Mỗi ngày kiếm tiền triệu nhờ đặt đó bờ

Hiện nay đang vào mùa đánh bắt, đầu mùa cá, cua...cộng với giá cao, thế là những người làm nghề đặt 'đó bờ' mỗi ngày cũng kiếm được cả tiền triệu.

Những năm gần đây, cá cua đánh bắt ở ngoài tự nhiên được thị trường ưa chuộng và giá của chúng cũng không hề rẻ. Chính vì điều này mà số lượng người đặt đó bờ ở các vùng quê không ngừng tăng.

Nghề đặt đó bờ (hay còn gọi là đặt Nú) là một nghề truyền thống của nhiều gia đình huyện Kim Sơn (Ninh Bình).

Về huyện Kim Sơn ngày này không khó bắt gặp những chiếc đó bờ ở trên các thửa ruộng, bờ mương và chúng đã quá quen thuộc với người dân nơi đây. Chúng được cấu tạo hết sức đơn giản, được làm từ vài đoạn sắt uốn tròn và vài cái cọc cùng một ít lưới, thế là đã có một công cụ bẫy tôm, cá vô cùng hiệu quả.

Nghề đặt đó bờ là một nghề truyền thống của người dân huyện Kim Sơn.

Nghề đặt đó bờ là một nghề truyền thống của người dân huyện Kim Sơn.

Đơn giản là thế nhưng nó lại trở thành ma trận của tôm, cá, ngay cả loài rắn khôn ngoan là thế cũng phải bó tay trước nó. Khi đã chui vào là chỉ nằm im đó không thể thoát ra được.

Hiện tại do diện tích đồng ruộng ngày càng giảm đi và người dân sử dụng nhiều thuốc trừ sâu trong sản xuất nông nghiệp làm số lượng tôm, cá ngày càng giảm đi.

Theo kinh nghiệm từ những người dân ở đây cho biết, những chiếc đó này muốn bắt được nhiều tôm, cá thì phải đặt ở nơi chúng hay di chuyển như ở các dòng chảy, cống mương…Không thì đặt ở nơi nước đục hoặc nóng vì lúc này tôm, cá di chuyển rất nhiều vô tình đi ngang qua "Ma trận” là vào không thể ra được.

Bắt được hầu hết các loại cua, cá sống ở dưới nước.

Anh Nguyễn Văn Bắc (43 tuổi) thợ làm nghề đặt đó ở xã Đồng Hướng cho biết, làm cái nghề này không khó mà không phải ai cũng làm được. Có những người thì được rất nhiều, lại có những người đầu tư cả mấy triệu do không biết cách đặt nên không chẳng có gì cuối cùng phải bỏ.

“Muốn bắt đươc nhiều thì quan trọng nhất là biết chọn vị trí đặt, đặt được vị trí tốt nhất của thửa ruộng thì mới bắt được nhiều. Cái nghề này nhiều hôm ăn may bắt được con rắn to thì kiếm được cả bạc triệu, nhưng không may để chúng cắn phải thì cũng rất nguy hiểm. Thường xuyên phải kiểm tra xem lưới có bị chuột cắn thủng không vì ngoài đòng rất nhiều chuột”, anh Bắc nói:

Mọi người tất bật với công việc mua bán của mình.

Anh Phạm Văn Trường có hơn 20 năm kinh nghiệm trong nghề vui vẻ chia sẻ, “Trước kia tôm, cá nhiều mỗi ngày đặt hơn 100 cái thì cũng được cả tạ, còn hiện tại bây giờ tôm hầu như không có chỉ bắt được cua, cá. Nhưng số lượng ít hơn trước mỗi ngày được có vài chục cân đủ các loại như cua, cá, lươn, chạch... Với giá bán hiện tại như cua thì giao động từ 80.000-100.000 đồng/1kg, lươn thì được 70.000 1 kg, cá chạch 40.000-50.000 1 kg. Mỗi ngày cũng kiếm được gần 1 triệu”

“Cái nghề này để được quanh năm, nhưng nếu được nhiều thì chỉ được hơn chục ngày lúc các cánh đồng đang cày bừa. Nhờ có cái nghề này, mà gia đình tôi có tiền lo cho các cháu ăn học và cũng giải quyết việc làm lúc nông nhàn. Cũng là giữ gìn cái nghề truyền thống của cha ông lại!” Anh Trường cho biết thêm

Đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân trong huyện

Anh Nguyễn Văn Trinh, một thương lái thu mua cá, cua trong huyện cho biết. hiện nay đang vào vụ đánh bắt chính, mỗi ngày tôi thu mua được khoảng hơn 1 tấn. Vì được đánh bắt ngoài tự nhiên thịt thơm ngon và chắc nên được thị trường rất ưa chuộng.

Nhờ có cái nghề này mà nhiều hộ dân ở Kim Sơn đã có nguồn thu nhập khá giả và có điều kiện nuôi con con cái ăn học tốt hơn.

Phạm Quân

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/moi-ngay-kiem-tien-trieu-nho-dat-do-bo-d18881.html