Món ăn cho người suy nhược cơ thể

Suy nhược cơ thể do tỳ hư hay gặp ở người lao lực; người bị rối loạn tiêu hóa; tiêu chảy mạn tính do viêm đại tràng mạn, đau dạ dày, sau khi ốm nặng...

Suy nhược cơ thể do tỳ hư hay gặp ở người lao lực; người bị rối loạn tiêu hóa; tiêu chảy mạn tính do viêm đại tràng mạn, đau dạ dày, sau khi ốm nặng... Người bệnh có các biểu hiện: chán ăn, ăn kém, chậm tiêu, hay đầy bụng, đại tiện lỏng, người mệt mỏi, sút cân, cơ nhẽo, chất lưỡi nhạt bệu, rêu trắng, mạch nhu hoãn. Phép chữa theo Đông y là kiện tỳ ích khí. Sau đây là một số bài thuốc giúp người bệnh phục hồi sức khỏe.

Bài 1. Tứ quân tử thang: bạch truật 12g, đảng sâm 16g, bạch linh 8g, cam thảo 4g.

Bài 2. Sâm linh bạch truật tán: bạch truật 12g, đảng sâm 16g, bạch linh 8g, cam thảo 4g, hoài sơn 12g, biển đậu 12g, ý dĩ 12g, trần bì 6g, cát cánh 8g, liên nhục 12g, sa nhân 6g. Tán bột, mỗi ngày uống 20g.

Bài 3. Hương sa lục quân tử thang: bạch truật 12g, đảng sâm 16g, bạch linh 8g, cam thảo 4g, bán hạ chế 8g, trần bì 6g, mộc hương 6g, sa nhân 6g. Tán bột uống 20g/ngày hoặc sắc ngày 1 thang.

Đương quy và long nhãn là hai vị thuốc trong bài “Quy tỳ thang” trị suy nhược cơ thể do tỳ hư.

Nếu người bệnh có các triệu chứng: hơi thở ngắn gấp, da xanh, người mệt mỏi, chóng mặt, hoa mắt, hồi hộp, đánh trống ngực, chất lưỡi nhạt, mạch nhu tế; do khí huyết đều hư, thiếu máu thì phép chữa là phải bổ khí huyết. Dùng một trong các bài:

Bài 1. Quy tỳ thang: Đảng sâm 16g hoàng kỳ 12g, đương quy 12g, bạch truật 12g, mộc hương 6g, táo nhân 8g, viễn chí 8g, phục thần 8g, đại táo 12g, long nhãn 12g.

Bài 2. Bổ trung ích khí thang: đảng sâm 16g, hoàng kỳ 12g, đương quy 12g, bạch truật 12g, thăng ma 10g, sài hồ 10g, trần bì 6g, cam thảo 6g. Tán bột, ngày uống 20g; hoặc sắc uống ngày 1 thang.

Bài 3. Bát trân thang: nhân sâm 12g, bạch linh 12g, đương quy 12g, bạch thược 12g, bạch truật 12g, hoàng kỳ 12g, thục địa 12g, xuyên khung 12g, cam thảo 12g, gừng tươi 3 lát, hồng táo 3 quả. Sắc 6 bát còn 2 bát, chia uống 2 lần.

Bài 4. Đương quy bổ huyết thang: đương quy 12g, hoàng kỳ chích 40g. Sắc 5 bát lấy 2 bát. Chia uống làm 2 lần.

Người bệnh nên kết hợp ăn các món sau để tăng hiệu quả điều trị:

Canh trứng gà cà chua: cà chua 250g, trứng gà 2 quả, nấu dạng canh hoặc xào nước. Dùng cho các trường hợp suy nhược cơ thể sau bệnh dài ngày, ăn uống kém.

Cháo táo: táo 1 quả, gạo tẻ 50g. Táo gọt vỏ thái lát, gạo rang chín vàng. Tất cả thêm nước nấu cháo. Dùng cho các trường hợp chán ăn, ăn kém, suy nhược cơ thể sau bệnh nặng dài ngày.

Gà thập cẩm: thịt gà sống 150g, bột mì 200g, hành củ 15g, bột tiêu, gừng, các gia vị khác liều lượng thích hợp. Thịt gà băm trộn cùng với hành tiêu, gừng và các gia vị khác để làm nhân bánh. Bột mì thêm nước nhào trộn, cán thành vỏ bánh. Bánh thập cẩm này được nấu, luộc hoặc hấp chín, làm bữa ăn chính, ăn khi đói, ngày 1 lần trong 5 - 10 ngày. Dùng cho người cao tuổi tỳ vị hư nhược, gầy còm, da khô nhẽo.

Súp thịt thỏ bổ tỳ: thịt thỏ 200g, sơn dược 30g, câu kỷ tử 15g, đảng sâm 15g, hoàng kỳ 15g, đại táo 30g nấu dạng súp ăn. Kiện tỳ, bổ khí huyết. Dùng cho các trường hợp suy nhược cơ thể.

Canh “Xương ngư nhị bạch”: cá chim 250g, bạch truật 15g, bạch thược 15g, nấu dạng canh, bỏ bã thuốc, thêm gia vị thích hợp. Dùng cho các trường hợp rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy do tỳ vị hư nhược, thiếu máu do huyết hư thiểu dưỡng.

Lương y Thảo Nguyên

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/mon-an-cho-nguoi-suy-nhuoc-co-the-n89353.html