Môi trường Hà Nội: Ô nhiễm toàn diện

(VnMedia) - Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố đang có xu hướng gia tăng và ngày càng trở nên nghiêm trọng, nhất là đối với chất thải rắn, nước thải và không khí. Điều này đang gây bức xúc, ảnh hưởng xấu tới đời sống sinh hoạt của nhân dân tại nhiều khu vực...

Chất thải rắn: bức xúc Theo thống kê chưa đầy đủ, chất thải rắn công nghiệp ở Hà Nội mỗi ngày có khoảng 750 tấn, trong đó mới thu gom 85-90% và xử lý được khoảng 60% lượng thu gom này. Công tác xử lý, tiêu hủy, tái chế chủ yếu dựa vào chôn lấp hợp vệ sinh tại một số bãi rác. Trong khi đó, phế thải xây dựng (trên 1000 tấn/ngày) chưa được thu gom triệt để. Tại các khu vực nông thôn, do chưa có quy hoạch các bãi chôn lấp chất thải rắn nên đã hình thành các bãi rác tự phát với quy mô diện tích từ vài chục đến vài trăm m2. Các bãi rác này phần lớn tận dụng vùng đất trũng, ao, hồ và không được phân loại chất thải, không lót đáy, không có hệ thống thu gom nước rỉ rác… gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Hiện tại, chất thải rắn y tế nguy hại của một số bệnh viện đã được thu gom và xử lý tập trung tại lò đốt chất thải y tế Cầu Diễn, phần tro xỉ được đóng rắn và chôn lấp. Tuy nhiên, vẫn còn một số bệnh viện, một ở quận Hà Đông và 13 bệnh viện tuyến huyện) có lò đốt nhưng hoạt động cầm chừng. Trong khi đó, các bãi chôn lấp chất thải rắn hiện đã sắp đầy gây nên tình trạng thiếu bãi chôn lấp. Đây thực sự là một khó khăn rất lớn của Thành phố. Môi trường nước mặt: ô nhiễm nặng Hiện nay, tổng khối lượng nước thải công nghiệp trên địa bàn thành phố khoảng từ 100.000 đến 120.000m3/ngày đêm. Lượng nước thải của các cơ sở công nghiệp cũ nằm phân tán mới được xử lý 20-30%, chỉ có 3 khu công nghiệp tập trung mới (KCN Bắc Thăng Long, Phú Nghĩa và Quang Minh 1), 2 cụm công nghiệp (Ngọc Hồi và Phùng Xá) có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Còn lại phần lớn các cơ sở sản xuất đều không có trạm xử lý nước thải. Ô nhiễm nước mặt ngày càng trở nên nghiêm trọng do lượng nước chưa được xử lý của các cơ sở sản xuất xả thẳng ra môi trường Trong khi đó, quá trình kiểm tra cho thấy tổng lượng nước thải sinh hoạt khu vực nội thành, nội thị khoảng 700.000m3/ngày đêm nhưng chỉ chưa đến 7% trong số này được xử lý. Số còn lại được xả thẳng ra mương, ao, hồ, sông. Chính vì các lý do trên, kết quả quan trắc tại 13 hồ của Hà Nội cho thấy, hầu hết các chỉ số cũng đều vượt TCCP nhiều lần, đặc biệt là các hồ Thủ Lệ, Hoàn Kiếm, Trúc Bạch, Ba Mẫu và Thành Công bị ô nhiễm nặng vào mùa khô. 4 con sông thoát nước chính của TP cũng đang bị ô nhiễm nặng bởi các chất hữu cơ, vô cơ, các hợp chất nitơ, vi sinh vật, chất rắn lơ lửng, dầu mỡ. Một số vị trí phát hiện kim loại nặng vượt TCCP, nước có màu đen, mùi hôi thối, đặc biệt là vào mùa khô. Không khí: ô nhiễm tiếp tục gia tăng Theo số liệu quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội thì hiện tại, không khí ở hầu hết các khu vực dân cư do hoạt động giao thông trong vùng nội đô đều bị ô nhiễm. Đặc biệt, các khu vực như Trung tâm Hội nghị quốc gia, đường Xuân Thủy, đường Khuất Duy Tiến,… ô nhiễm bụi đang ở mức cao nhất Hà Nội và xu hướng ngày càng gia tăng. Các khu vực ngã tư có mật độ xe cộ lưu thông cao, độ ồn cũng vượt tiêu chuẩn cho phép (TCCP). Kết quả quan trắc bụi giao thông năm 2008 cho thấy, có tới 85% số điểm đo vượt tiêu chuẩn cho phép, cao hơn 2 lần so với năm 2007. Còn kết quả quan trắc 6 tháng đầu năm 2009 cho thấy tại 250 điểm đo kiểm thì có 180 điểm có hàm lượng bụi lơ lửng vượt TCCP. Tại các khu vực Khuất Duy Tiến, Lê Văn Lương, Kim Giang, Khương Đình, nồng độ bụi cao gấp từ 3,8 đến 6,3 lần so với TCCP; đường Nguyễn Trãi có vị trí vượt TCCP đến 11 lần, đường Nguyễn Văn Linh vượt 10,8 lần; ngã ba Tam Trinh – Lĩnh Nam vượt 5,2 lần, đường Phạm Văn Đồng vượt 3,6 lần… Về độ ồn, kết quả quan trắc cho thấy có 27/34 vị trí có độ ồn vượt TCCP. Tại hai ngã tư: bến xe buýt Long Biên, chân cầu vượt Phạm Văn Đồng và Ngã tư Ngô Gia Tự - Đức Gaing, độ ồn vượt 1,18 lần TCCP. Các ngã tư còn lại độ ồn vượt từ 1,05 – 1,15 lần TCCP. Về nồng độ bụi mịn PM10, có 23/24 ngã tư có nồng độ trung bình vượt TCCP do lưu lượng và mật độ xe cộ qua lại quá lớn. Phương tiện tham gia giao thông tại các ngã tư này chủ yếu là xe ô tô khách, ô tô chở vật liệu xây dựng và ô tô tải. Các chỉ tiêu về CO, SO2, NO2, C6H6… cũng đều vượt TCCP tại hầu hết các điểm đo kiểm, trong đó 32/34 ngã tư có nồng độ C6H6 vượt TCCP, có nơi vượt tới 3 lần. Trong khi đó, bụi kim loại tại các ngã tư có nhưng nồng độ nhỏ do hạn chế được việc sử dụng nhiên liệu xăng pha Pb. Đề án “cứu” môi trường Hà Nội Trước tình trạng ô nhiễm môi trường Hà Nội đang có xu thế gia tăng và ngày càng trở nên nghiêm trọng, nhất là đối với chất thải rắn, nước thải và không khí, gây bức xúc, ngày 14/7, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã trình UBND TP đề án “Nhiệm vụ và giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường bức xúc trên địa bàn Hà Nội đến năm 2010”. Trọng tâm của đề án là chọn 3 vấn đề môi trường bức xúc nhất ở TP hiện nay là ô nhiễm môi trường do chất thải rắn, ô nhiễm nước mặt và ônhiễm không khí do bụi xây dựng và khí thải của các phương tiện giao thông để tập trung khắc phục từ nay đến năm 2010. Qua buổi thảo luận tổ chiều qua và tiếp tục thảo luận trong ngày hôm nay (15/7), chiều nay HĐND Thành phố Hà Nôi sẽ quyết nghị đề án này. Tuệ Khanh

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/newsdetail.asp?catid=23&newsid=169402