Mối nguy môi trường vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Đây là vùng có mức đóng góp lớn cho kinh tế cả nước nhưng những hệ lụy từ sản xuất công nghiệp trong vùng tác động đến môi trường sống đang dần bộc lộ.

Xử lý nước thải tại một khu công nghiệp ở Đồng Nai. Ảnh: VĂN NAM

Hình thành vào năm 1998 với bốn thành viên là Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương và TPHCM, đến nay, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nâng số thành viên lên tám tỉnh, thành bằng việc “kết nạp” thêm Tây Ninh, Bình Phước, Long An và Tiền Giang.

Là một địa phương thành viên trong vùng, hiện tỉnh Bình Dương thu hút được gần 2.830 dự án vốn đầu tư nước ngoài và 25.350 dự án vốn đầu tư trong nước. Tại hội thảo bàn về cơ chế, chính sách phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam diễn ra tại TPHCM mới đây, ông Phạm Danh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương, cho rằng bên cạnh lợi ích kinh tế, số cơ sở sản xuất nói trên cũng tiềm ẩn mối nguy ô nhiễm nguồn nước, không khí, đất và các hệ lụy khác đến môi trường.

Để đảm bảo hài hòa lợi ích và phát triển kinh tế cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, ông Phạm Danh đề nghị các địa phương cần chủ động hơn trong việc bảo vệ môi trường liên quan đến những công trình, dự án giáp ranh. “Hy vọng sự phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường của từng địa phương và toàn vùng thời gian tới sẽ chuyển biến rõ rệt thông qua các hành động cụ thể hơn”, ông Danh nói.

Là dòng sông cung cấp nước sinh hoạt cho hàng chục triệu dân trong vùng nhưng thực trạng đáng báo động là quá trình ô nhiễm sông Đồng Nai đang có chiều hướng gia tăng bởi hoạt động xả nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt từ các cơ sở sản xuất và khu dân cư. Số liệu quan trắc gần đây cho thấy nồng độ DO trong nước sông Đồng Nai giảm dần từ thượng lưu đến hạ lưu, hàm lượng các chất ô nhiễm N-NH3 và COD tăng từ thượng lưu đến hạ lưu (những thông số này cho thấy ô nhiễm tăng dần từ thượng lưu xuống hạ lưu). Hệ lụy trên bắt nguồn từ việc hàng ngày sông Đồng Nai tiếp nhận khoảng 1,73 triệu mét khối nước thải sinh hoạt từ các khu vực dân cư và 1,54 triệu mét khối nước thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp.

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cần sớm tính đến các chính sách “công nghiệp xanh” phù hợp với đặc điểm tài nguyên môi trường của vùng, trong đó có khả năng tính đến thí điểm cơ chế áp dụng hạn ngạch (quota) để kiểm soát lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ các cơ sở sản xuất.

Từ những số liệu trên, có thể thấy cuộc sống của hơn 20 triệu dân trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang bị đe dọa và nếu không có hướng ngăn chặn kịp thời thì chắc chắn thu nhận từ hoạt động kinh tế sẽ không thể nào bù đắp được chi phí phải trả cho việc cải thiện môi trường, phục hồi chất lượng nước sông Đồng Nai, theo nội dung tham luận đưa ra tại hội thảo của chính quyền tỉnh Bình Dương.

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hiện đang là vùng công nghiệp trọng yếu lớn nhất nước với nhiều khu công nghiệp tập trung với nhiều ngành sản xuất như khai thác và chế biến dầu khí, luyện cán thép, năng lượng điện, hóa chất cơ bản, phân bón, vật liệu... và nhiều ngành nghề công nghiệp khác. Nhiều vụ doanh nghiệp sản xuất xả thải gây ô nhiễm cho nguồn nước các nhánh sông Thị Vải, Sài Gòn, La Ngà, Sông Bé và hạ lưu sông Đồng Nai được phanh phui thời gian gần đây cho thấy nếu các địa phương trong vùng cứ mãi bàn về giải pháp phát triển kinh tế mà chưa chú trọng đến các giải pháp phối hợp chặt chẽ để kiểm soát môi trường mang tính toàn vùng, từ khâu lập quy hoạch, thẩm định, cấp phép và giám sát các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm cao thì mối nguy tác động xấu đến môi trường nước, không khí sẽ còn cao hơn.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Phúc, Hiệu trưởng trường Đại học Mở TPHCM, trong bài phát biểu tại hội thảo nói trên, nhận định: hiện nay ô nhiễm môi trường cấp vùng ngày càng nghiêm trọng về nguồn nước, không khí và đặc biệt là tình trạng ngập lụt đô thị xuất hiện ngày càng nặng không chỉ TPHCM mà còn ở Thủ Dầu Một (Bình Dương) hay Biên Hòa (Đồng Nai).

Ông Phúc nhắc lại Quyết định 44/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ năm 1998 về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam từng đề cập đến việc xây dựng hệ thống cấp thoát nước cho các đô thị lớn. Hay Quyết định 146/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng nêu “nâng cấp các công trình cấp thoát nước, từng bước phát triển hệ thống cấp nước theo quy hoạch vùng theo hướng hiện đại, ngang tầm về công nghệ và tổ chức quản lý các đô thị văn minh, tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Cải tạo hệ thống thoát nước, xử lý nước thải, giải quyết dứt điểm tình trạng ngập úng tại các đô thị, đặc biệt là ở TPHCM”.

“Tuy nhiên, kết quả chúng ta thấy là tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nặng hơn và tình trạng ngập nước ngày càng trầm trọng”, ông Phúc nhận xét và đưa ra một số nguyên nhân. Đó là do cơ quan điều phối phát triển vùng (hội đồng vùng) chưa đủ mạnh, quyền hạn - trách nhiệm chưa rõ ràng; các quyết định quy hoạch phát triển vùng dù đúng đắn về định hướng phát triển nhưng chưa phân công ai sẽ chịu trách nhiệm chủ trì và triển khai; quy hoạch phát triển của vùng không gắn liền với kế hoạch ngân sách; nguồn lực bố trí phát triển vùng không đủ; thiếu cơ chế tài chính cấp vùng để huy động vốn, một số mục tiêu thiếu khả thi.

Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 252/2014/QĐ-TTg về quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030. Để quy hoạch mới này khả thi hơn, ông Phúc nêu một số đề xuất: quy hoạch phát triển vùng phải gắn liền với kế hoạch ngân sách để đảm bảo tính khả thi; quy hoạch phát triển vùng cần bổ sung các dự án về bảo vệ môi trường, dự án chống ngập ở đô thị lớn (Quyết định 252 năm 2014 không đề cập các dự án chống ngập).

Cần nhắc lại, một trong những quan điểm phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam được nêu tại Quyết định 252/2014 chính là: “Phát triển bền vững, hài hòa giữa các mục tiêu phát triển kinh tế, phát triển xã hội và cải thiện môi trường sinh thái với việc bảo vệ và phát triển rừng; phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường đô thị, nguồn nước và không khí”.

Theo các chuyên gia môi trường, kiểm soát và bảo vệ tài nguyên môi trường là nhân tố quan trọng cho sự phát triển bền vững của toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong thời gian tới. Theo đó, chính sách kích thích đầu tư vào các ngành công nghệ cao cần đi đôi với kiểm soát, ngăn chặn luồng đầu tư dự án công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường.

Một số chuyên gia còn đề xuất vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cần sớm tính đến các chính sách “công nghiệp xanh” phù hợp với đặc điểm tài nguyên môi trường của vùng, trong đó có khả năng tính đến việc đề nghị Trung ương cho thực hiện thí điểm cơ chế áp dụng hạn ngạch (quota) để kiểm soát lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ các cơ sở sản xuất.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/155685/moi-nguy-moi-truong-vung-kinh-te-trong-diem-phia-nam.html/