Mòn mỏi ngóng trông 9 ngư dân mất tích

Trước sự kiên quyết của Việt Nam, ngày 9/10, 9 ngư dân ở huyện Lý Sơn bị Trung Quốc bắt giữ (ngày 11/9) đã được trả tự do vô điều kiện. Dự kiến sáng 13/10, tàu QNg-66478 sẽ về đến nhà, nhưng cho đến ngày 15/10, 9 ngư dân trên vẫn biệt vô âm tín. Giờ đây, người thân gia đình của 9 ngư dân hết sức lo lắng, khắc khoải đợi họ về.

Đau đáu vọng phu Gần một tháng nay, bà Phạm Thị Đợi, vợ thuyền trưởng Mai Phụng Lưu cùng gia đình của các ngư dân trên tàu QNg-66478 TS ở thôn Tây, xã An Hải, huyện Lý Sơn cứ hết đạp xe đạp ra bến cảng Lý Sơn rồi đạp xe về nhà ông Bảy - nơi đặt máy ICOM liên lạc với tàu ghe để nghe ngóng thông tin chồng con. Bà Đợi cho biết, gần một tháng nay, bà hầu như ngày nào cũng thức trắng đêm, mong ngóng tin chồng con cùng các thuyền viên trở về. Tàu có 9 ngư dân nhưng có đến 4 người ruột thịt của bà, đó là hai đứa con trai cả cùng anh con rể tham gia trên tàu. Hai đứa con gái nhỏ của bà Đợi nghe tin ba bị bắt giữ đã phải nghỉ ngang lớp 9 vào TP HCM kiếm tiền phụ mẹ vì không đủ tiền nộp học phí. Nghe tin chồng cùng 8 thuyền viên khác được Trung Quốc thả về, chị Phạm Thị Lành, ở thôn Tây, xã An Hải (là vợ anh Bùi Văn Minh) vui mừng khôn xiết. Trong tối 12/10, chị Lành cùng 3 đứa con nhỏ hồ hởi dắt nhau ra cảng Lý Sơn đón chồng. Thế nhưng, hết ngày 13, 14, rồi ngày 15 không có thông tin về chồng và 8 ngư dân khác. Hoàn cảnh chị Lành cũng giống như nhiều người vợ trẻ khác ở cái thôn Tây nghèo, lại ôm con đau đáu ngóng trông chồng về. Chị Bùi Thị Trang bán khoai lang nướng ở khu chợ Lý Sơn, có chồng là anh Dương Dũng (thuyền viên trên tàu QNg 66478 TS) cũng vậy. Những ngày qua là những ngày chị lênh đênh trên cảm xúc vui mừng, chốc lát lo âu sầu não. Lúc trước chị bán khoai lang nướng ở chợ, nhưng những ngày qua bên quang gánh khoai lang, chị liên tục đi qua đi lại bến cảng ngóng tin chồng. Để rồi tối về, gánh khoai lang vẫn nặng trĩu… Người dân thôn Tây ra cảng Lý Sơn ngóng trông tàu ông Lựu về. Quệt mồ hôi nhễ nhại trên trán, chị Lành ngậm ngùi nói: "Ảnh nói cố gắng đi chuyến này sẽ về mua chiếc xe máy tàng tàng Trung Quốc cho vợ chồng có phương tiện đi lại, chứ từ hồi nhỏ đến giờ ảnh chưa từng sở hữu chiếc xe máy làm của riêng. Vậy mà, không ngờ chuyến đi lần này lại xảy ra nhiều bất trắc thế, không biết bây giờ ảnh ra sao nữa". Bà Võ Thị Tươi có con là Bùi Văn Hải (20 tuổi) cũng đang đi trên tàu QNg 66478 TS mà phía Trung Quốc đã thả. Bà Tươi cho biết, từ hôm nghe tin con bà được phía Trung Quốc thả về, bà mừng hơn bao giờ hết. Thế nhưng, đã gần 3 ngày nay vẫn không thấy tàu cập cảng. Bà Tươi và con dâu bắt đầu lo âu: "Nghe phía Trung Quốc bảo rằng đã cấp đầy đủ nhiên liệu cho tàu trở về lại Lý Sơn, vậy thì chẳng lẽ tàu bị hư máy, sao bây giờ không thấy tàu chở con tui về". Bà Tươi kể lại, vào đêm 12/10, bà Tươi và con dâu Mai Thị Huệ (vợ của thằng Hải) cũng 5 lần 7 lượt chạy xe ra cảng để đón anh Hải nhưng đều vô vọng. Anh Hải mới lập gia đình hồi tháng 7 và hay tin vợ có bầu được 2 tháng. "Biết vợ có bầu là Hải lên thuyền đi biển để lấy tiền về lo sinh nở cho vợ sau này. Ai ngờ 1 năm mà nó bị phía Trung Quốc bắt đến 2 lần, chẳng biết sống chết ra sao. Bây giờ chồng nó chưa về và cũng không biết tính mạng sẽ ra sao nên mỗi khi có người thuê đi trồng tỏi, là con dâu gắng gượng đi làm để sau này mua sữa, mua áo quần cho con cái". Bà Tươi sợ sệt nói: "Nếu không nói đã thả ra còn đỡ lo, đằng này nói thả rồi mà mãi không thấy về, giữa biển trời biết nơi đâu mà lần"… Suốt những ngày qua, bà Phạm Thị Đợi cũng lo âu, khắc khoải đợi chồng con. Nghe tin tối 12/10, chồng con sẽ về, bà như "trên mây", móc cạn túi được 19 ngàn đồng, bà vội chạy ra chợ mua thịt heo về nấu canh và nồi thịt kho cho chồng và con ăn. Nhưng từ khi chồng con không về, nồi cháo xương và nồi thịt kho bà cũng để nguội lạnh trên bếp… Rũ rượi ngồi bên gành đá cảng Lý Sơn vọng ra biển, đó là hình ảnh quá quen với bà Đợi - cái tên bà cũng nói lên thân phận của nhiều phụ nữ có chồng đi biển, luôn phải chờ đợi, vọng phu… 9 ngư dân đang ở đâu? Trước sự việc đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có công văn đề nghị Bộ Ngoại giao Việt Nam can thiệp phía Trung Quốc. Sau hàng loạt động thái ngoại giao kiên quyết của Việt Nam, ngày 9/10, 9 ngư dân bị Trung Quốc bắt giữ trước đó đã được trả tự do vô điều kiện. Phía Trung Quốc thông báo thả 9 ngư dân trên tàu QNg-66478 TS nhưng không bàn giao cho Việt Nam, không cung cấp thông tin về máy liên lạc. Với khoảng cách hải lý quá lớn, trong khi thông tin liên lạc không có nên rất nguy hiểm cho 9 ngư dân được thả. Đáng lo ngại nhất khi dự báo thời tiết cho biết vùng biển Hoàng Sa đang có sóng to gió lớn. Nếu những con thuyền nhỏ thiếu phương tiện liên lạc, nhiên liệu khó đủ sức vượt qua mưa bão để may mắn trở về cùng vợ con đang ngày đêm mỏi mắt trông chờ? Gia đình, Nhà nước và mọi người Việt Nam không ai hay biết giờ này số phận của 9 ngư dân đó ra sao giữa mênh mông biển cả đầy sóng gió. Ông Võ Xuân Huyện, Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn cho biết: "Lâu nay nếu ngư dân được thả về bằng đường bộ hoặc đường hàng không thì mình có người ra đón. Còn nếu ngư dân được thả về bằng đường biển thì khi tàu về đến cảng, ngư dân làm việc với biên phòng rồi tự về nhà". Theo UBND huyện Lý Sơn, liên tục những ngày qua các gia đình người thân thường xuyên liên lạc cùng Biên phòng thông qua máy liên lạc ICOM điện đàm các tàu cá Việt Nam đang hoạt động tại vùng biển Hoàng Sa, nếu tìm thấy tàu cá ông Lưu thì báo ngay cho chính quyền nhưng đến chiều 15-10 vẫn chưa nghe tin tức gì. Cũng theo UBND huyện cho biết, chỉ trong vòng 10 hải lý, các tàu cá ngư dân có thể phát hiện nhưng với bán kính rộng hơn thì rất khó tìm thấy. Hiện tại có 4 máy ICOM trên đảo phát sóng lúc 7h sáng và 7h tối để nắm thông tin tình hình các tàu cá trên biển lúc này. Ngày 15/10, UBND tỉnh Quảng Ngãi sẽ có văn bản gửi Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn nhờ hỗ trợ tìm 9 ngư dân. Chính phủ chỉ đạo: Nỗ lực tìm kiếm ngư dân Chiều 15/10, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành về việc tiếp tục tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn tàu cá QNg 66478TS và 9 ngư dân đang bị mất tích. Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm nhấn mạnh: Trong thời điểm hiện nay, nhiệm vụ quan trọng nhất là tìm kiếm, cứu dân. Các bộ, ngành và địa phương cần huy động mọi lực lượng bao gồm: hải quân, biên phòng, cảnh sát biển, lực lượng cứu hộ cứu nạn, tàu thuyền dân sự tham gia tìm kiếm tàu cá QNg 66478TS cùng các ngư dân. Bộ Ngoại giao tiếp tục yêu cầu phía Trung Quốc phối hợp tìm kiếm và tạo điều kiện cho công việc cứu hộ, cứu nạn của phía Việt Nam. Chiều 15/10, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đã gặp đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc về việc này. Tại cuộc gặp, phía Trung Quốc cho biết, từ chiều 14/10, nước này đã triển khai công tác tìm kiếm bằng tàu tuần tra theo tuyến đường mà tàu cá Việt Nam về nước. Từ chiều 15/10, phía Trung Quốc đã triển khai thêm tìm kiếm bằng máy bay trực thăng và sẽ thông báo cho phía Việt Nam ngay sau khi có kết quả. Ngọc Yến

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/xahoi/2010/10/138511.cand