghiệm, vốn sống… lại tạo ra ấn tượng về một khoảng cách biệt giữa anh và tôi. Như một người anh, anh luôn ân cần chỉ bảo cho tôi những điều hay cần biết, lẽ phải cần làm. Như một người bạn, anh thường xuyên tâm sự nỗi niềm chung - riêng, chia sẻ những băn khoăn trăn trở đời thường với tôi... Anh là tấm gương lớn về nhiều lĩnh vực mà mỗi khi soi vào, tôi thấy rất tự hào về anh, đồng thời thấy mình vẫn còn nhiều khiếm khuyết.

Mong Anh bình an ở chốn vĩnh hằng.

Thiếu tướng, PGS, TS NGUYỄN XUÂN THÀNH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/10/91/91/250169/Default.aspx