Mỗi người cần biết chỉ số huyết áp như biết tuổi của mình

Hiện nay, tại Việt Nam các bệnh lý về tim mạch có xu hướng gia tăng, tính trung bình cứ 4 người lớn thì có ít nhất 1-2 người đã mang nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Đây là bệnh gây tử vong, tàn phế cao hàng đầu nhưng có thể dự phòng, tuy nhiên nhiều người còn lơ là, chủ quan với bệnh của chính mình.

Đó là thông tin được GS Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam chia sẻ tại Đại hội Tim mạch Toàn quốc lần thứ 15 diễn ra mới đây.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, ước tính hàng năm có đến 17,5 triệu người tử vong do các bệnh liên quan đến tim mạch và số bệnh nhân tích lũy ngày một nhiều. Tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch ở các nước phát triển đã được ngăn chặn với xu hướng giảm từ vài thập kỷ qua (mặc dù vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất do tỷ lệ chung của bệnh còn lớn). Thế nhưng ngược lại, ở Việt Nam tỷ lệ tử vong do bệnh lý tim mạch lại ngày một gia tăng.

GS. Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam: Tỉ lệ mắc bệnh lý tim mạch ngày càng gia tăng. Ảnh: V.H

GS Nguyễn Lân Việt cho biết, các bệnh lý tim mạch có xu hướng tăng lên rõ rệt trong cộng đồng. Ví dụ với bệnh tăng huyết áp, một dạng bệnh lý tim mạch phổ biến nhất hiện nay, năm 2000 tại Việt Nam mới chỉ có khoảng 16% người lớn bị. Đến năm 2009 tỉ lệ này tăng lên hơn 25%. Hiện nay ở mức báo động với 46%. “Bất kể ai trong số chúng ta cũng có thể có nguy cơ bị bệnh tim mạch. Hiện cứ 4 người lớn ở Việt nam, có ít nhất 1-2 người đã mang nguy cơ mắc bệnh tim mạch”.

Sở dĩ tỉ lệ 46% người mắc bệnh huyết áp là đáng báo động bởi đây là một dạng bệnh lý tim mạch phổ biến. Trong khi đó, bệnh lý tim mạch đã và đang là một gánh nặng cho xã hội với tỷ lệ tử vong và tàn phế cao hàng đầu. Thêm nữa, chi phí cho chăm sóc, điều trị bệnh tim mạch cũng là gánh nặng đáng kể với hàng trăm tỷ USD mỗi năm.

Đây là bệnh nguy hiểm, chi phí điều trị cao nhưng có thể dự phòng, giảm nhẹ những hậu quả do bệnh gây ra nếu được phòng ngừa tích cực. Thế nhưng tại cộng đồng, kiến thức về các bệnh lý tim mạch còn mỏng, ngay chính bản thân người bệnh cũng còn lơ là, chủ quan.

“Bệnh tim mạch có thể chủ động phòng ngừa tích cực được. Bài học của các nước đã phát triển cho thấy, chúng ta hoàn toàn có thể chủ động ngăn ngừa tích cực bệnh tim mạch bằng cách tác động tới các yếu tố nguy cơ cũng như điều trị tích cực bệnh và phòng ngừa thứ phát. Ví dụ đơn giản, chỉ cần giảm được 5 mmHg huyết áp tâm thu có thể giảm được 14% tử vong do đột quỵ và giảm 9% tử vong do bệnh động mạch vành-chưa kể các lợi ích tới thận, suy tim và lợi ích tích lũy khác cộng dồn”, GS. Nguyễn Lân Việt dẫn chứng.

Hoặc theo GS Lân Việt, có những biện pháp tưởng như đơn giản nhưng làm giảm đáng kể các nguy cơ tim mạch. Ví dụ, tập thể dục đều hàng ngày làm giảm 4,9 mmHg huyết áp tâm thu; giảm lượng muối ăn dưới 1.800 mg/ngày giúp làm giảm khoảng 5,1 mmHg huyết áp tâm thu ở bệnh nhân tăng huyết áp; chế độ ăn cho người tăng huyết áp giúp làm giảm gần 10 mmHg huyết áp tâm thu ở đối tượng này… Cùng đó, nhiều tiến bộ khoa học trong chẩn đoán và điều trị bệnh tim mạch giúp giảm đáng kể tỷ lệ tử vong và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, hiện nay trong cộng đồng tỷ lệ người không biết bệnh rất lớn, trong số những người biết thì tỷ lệ điều trị rất thấp. Ý thức phòng chống bệnh của người dân vẫn còn kém, thậm chí nhiều bác sĩ cũng không biết hiện huyết áp của mình là bao nhiêu cho đến lúc bỗng dưng bị tai biến.

Dẫn chứng cho điều này là câu chuyện của PGS Phạm Mạnh Hùng, Phó Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia, Tổng thư ký Hội Tim mạch học Việt Nam. Đó là trường hợp một bệnh nhân 58 tuổi bị tăng huyết áp nhưng không điều trị. Khi bệnh nhân bị sốc tim được đưa vào viện cấp cứu vào đầu tháng 10-2016 nhưng đã không qua khỏi. Điều khiến các bác sĩ cảm thấy tiếc là bệnh nhân bị tắc cả 3 nhánh mạch vành. Nếu được theo dõi, điều trị có thể biết tình trạng bệnh nhân bị tắc 2 nhánh mạch vành từ trước thì có thể đã xử lý kịp, bệnh nhân có thể được cứu sống. Nhưng bệnh nhân bị tắc cả 3 nhánh lớn làm nhiệm vụ nuôi dưỡng tim dẫn đến toàn bộ cơ tim bị chết. Các bác sỹ hôm đó cảm thấy ám ảnh và bất lực vì có khoa học kỹ thuật trong tay nhưng không thể cứu được bệnh nhân chỉ vì bệnh nhân chủ quan với bệnh của mình.

GS. Nguyễn Lân Việt khuyến cáo, mỗi người dân cần biết con số huyết áp như con số tuổi của mình. Tốt nhất là phòng ngừa để không bị bệnh tim mạch, đây là biện pháp hiệu quả nhất và rẻ nhất.

Vân Hà

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/doi-song/moi-nguoi-can-biet-chi-so-huyet-ap-nhu-biet-tuoi-cua-minh-120269