Moldova-Ukraine hợp lực đuổi quân Nga khỏi Pridnestrovie?

Truyền thông Ukraine cho biết, 2 nước Moldova, Ukraine đã lên kế hoạch tìm cách quét sạch quân đội Nga ra khỏi Pridnestrovie.

Moldova-Ukraine muốn quân Nga rút khỏi Pridnestrovie

Kênh truyền hình “112 Ukraine” đưa tin, 2 nước Moldova và Ukraine dự định xây dựng một kế hoạch chung về việc rút quân đội Nga và vũ khí khỏi vùng lãnh thổ ly khai Pridnestrovie (hay còn gọi là Transnistria) - dải đất hẹp chạy dài, nằm giữa Moldova và vùng Odessa của Ukraine.

Theo nguồn tin, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Stepan Poltorak và người đồng nhiệm Moldova là ông Anatol Salaru đã đồng thuận về mặt ý tưởng. Theo đó, cả hai bên đã bày tỏ mong muốn là nhiệm vụ này sẽ diễn ra dưới sự bảo trợ của OSCE và Liên Hiệp Quốc.

Kênh truyền hình “112 Ukraine” cho biết thêm, ý tưởng này dự kiến sẽ được triển khai trên thực tế vào cuối năm nay. Đặc biệt, kế hoạch xem xét việc thành lập cái gọi là “hành lang xanh” trên lãnh thổ Ukraine, nằm sát địa giới phía đông của Pridnestrovie.

Trong thời gian qua, Moldova đã bày tỏ sự lo ngại trước tuyên bố của Pridnestrovie về “sự khởi đầu thống nhất với Nga”. Họ gọi nghị định của người đứng đầu Pridnestrovie là ông Yevgeny Shevchuk về việc sáp nhập vào Nga hồi đầu tháng 9 là “không hợp pháp”.

Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Moldova Anatoly Salaru cũng đã đệ trình yêu cầu với Khối đồng minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), đề nghị NATO hỗ trợ họ trong việc đòi rút quân Nga ra khỏi lãnh thổ Cộng hòa Pridnestrovie Moldova xưng (PMR).

Ông Salaru lưu ý rằng, mặc dù hiến pháp Moldova quy định họ là nước trung lập nhưng điều này “không có nghĩa là không có những đối đầu trên cơ sở phi quân sự”, việc quân đội Nga được triển khai ở Pridnestrovie là nguyên nhân quan ngại thường xuyên đối với nước này.

Ukraine, Moldova và NATO đang tìm cách “đuổi” Quân đội Nga khỏi Pridnestrovie

Moldova kêu gọi NATO ủng hộ sáng kiến của mình về việc chuyển sứ mệnh gìn giữ hòa bình quân sự ở Pridnestrovie - hiện đang do Ủy ban quân sự 3 bên, gồm Nga, Moldova và Pridnestrovie, cùng nước quan sát viên là Ukraine đảm trách - thành sứ mệnh dân sự đa quốc gia.

Vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Moldova giải thích rằng, nước này muốn Liên bang Nga phải rút toàn bộ binh lính và vũ khí ra khỏi lãnh thổ Moldova, ở khu vực Cộng hòa Pridnestrovie Moldova tự xưng (PMR) (đòi độc lập và sáp nhập vào Nga trong thập niên 90 của thế kỷ trước).

Xung đột quân sự giữa Moldova và nhà nước ly khai này bắt đầu từ tháng 3 năm 1992 và chấm dứt bằng một thỏa thuận ngừng bắn vào tháng /1992, với sự giám sát của một cơ quan quân sự quốc tế là Ủy ban Kiểm soát Liên hiệp ba bên Nga, Moldova, Transnistria.

Hòa bình trong khu vực xung đột được duy trì nhờ sự hỗ trợ của lực lượng bao gồm 402 quân nhân Nga (cùng lực lượng bảo đảm, tổng cộng khoảng 1400 người), 492 quân nhân Transnistria, 355 quân nhân của Moldova và 10 quan sát viên quân sự từ Ukraine.

Lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế được triển khai tại 15 đồn cố định và trạm kiểm soát, bố trí tại các địa bàn then chốt trong vùng, chịu trách nhiệm giám sát các thỏa thuận an ninh trong khu phi quân sự, bao gồm 20 địa phương ở cả hai bên bờ sông. Trong đó, vai trò quan trọng nhất thuộc về Nga.

Từ đó đến nay, vùng lãnh thổ ly khai Pridnestrovie liên tục đòi sáp nhập vào Nga, nhưng vì những lí do riêng, Moscow đã không tiếp nhận yêu cầu này và tiếp tục dùng lực lượng gìn giữ hòa bình để giữ vững trạng thái “độc lập không chính thức” của họ.

Nga có ảnh hưởng khá lớn đối trong đời sống xã hội Moldova, cũng như Pridnestrovie

Vì sao Moldova muốn “đuổi” quân Nga khỏi Pridnestrovie?

Từ trước đến nay, đã không ít lần Moldova đề nghị rút quân Nga ra khỏi khu vực ly khai Pridnestrovie nhưng không được. Sự việc Moldova và Ukraine hợp lực xin sự giúp đỡ của NATO xuất phát từ tâm nguyện của cả 2 nước. Điều này do những nguyên nhân sau:

Thứ nhất là: Nga và Putin có ảnh hưởng lớn trong xã hội Moldova

Moldova vẫn có bộ phận khá lớn người gốc Nga, số lượng người nói tiếng Nga cũng chiếm tỷ lệ khá đông, do đó lực lượng thân Nga cũng tương đối mạnh, có ảnh hưởng chi phối lớn đến các đường lối lãnh đạo đất nước và các chính sách kinh tế xã hội của Moldova.

Đa số dân chúng nước này coi Tổng thống Nga Vladimir Putin là đáng tin tưởng nhất trong các chính trị gia nước ngoài, mức độ uy tín của nhà lãnh đạo Nga còn hơn gấp đôi so với Tổng thống Romania Klaus Johannis, bất chấp việc có một bộ phận dân chúng nước này đòi tái nhập với Romania.

Cũng cần lưu ý rằng, so với nghiên cứu trước đó, đánh giá uy tín của tất cả các chính trị gia nước ngoài giảm đáng kể, trừ ông Putin. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, sự tin tưởng mà người dân nước này giành cho nhà lãnh đạo Nga còn lớn hơn các nguyên thủ của họ.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/moldova-ukraine-hop-luc-duoi-quan-nga-khoi-pridnestrovie-3322556/