Mọi nẻo đường đều dẫn đến Hà Nội

(LĐO) – Họ là những con dân đất Việt sống xa Thủ đô đến trăm nghìn cây số nhưng vẫn nô nức trẩy hội về với trái tim của cả nước, trong những ngày diễn ra Đại lễ Thăng Long – Hà Nội nghìn năm văn hiến.

Hành hương về thủ đô Buổi sáng thứ bảy, cũng là ngày thứ hai trong khuôn khổ Đại lễ nghìn năm. Vừa ra đến Hồ Gươm, đoạn đền Ngọc Sơn, tôi bắt gặp một đoàn du khách đang ríu rít nói chuyện về Hà Nội. Họ là những người con từ miền Nam xa xôi ở xã Cần Đăng, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Vượt gần 2.000 kilômét, lần đầu tiên chân ướt chân ráo đến Hà Nội, họ mang theo tình yêu tha thiết của đồng bào An Giang dành cho Thủ đô yêu dấu. Tiếp xúc với họ, tôi bị cuốn hút bởi vẻ chân thành, mộc mạc của những người nông dân hai lúa chân chất. Khoác trên người tấm áo bà ba và chiếc khăn rằn đặc trưng của đồng bào Nam Bộ, họ khiến nhiều du khách nước ngoài trầm trồ, ấn tượng. Bác Tạ Thị Dùng (55 tuổi), một thành viên trong đoàn cho biết: “Ra với Hà Nội lần này đúng dịp Đại lễ to lớn của dân tộc chúng tôi phấn khởi lắm. Bà con trong này nghe nói Hà Nội đẹp nên ai cũng háo hức. Nhiều người vì lý do sức khỏe đành ở nhà, chân tay bồn chồn, đứng ngồi không yên cô ạ”. Tôi thoáng nhìn, trong đoàn hình như không thấy có bóng thanh niên, trai trẻ. Điểm qua, toàn các cụ U60 nhưng lại tràn trề... sức trẻ. Thấy tôi có vẻ thắc mắc, bác Dùng nói ngay: “Xã chúng tôi tổ chức hai đoàn, đoàn thanh niên đang hò nhau dạo khu phố cổ. Cánh già chúng tôi dạo quanh một vòng Hồ Gươm buổi sáng ngắm cảnh cho mát”. Đã sang ngày thứ hai đoàn khách đặt chân đến Hà Nội. Nhớ lại ngày đầu, hạ bến an toàn đến Hà Nội khi trời đã về chiều nên gặp đôi chút khó khăn thuê nơi ăn chốn nghỉ. Nhưng cuối cùng, mọi sự cũng diễn ra suôn sẻ, đoàn khách càng thêm háo hức. Bà cụ Huề, thành viên lớn tuổi nhất trong đoàn thể hiện rõ cảm xúc: “Già sống đến ngần ngày tuổi đầu mà mới có dịp đặt chân đến Hà Nội đúng dịp nghìn năm. Thế là già đã mãn nguyện lắm rồi. Nhất định về quê, già phải kể cho con cháu nghe chuyện về thủ đô mình mới được”. Tiết trời thu với những vệt nắng vàng trải dài tô thắm cho từng con phố. Hà Nội hào hoa đã, đang và sẽ trở thành điểm đến lý tưởng của nhiều du khách. Trong không khí Đại lễ rộn ràng, về với mảnh đất địa linh nhân kiệt này đã trở thành ý nguyện của triệu người. Có mặt từ hôm khai hội 1.10, đoàn của chị Trương Thị An (Gia Lai) không bỏ sót bất cứ một chi tiết sự kiện nào. Bốn chị em trong đoàn đang đứng đợi xe bus để du lịch vòng quanh phố cổ một lần. Chị An hồ hởi: “Tôi thấy cháu gái học ở ngoài này nói thủ đô mình mới có xe bus xanh (du lịch xanh-PV) mà. Lần này mấy chị em phải tận chân đi thăm thú một vòng xem sao. Chắc là đẹp lắm!”. “Mọi năm chúng tôi đều đi đến các điểm đền chùa từ “tháng ăn chơi” cơ. Nhưng lần này quyết định lui lại đúng dịp Đại lễ ra thăm Hà Nội luôn, rồi sau đó đi “tua” về cố đô Hoa Lư, có thời gian sẽ đi đền chùa ở Thái Bình, Hải Phòng... nữa”. Để một lần được tận mắt nhìn thấy thủ đô, không ít người phải “bỏ bê” công việc ruộng nương đồng áng. Đó là câu chuyện vui của hai người đàn bà ngồi nghỉ chân bên ghế đá bờ hồ tâm sự với chúng tôi. Chị Len và chị Lan (quê Hải Phòng) vội vã bắt xe lên Hà Nội từ 5 giờ sáng. 8 giờ lên đến nơi, hai chị phải tranh thủ đi một vòng Hồ Gươm, ra cột cờ Hà Nội, thăm Hoàng thành Thăng Long “nghe nói ở đó hôm nay trưng bày di sản cổ vật cho mọi người xem”. Thôn quê đang vào vụ gặt, chị tếu táo: “Hai chị em phải “trốn chồng, trốn con” lên thăm thủ đô đấy cô ạ. Việc đồng áng thì vất lắm, tranh thủ hôm không có ruộng gặt chị em đi về trong ngày thôi. Hẹn nhau vài hôm trước rồi, làm đổi công cho xong việc sớm mà đi. Nhà quê chúng tôi hay thế đấy cô ạ”. Nói đoạn, hai người đàn bà lại dắt nhau thong dong tản bộ bên Hồ Gươm nhộn nhịp. Cháy mãi tình yêu Hà Nội Hà Nội những ngày tháng mười lan tỏa hào khí, mọi nẻo đường đều chật kín khách tham quan. Đi đến đâu, bạn cũng sẽ cảm nhận được lòng nhiệt thành, tình yêu thiêng liêng mà du khách trong nước và bạn bè quốc tế dành cho mảnh đất kinh kỳ yêu dấu. Những dải băng zôn, những hình trái tim đỏ thắm in trên má ngộ nghĩnh, những chiếc áo sáng chói cờ đỏ sao vàng, in hình I LOVE HANOI, I LOVE VIETNAM... Tất cả khiến không khí Đại lễ thêm rộn ràng, náo nhiệt hơn. Giới trẻ Hà thành cũng có cơ hội bày tỏ tình yêu của mình với thủ đô, với đất nước. “Tôi yêu Hà Nội”, “Mừng 1.000 năm Thăng Long”... là thông điệp mà bạn trẻ muốn nhắn gửi. Những bộ đồng phục cờ đỏ sao vàng làm rạng rỡ thêm nhiều khuôn mặt tươi vui. Nhóm bạn đến từ trường ĐH Công Đoàn tự thiết kế cho mình bộ đồng phục “Tôi yêu Việt Nam” hết sức cá tính. Đi đến đâu, họ cũng thể hiện một nếp sống văn hóa, thanh lịch của người Tràng An khi giúp các em nhỏ và người già những chuyện dọc đường. Hà Nội về đêm lung linh, rực rỡ. Ban ngày thì nhộn nhịp khác thường không giống ở quê. Đi sang đường mất nhiều thời gian đợi quá!... Đó là những chia sẻ rất chân thành của nhiều du khách mà tôi có dịp tiếp xúc. Đoàn khách An Giang mà tôi gặp đã có một hành trình rất thú vị. Những khi đôi chân mỏi mệt, cả đoàn có dịp quây quần nghỉ ngơi chia sẻ những câu chuyện mà mình chứng kiến trong suốt hành trình. Đột nhiên, bác trưởng đoàn vẻ hơi trầm buồn: “Hôm nay không được vào lăng thăm Bác Hồ, đoàn chúng tôi ai cũng tiếc. Chắc có lẽ phải đợi bằng được khi nào lăng mở cửa vào thăm Bác rồi về mới yên lòng”. Đó là tấm chân tình mà bất cứ người con nước Việt nào cũng đều thành kính trước Người, đặc biệt là với đồng bào Nam Bộ mà Bác luôn thương mến. Những ngày diễn ra Đại lễ, tôi “túc trực” bên Hồ Gươm nhiều giờ liền. Có thể nói, chưa bao giờ tôi có dịp dành nhiều thời gian gắn bó với Hồ Gươm, Lăng Bác, Hoàng thành Thăng Long và mọi nẻo đường thủ đô nhiều đến thế. Và cũng hơn bao giờ hết, tôi cảm nhận được tình yêu sâu sắc của triệu trái tim hướng về một trái tim hồng linh thiêng tròn nghìn năm tuổi. Tình yêu Hà Nội sẽ như ngọn lửa cháy mãi trong lòng triệu người! Thanh Hiệp

Nguồn Lao Động: http://laodong.vn/tin-tuc/moi-neo-duong-deu-dan-den-ha-noi/15393