Môi trường ô nhiễm, Hà Nội và TP.HCM dẫn đầu về số ca mắc ung thư

Số bệnh nhân mắc ung thư hầu hết các loại đang gia tăng nhanh chóng tại Việt Nam. Điều đáng nói là có nguyên nhân rất lớn từ việc ăn uống không lành mạnh, ăn thực phẩm chứa nhiều hóa chất độc hại.

90% ung thư phát sinh từ thói quen có hại

Phát biểu trong hội thảo quốc gia về phòng chống ung thư do Hội Ung thư Việt Nam và Bệnh viện K Trung ương tổ chức ngày 6/10 tại Hà Nội, GS-TS Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, cho biết: tế bào ung thư có thể phát sinh từ rối loạn bên trong cơ thể như rối loạn nội tiết và yếu tố di truyền (dưới 10%). Còn lại phần lớn phát sinh do các thói quen không có lợi cho sức khỏe.

Ở nam giới, do lối sống “ăn nhậu”, sử dụng bia rượu, thuốc lá thường xuyên, ung thư phổi, dạ dày, gan, đại trực tràng, chiếm hơn một nửa (42.000 ca) số bệnh nhân nam mắc 15 loại ung thư mỗi năm. Ung thư phổi ở đàn ông Việt tương đương với Trung Quốc, Hàn Quốc, xếp ở top đầu, trong khi Mỹ đứng vị trí thứ 10.

Trong khi đó, ở nữ giới, phổ biến là ung thư vú, dạ dày, phổi, với tổng số hơn 30.000 ca mắc, chiếm hơn một nửa số bệnh nhân nữ mắc 13 loại ung thư mỗi năm. Phụ nữ có tỷ lệ mắc ung thư phổi cao là do hiện tượng hút thuốc lá thụ động - không hút, nhưng thường xuyên ngửi phải khói thuốc - thường xuyên. Theo PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc bệnh viện K (Hà Nội), 85% bệnh nhân ung thư phổi đều có liên quan đến thuốc lá.

Thực phẩm bẩn góp phần gây ung thư

Bên cạnh đó, tất cả đều có khả năng mắc ung thư và tỷ lệ tử vong cao là do môi trường ô nhiễm, từ cái ăn đến nơi sống. Cụ thể, chất bảo vệ thực vật, hóa chất công nghiệp, chất bảo quản, chất nhuộm màu thực phẩm hóa học, các chất sinh ra từ thực phẩm bị mốc, lên men… là hàng loạt các yếu tố gây ung thư vú, ung thư đường ruột (dạ dày, gan, đại tràng) và nhiều loại ung thư khác.

Tại hội thảo, GS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư VN nhấn mạnh, thói quen ăn uống không đúng lâu ngày tích tụ gây ung thư. Ung thư dạ dày có thể do ăn mặn lâu ngày. thói quen ăn đồ chiên nướng cháy khét, ăn nhiều đồ ăn nhanh như xúc xích, thịt heo muối… đều là nguyên nhân gây bệnh. Theo GS, nên duy trì chế độ ăn lành (ăn nhiều chất xơ, uống nước suối, không uống nước ngọt …). GS khuyến cáo nhiều căn bệnh ung thư đang “trẻ hóa”, do đó người dân cần chủ động trong việc kiểm tra sức khỏe định kỳ để phòng chống và chữa trị kịp thời.

Trước đó, nói về vấn đề này, GS-TS Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam từng cho rằng thực phẩm bẩn là "quốc nạn của Việt Nam”. “Cứ 10 người bị ung thư, có đến 4 người do sử dụng thực phẩm bẩn. Những thực phẩm này có chứa các chất độc hại gây ra sự đột biến tế bào ở cơ thể con người”, GS-TS trăn trở.

Thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc vẫn được tiêu thụ

GS.TS cũng cho biết, cách nhận biết thực phẩm có chứa chất cấm hay không là điều rất khó, bởi “ngay cả các nhà khoa học phải đưa vào phòng thí nghiệm, định lượng mới biết được thực phẩm nào chứa hóa chất, số lượng là bao nhiêu… Nếu chỉ dựa vào mắt thường và kinh nghiệm hoàn toàn là không thể. Nếu không có sự mạnh tay của các cơ quan chức năng để giải quyết triệt để vấn đề thực phẩm bẩn, không biết dân tộc chúng ta sẽ đi về đâu, sức khỏe người Việt Nam sẽ ra sao!” Do vậy, khó lòng đòi hỏi người tiêu dùng “thông minh” như khẩu hiệu bấy lâu.

Với nguyên nhân như vậy, không ngạc nhiên khi PGS-TS Trần Văn Thuấn cho biết những địa phương có nhiều bệnh nhân ung thư nhất lại tập trung ở các thành phố, các trung tâm công nghiệp ô nhiễm như Hà Nội, TP.HCM, Thái Nguyên, Hải Phòng, Huế, Cần Thơ. Có đến 70% bệnh nhân phát hiện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, gây khó khăn cho việc điều trị. “Tỷ lệ chữa khỏi ung thư ở các nước phát triển là 80%. Trong nước, tỷ lệ này ở nam giới chỉ là 33% và nữ giới là 40%”, PGS-TS cho biết.

Mới đây, một số vụ việc liên quan đến vấn đề thực phẩm bẩn đã khiến người dân không khỏi xôn xao. Ngày 5/10, VTV24 đã phát sóng một đoạn phóng sự ghi nhận thịt bò giả được bày bán tràn lan, lừa đảo người tiêu dùng ở nhiều gian hàng tại một số khu chợ thuộc Cổ Nhuế, chợ đầu mối Minh Khai, chợ Gạch (Phúc Thọ). Đáng chú ý là, loại thịt này được làm từ thịt lợn ngâm tẩm một số loại hóa chất không rõ nguồn gốc để tạo màu đỏ và mùi hôi đặc trưng của bò.

Cách đây vài ngày người dân Hà Nội cũng hoảng hốt khi biết tin một số người mang thùng xốp đến Hồ Tây đựng cá chết đem về, không rõ để làm gì. Một số người giải thích họ mang về để làm phân bón, song “bón” được bao nhiêu mà cần nhiều cá chết không rõ nguyên nhân đến vậy? Với niềm tin đã quá lung lay, người dân chỉ còn biết bảo nhau ăn được bao nhiêu “quà quê” thì tốt bấy nhiêu, khi mà nguy cơ ung thư do ăn thực phẩm bẩn đang ngày càng tăng cao.

Theo công bố tại hội thảo, tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư ở Việt Nam thuộc top 2 trong bản đồ ung thư thế giới, cụ thể, đứng thứ 78 trong 172 quốc gia và vùng lãnh thổ khảo sát với tỷ lệ tử vong 110/100.000 người, ngang Phần Lan, Somalia, Turmenistan. Mỗi năm, nước ta phát hiện mới khoảng 160.000 người mắc bệnh ung thư và khoảng 115.000 người tử vong do căn bệnh này.

Trong khi đó, toàn cầu hiện có khoảng 23 triệu người đang sống chung với căn bệnh này, với mỗi năm có hơn 14 triệu người mắc mới và 8,2 triệu người tử vong. Tại Việt Nam, số trường hợp mắc mới ung thư tăng nhanh từ 68.000 ca năm 2000 lên 126.000 năm 2010 và dự kiến sẽ vượt qua 190.000 ca vào 2020. Mỗi năm có hơn 70.000 người chết vì ung thư, tương ứng 205 người/ngày.

Lan Phương

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/doi-song-suc-khoe/moi-truong-o-nhiem-ha-noi-va-tphcm-dan-dau-ve-so-ca-mac-ung-thu