Mối liên hệ giữa Saudi Arabia và thủ phạm vụ tấn công ở London

Đối tượng Khalid Massod, hung thủ thực hiện vụ tấn công khiến 4 người thiệt mạng và 50 người bị thương gần tòa nhà Quốc hội Anh chiều 22/3 vừa qua, đã từng 3 lần đến Saudi Arabia. Dù hàng triệu người nước ngoài trên khắp thế giới sinh sống và làm việc ở Vương quốc này, nhưng khoảng thời gian Masood ở đó lập tức làm dấy lên câu hỏi về việc liệu xu hướng Hồi giáo bảo thủ cực đoan của nước này có ảnh hưởng đến tư tưởng và làm cực đoan hóa Masood hay không.

Cảnh sát phong tỏa hiện trường vụ tấn công bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh ngày 22/3.

Nhóm “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng đã tuyên bố Masood là “một chiến binh của Vương quốc Hồi giáo (Caliphate)”, nhưng chưa rõ đối tượng có mối liên hệ trực tiếp nào với tổ chức cực đoan này hoặc bị kích động bởi tư tưởng bạo lực của IS hay không. Hiện vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng. Dưới đây là một số động cơ và lý do cho thấy tại sao khoảng thời gian Masood ở Saudi Arabia lại gây sự chú ý đến vậy:

Đại sứ quán Saudi Arabia tại Anh cho biết Massod đã giảng dạy tiếng Anh tại Saudi Arabia từ tháng 11/2005 đến tháng 11/2006 và từ tháng 4/2008 đến tháng 4/2009. Saudi Arabia nhanh chóng lên án vụ tấn công ở London, nhưng một vài người cho rằng các quan chức cấp cao nước này đứng sau một trong những hành động khủng bố đẫm máu nhất thế giới - vụ tấn công 11/9 ở Mỹ. 15 trong số 19 phần tử thánh chiến thực hiện vụ tấn công 11/9 được cho là công dân Saudi Arabia, giống như kẻ lập ra tổ chức al-Qaeda Osama bin Laden.

Một thập kỷ sau vụ tấn công 11/9, các tu sĩ trên khắp bán đảo Arab khuyến khích các nam thanh niên tham gia cuộc thánh chiến ở Syria. Chính phủ Saudia Arabia năm 2014 quy định việc khuyến khích người dân tham chiến ở nước ngoài là hành động phi pháp, nhưng nhiều tu sĩ Saudi Arabia vẫn tiếp tục lợi dụng việc thuyết giảng để truyền bá học thuyết bảo thủ cực đoan, thể hiện quan điểm tiêu cực về những người không theo đạo Hồi và coi những người Hồi giáo dòng Shiite là kẻ bội giáo.

Trong khi đó, các tổ chức cực đoan như al-Qaeda và IS coi chính phủ Saudi Arabia là kẻ thù của Hồi giáo bởi mối quan hệ thân thiết với phương Tây. Saudi Arabia đã hứng chịu một loạt vụ tấn công của al-Qaeda trong giai đoạn 2003-2006. Hàng chục công dân và cảnh sát Saudi Arabia cũng bị IS giết hại kể từ năm 2014.

Trước khi đâm chết một sĩ quan cảnh sát và tông xe vào những người đi trên cầu Westminster hôm 22/3, Masood từng hai lần bị kết tội liên quan đến các vụ tấn công bằng dao. Trong bối cảnh có rất nhiều vụ tấn công khủng bố trên khắp thế giới xảy ra, các nhà điều tra đang cố chắp vá các manh mối để xem kẻ cải đạo sang đạo Hồi này, người có sức khỏe bình thường và từng nổi tiếng ở trung học, đã bị cực đoan hóa ra sao.

T.Hằng

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/moi-lien-he-giua-saudi-arabia-va-thu-pham-vu-tan-cong-o-london.aspx