Mốc tuổi nghỉ hưu: Tăng hay giảm là hợp thời cuộc?

Lao động trong nhà nước hiện đã dư thừa, “sáng cắp ô đi, tối cắp về” thì tăng tuổi hưu cũng chỉ làm trì trệ và mang tính khiên cưỡng.

Dự kiến, năm 2017, Chính phủ sẽ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động trong đó, có phương án điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, nhằm ứng phó với tình trạng già hóa dân số.

Lý lẽ đưa ra minh giải cho việc nâng tuổi cũng khá ấn tượng, như chi dài thu ngắn nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm xã hội; đời sống vật chất cải thiện sức khỏe tốt lên, thêm tuổi thêm kinh nghiệm tích lũy, cần chuyên gia đóng góp thêm cho xã hội. Lại nữa, cứ theo các nước phát triển đi trước, tuổi nghỉ hưu của họ đã lên 65 và còn lên…

Chọn tuổi hưu sao cho khoa học.

Phía phản bác lại cho rằng nói vậy mà không phải vậy! Chỉ là hiện tượng, bề mặt mà thôi, không phải bản chất! Chẳng hạn, lợi ích nâng tuổi nghỉ hưu giúp quỹ bảo hiểm xã hội có tăng đấy, nhưng bảo tồn quỹ, cân bằng thu chi, quỹ có vỡ hay không lại là chuyện khác, chưa chừng cứ với cách quản lý bảo hiểm xã hội như vừa qua, quỹ càng to càng vỡ nặng! Lợi ích đưa lại cho xã hội bởi những chuyên gia nhiều kinh nghiệm tiếp tục làm việc là có, nhưng nhỏ, mang đặc thù cá nhân, đưa thành chính sách cho toàn hệ thống, chưa chừng lại gây “lạm phát chuyên gia”, lợi bất cập hại! Giải pháp tăng tuổi nghỉ hưu đúng với các nước tiên tiến, nhưng cứ khiên cưỡng với Việt Nam, có khi lại nhận quả ngược!

Hiểu thế nào cho phải?

Mốc hưu trí: Câu chuyện của ai?

Bàn về hưu, ở đất nước hình chữ S này, là dành cho đối tượng tham gia hệ thống nhà nước, chứ 70-80% lực lượng lao động của đất nươc này họ làm bên ngoài nhà nước, nhu cầu tự thân, làm theo năng lực, hưởng theo thị trường. Mốc tuổi hưu tăng giảm vài năm, nào can hệ gì?

Những người nông dân tôi chứng kiến, tuổi 70 còn cày cuốc được, vẫn tự động hai sương một nắng ra đồng. Người công nhân khu công nghiệp, vừa vào làm nhà máy nọ đôi năm, lại ở nhà, nửa năm sau lại thấy đi làm một khu công nghiệp khác. Bác sĩ tư nhân hoặc công tác tổ chức phi lợi nhuận, cái đầu còn minh mẫn, dân còn tin, thì còn tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh cho dân! Trí thức độc lập, còn suy nghĩ, còn khả năng phân tích thực trạng nhận ra cái phi lý,cái phản khoa học, thì còn viết bài, còn đề xuất, vận động chính sách. Bà hàng bánh cuốn, anh thợ xây, chị bán rau, …hầu hết đều làm cho đến khi gối mỏi, mắt hoa... mới chịu nghỉ việc!

Nghĩa là, với dân tôi, còn sức, còn làm. Mệt thì nghỉ, nghĩ đỡ mệt lại làm! Không làm việc này thì làm việc khác!

Khái quát lại, trong ba lực lượng (làm trong nhà nước, làm ngoài thị trường, làm trong tổ chức xã hội dân sự) đang ngày ngày lao động tạo nên sự phát triển cho đất nước này, thì mốc nghỉ hưu, tăng lên hay giảm đi, lại là câu chuyện có lẽ chỉ dành riêng cho anh bên nhà nước mà thôi.. Mốc tuổi nghỉ hưu như vậy, không phải đơn thuần xét yếu tố cá nhân (lấy sức khỏe làm chỉ tiêu), nó là câu chuyện vận hành cái “hệ thống” đang ngày ngày chi tiêu tiền thuế của Dân!

Tuổi nghỉ hưu và bài toán hiệu quả hệ thống

Như vậy, về tổng thể, đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu, chủ yếu cho anh làm trong hệ thống nhà nước, vậy phải được xét với thực tế quản lý nhà nước hiện nay và tính hiệu quả của hệ thống này.

Xin lưu ý, tôi đang bàn cho nhà nước Việt nam ở thập niên thứ hai thế kỷ 21! Một nhà nước chứa đầy sự ngạc nhiên khi xét hiệu quả vận hành hệ thống! Này nhé, giữa Thủ đô của nước đầu tiên Á châu và thứ hai trên thế giới ký công ước bảo vệ quyền trẻ em, mà một trẻ gái bị đánh đập, hành hạ diễn ra ngày ngày ở một quán phở đông người qua lại, ngót chục năm trời, khó mà nói là chính quyền, đoàn thể không biết, nhưng thực cứu thoát trẻ rồi câu chuyện lên được mặt báo thì chả phải chính quyền, ban ngành đoàn thể nào cả, cũng chả phải một công chức có tâm nào, mà lại là một bà già nghĩa hiệp!

Hay chuyện khác. Theo lời khai của kẻ thủ ác là một bác sĩ bệnh viện công hành nghề tư, người ta cố gắng tìm xác một cô gái xấu số bị quẳng sông sau khi tử nạn vì phẫu thuật thẩm mỹ. Xác cô gái xấu số tìm chưa thấy đâu, lại thấy mấy xác xấu số khác nằm im lìm dưới đó từ lúc nào chỉ có Giời biết.

Ngược lại, có những chuyện mà cứ theo bằng chứng hàng ngày để rút ra quy luật, lại tréo nghoeo cả.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/quan-diem/moc-tuoi-nghi-huu-tang-hay-giam-la-hop-thoi-cuoc-3320908/