Mộc bản 'độc nhất vô nhị' ở nơi sáng linh Phật Việt

Giữa miền quê Kinh Bắc có một ngôi chùa thuần Việt, lặng lẽ nép mình giữa những tán cây bồ đề, thông, đại và thật hiền hòa thanh tịnh bên cỏ hoa quen thuộc nơi thôn mạc. Yên lặng, tưởng chừng thời gian không hề vội vã khi đi qua đây, nó cứ thong thả an nhiên rải từng bước ngắn, chậm rãi đều đặn… Đó chính là chùa Vĩnh Nghiêm ở xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.

Mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm. Ảnh: KT

Hơn 700 năm bừng sáng một ngày

Bảy thế kỷ đã qua, hình như cái vô ảnh thời gian ở đây vẫn giữ cho mình nhịp điệu vi diệu như thế. Hay thời gian và cả không gian nữa cũng nhuốm tinh thần sắc sắc không không của nhà Phật, mà đây lại là Phật Việt có tên gọi Trúc Lâm thiền phái và đấng sáng lập không ai khác chính là vua Trần Nhân Tông (1258-1308), người đã cùng Trần Hưng Đạo lãnh đạo quân dân Đại Việt hai lần đánh tan giặc Nguyên Mông xâm lược.

Truyền thuyết kể lại rằng, khi non sông đã sạch làu bóng giặc phương Bắc, trăm họ trong thiên hạ hoan hỉ hưởng thái bình, giữa một cuộc lễ ở Chiêu Lăng, vua Trần Nhân Tông khi thấy chân các ngựa đá còn lấm bùn châu thổ sông Hồng đã tức cảnh thốt lên “Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã/ Sơn hà thiên cổ điện kim âu” (Xã tắc hai phen chồn ngựa đá/ Non sông nghìn thuở vững âu vàng). Minh chủ Trần Nhân Tông sau này đã bỏ ngôi báu để lên núi tu hành, lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, về Kinh Bắc dựng chùa Vĩnh Nghiêm truyền bá tư tưởng nhập thế đạo gắn với đời, cầu mong Quốc thái Dân an.

Đấy chính là ước vọng của muôn đời, muôn người và nó trở nên vô vàn tha thiết thiêng liêng với một đất nước luôn bị kẻ ngoại bang nhòm ngó thôn tính. Đấy cũng là tâm cảm của một thi nhân, tuy tác phẩm để lại của ông không còn mấy, song khi ta đọc Lên núi Bảo Đài hay Trăng của Trần Nhân Tông sẽ ngộ ra phần nào cái gọi là Thiền trong con người, trong thi ca. Con người với thiên nhiên như hòa làm một, giản dị trong sáng đến tột cùng, mọi ham hố thô tục bị khử bỏ hoàn toàn.

Chùa Vĩnh Nghiêm thờ ba vị Tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Vị Tổ thứ nhất là Trần Nhân Tông. Vị Tổ thứ hai là Đồng Kiên Cương, hiệu Pháp Loa, thụ giáo Trần Nhân Tông. Vị Tổ thứ ba là Lý Đạo Tái, hiệu Huyền Quang, thụ giáo sư Pháp Loa. Cả ba hợp lại gọi là Trúc Lâm tam Tổ (Ba ông Tổ Trúc Lâm).

Phải lan man một chút như thế trước khi nói về Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm. Hiện vật lịch sử văn hóa ấy đã được công nhận là “Di sản ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương”. Vào ngày 16/5/2012, tại Trung tâm hội nghị, hội thảo của khách sạn Amari Watergate Băng Cốc (Thái Lan), Ủy ban UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã xướng danh và chính thức ghi danh Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang vào danh mục Di sản tư liệu trong “Chương trình Ký ức thế giới”.

“Độc bản” và độc đáo

Chùa Vĩnh Nghiêm được xây dựng dưới triều đại nhà Lý. Theo bia tháp ghi lại, năm Thuận Thiên Nguyên Niên (1010). Ảnh: K.T

Để có sự vinh danh như vậy không dễ dàng chút nào dẫu giá trị đích thực của trên 3.000 mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là khó phủ nhận. Khi Ủy ban UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương đưa hồ sơ Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm của Việt Nam ra thì có những ý kiến phản biện gay gắt. Họ cho rằng, mộc bản thì nhiều nước có chứ không chỉ ở Việt Nam, thậm chí ở nước họ số lượng còn nhiều hơn. Họ yêu cầu chúng ta làm rõ tính riêng biệt độc đáo của nó...

Chúng ta đã bình tĩnh thuyết trình những cái có thể gọi là “độc nhất vô nhị” của các mộc bản này. Đó là Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm hàm chứa tư tưởng, giáo lý của Phật phái Trúc Lâm (chỉ có ở Việt Nam), nhiều bản được khắc bằng chữ Nôm (cũng chỉ Việt Nam có), bên cạnh những tác phẩm văn học Thiền tông có giá trị còn có các bài thuốc về y học cổ truyền của Việt Nam và không thể không thừa nhận đó là những tác phẩm thư pháp tuyệt vời. Bạn nghe ta nói, gật gù, cười tươi và cuối cùng ai cũng bỏ phiếu nhất trí.

Thế là, sau Mộc bản triều Nguyễn, Văn bia Văn Miếu - Quốc Tử giám Hà Nội, Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm trở thành di sản tư liệu thứ ba của Việt Nam được thế giới ghi danh. Hai di sản trước nằm ở Huế và Hà Nội, còn di sản quý giá này lại được tàng lưu trong một ngôi chùa cổ nằm ở vùng quê nghèo khó. Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đáp ứng đủ ba tiêu chí nghiêm ngặt của UNESCO là: Tính xác thực - tính độc đáo quý hiếm - sự ảnh hưởng mang tầm quốc tế và khu vực. Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm còn sáng giá ở sự toàn vẹn, nguyên gốc, độc bản của các cổ vật, góp phần cho việc nghiên cứu về tôn giáo, ngôn ngữ, văn học, y học, mỹ học...

Có lẽ cần nói sâu hơn một chút về các giá trị đặc biệt và độc đáo của Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm. Trong những bản khắc bằng chữ Nôm, chữ Hán trên gỗ thị đó có hàm chứa tư tưởng, giáo lý của Phật phái Trúc Lâm, mà cốt lõi là sự giác ngộ của các cao tăng hướng tới việc từ bỏ cách tu hành dựa vào mê tín, thần bí, siêu nhiên và đề cao lòng lạc quan với cuộc sống thực, sống thuận theo quy luật của tạo hóa. Nhờ vậy, tư tưởng Phật giáo nhập thế, thâm nhập sâu sắc vào dân gian Việt Nam, gắn bó với dân tộc kể cả lúc binh đao loạn lạc hay trong thời thái bình an hòa.

Những mộc bản chữ Nôm chùa Vĩnh Nghiêm là di sản tư liệu đánh dấu quá trình phát triển của hệ thống văn tự Nôm qua các triều đại Trần, Lê, Nguyễn... Chữ Nôm ở bộ mộc bản là một trong những nguồn tư liệu quý giá để tra cứu, tham khảo đối với ai muốn nghiên cứu lịch sử văn hóa truyền thống Việt Nam. Được biết, font chữ Nôm trên mã Unicode (kí hiệu NomNaTongLight.ttf) được Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm lấy mẫu từ sách Thiền tông bản hạnh là một phần của sưu tập Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm. Rất thuận lợi cho những ai muốn nghiên cứu hoặc tìm hiểu văn hóa Việt Nam trong quá khứ.

Lưu giữ tinh hoa

Mộc bản còn là nơi lưu giữ bền vững các tác phẩm văn học Thiền tông có giá trị. Trong mộc bản sách Thiền tông bản hạnh ta thấy có các tác phẩm Cư trần lạc đạo phú (Ở trần thế vui với đạo) viết theo thể phú, Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca (Bài ca về được thú vui rừng suối mà thành đạo) của Trần Nhân Tông; Vịnh Hoa Yên tự phú (Vịnh cảnh chùa Hoa Yên) của thiền sư Huyền Quang; Du Yên Tử sơn nhật trình (Nhật trình đi chơi núi Yên Tử) của Bạch Liên tiểu sĩ; Thiền tịch phú (Bài phú về chốn thiền tịch), Giáo tử phú (Bài phú về việc dạy bảo con cái) của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi...

Đến Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương... thì thơ viết bằng chữ Nôm đã đóng góp vào nền văn học những giá trị to lớn. Cho đến hôm nay, Truyện Kiều viết bằng chữ Nôm của Nguyễn Du vẫn là đỉnh cao nhất của thi ca đất Việt. Vượt qua hàng trăm năm, không ít những câu thơ viết bằng chữ Nôm còn lấp lánh, chấp chới đến mai sau.

Ngắm nhìn bộ sưu tập Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, ta không thể không trầm trồ khâm phục bàn tay khéo léo của thợ khắc trổ. Những người khắc gỗ Việt Nam làm nên các mộc bản này chắc phải tinh thông chữ Hán, chữ Nôm, có đôi tay vàng và đôi mắt ngọc, khéo léo, tinh tường và phải rất nhẫn nại, cẩn trọng. Mộc bản có nhiều kiểu chữ khác nhau, khi cân đối nghiêm ngắn, khi bay bướm thoáng hoạt, chẳng khác gì các bức thư pháp tài hoa. Nhiều trang được các nghệ nhân cổ khắc đan xen các bức họa đồ có bố cục rất chặt chẽ, đường nét tinh tế...

Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, một tinh hoa văn hóa của dân tộc đã được nhân loại tôn vinh xứng đáng. Di sản ký ức thế giới khu vực Châu Á -Thái Bình Dương ấy đang được tàng lưu, cất giữ, bảo quản tại một ngôi chùa không lấy gì to lớn ở một vùng quê nghèo nhưng gắn với tên tuổi của vị Quốc chủ sáng giá, lỗi lạc hàng đầu trong lịch sử Việt Nam: Trần Nhân Tông!

Nguyễn Hữu Quý/Báo Gia đình & Xã hội

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/moc-ban-doc-nhat-vo-nhi-o-noi-sang-linh-phat-viet-20160130155149147.htm