Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa và văn học, nghệ thuật trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Sáng 9/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội thảo Quốc gia với chủ đề: “Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa và văn học, nghệ thuật trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa” đã khai mạc. Hội thảo do Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức, nhằm góp phần tích cực triển khai Nghị quyết Đại hội XI của Đảng vào cuộc sống.

Đồng chí Nguyễn Hồng Vinh phát biểu khai mạc Hội thảo

(ĐCSVN) - Sáng 9/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội thảo Quốc gia với chủ đề: “Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa và văn học, nghệ thuật trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa” đã khai mạc. Hội thảo do Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức, nhằm góp phần tích cực triển khai Nghị quyết Đại hội XI của Đảng vào cuộc sống.

Tham dự Hội thảo có các đồng chí: nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; GS. Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Bình Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam; Hồ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch... cùng đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương; các nhà khoa học, lãnh đạo các cơ quan chuyên ngành văn học, nghệ thuật Trung ương và địa phương.

Sau một thời gian chuẩn bị, Hội thảo đã nhận được 64 tham luận thuộc tất cả các chuyên ngành văn học, nghệ thuật từ các chuyên gia, nhà quản lý đang hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa – văn học, nghệ thuật trên cả nước. Các tham luận đều tập trung phân tích, chỉ rõ thực trạng tình hình văn hóa – văn học, nghệ thuật ở nước ta hiện nay; kiến nghị với Đảng và Nhà nước những giải pháp mang tính vĩ mô, đặc biệt là các giải pháp có tính đột phá, góp sức tạo ra bước chuyển căn bản về chất trong quá trình xây dựng văn hóa - nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương khẳng định: Qua thực tiễn 25 năm đổi mới đất nước, chúng ta càng nhận thức sâu sắc rằng, văn học, nghệ thuật là bộ phận tinh túy nhất của văn hóa, có khả năng tác động hàng ngày, hàng giờ vào tư tưởng, tình cảm, đạo đức lối sống đối với từng con người, từng cộng đồng; là tác nhân hàng đầu giữ chức năng nhân văn hóa con người, nhân đạo hóa xã hội. Chính vì thế văn hóa – văn học, nghệ thuật là nhân tố đảm bảo cho xã hội phát triển bền vững...

Lãnh đạo Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đồng chủ trì hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu cùng thảo luận, phân tích tìm lời giải đáp cho các câu hỏi lớn: Vì sao các Chỉ thị, Nghị quyết về văn hóa – văn học, nghệ thuật đã nêu khá đầy đủ, toàn diện về vai trò, nhiệm vụ của văn hóa – văn học, nghệ thuật, trong khi thực tiễn lại đang nảy sinh nhiều vấn đề bức xúc trong lĩnh vực đời sống văn hóa, tinh thần? Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng đó? Đảng, Nhà nước và các tổ chức xã hội… cần có giải pháp cấp bách, cụ thể nào để thực hiện mục tiêu văn hóa – văn học, nghệ thuật là nền tảng tinh thần, đảm bảo cho sự phát triển xã hội bền vững? Trách nhiệm của mỗi người, trong đó đặc biệt là trách nhiệm của những văn nghệ sĩ – công dân – chiến sĩ, đang nắm trong tay công cụ có thể lay động trái tim con người, giúp họ hướng thiện, góp phần xây đắp, hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa? Làm gì để văn học nghệ thuật gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành sức mạnh nội sinh quan trọng của sự phát triển – như Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã chỉ ra?…

Góp phần trả lời các câu hỏi trên, các đại biểu đã tập trung thảo luận và làm sáng rõ 4 vấn đề cơ bản: Về lý luận, làm rõ mối quan hệ biện chứng giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa – văn học, nghệ thuật; xác định rõ vị trí, vai trò của từng lĩnh vực và quan hệ giữa chúng với nhau; xác định những yêu cầu mới đặt ra từ thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; trên cơ sở đó đề xuất những luận cứ khoa học cho việc hoạch định chủ trương, chính sách, hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện và bền vững.

N guyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trao đổi với các đại biểu tham dự Hội thảo

Về mặt thực tiễn, đánh giá đúng thực trạng, giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật từ khi thực hiện chiến lược phát triển ở từng lĩnh vực cụ thể; chỉ ra những hạn chế, bất cập trong lĩnh vực quản lý, điều hành và chỉ đạo thực tiễn; phân tích rõ nguyên nhân dẫn đến thành tựu và hạn chế; tập trung làm rõ những điểm không tương thích giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa – văn học, nghệ thuật ở nước ta hiện nay.

Trên cơ sở đánh giá và phân tích thực trạng, kết hợp vận dụng những kinh nghiệm tốt của thế giới, các đại biểu tham dự Hội thảo sẽ tập trung đề xuất các kiến nghị, giải pháp cụ thể, thiết thực cho từng lĩnh vực; tham mưu, tư vấn cho Đảng và Nhà nước hoàn thiện chủ trương, chính sách để giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa.

Ban tổ chức mong muốn, những kết quả từ Hội thảo sẽ góp phần tạo sức chuyển biến tích cực trong nhận thức tư tưởng và chỉ đạo thực tiễn, trong quản lý kinh tế và văn hóa – văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=495205&co_id=30106