Mobile Fablab Vietnam 2017: ươm mầm đổi mới sáng tạo công nghệ trong học sinh

Khởi nghiệp nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu Bảo vệ môi trường từ những ý tưởng đơn giản SEA Makerthon 2016: Sáng tạo vì môi trường TOM Vietnam 2016: Đậm chất công nghệ và tính nhân văn TOM Vietnam 2016: Những giấc mơ cháy bỏng

Khởi nghiệp nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu Bảo vệ môi trường từ những ý tưởng đơn giản SEA Makerthon 2016: Sáng tạo vì môi trường TOM Vietnam 2016: Đậm chất công nghệ và tính nhân văn TOM Vietnam 2016: Những giấc mơ cháy bỏng

Tại một số quốc gia phát triển như Pháp, Hà Lan, Đan Mạch, Singapore, Đài Loan hay Mỹ, cứ mỗi khi đến hè lại có những chuyến xe bus khoa học, cùng chiếc xe tải chất đầy công cụ KHCN chu du khắp các nơi, ghé thăm các trường học, vùng quê, bảo tàng khoa học địa phương để đem đến cho trẻ em những thông tin thú vị về công nghệ mới, khơi gợi đam mê sáng tạo khoa học. Bắt đầu từ hè 2016 và tiếp nối trong năm 2017, chương trình xe bus gieo mầm sáng tạo công nghệ Mobile Fablab 2017 đã rong ruổi hành trình ở nhiều tỉnh thành trong nước.

Học sinh đam mê sáng tạo công nghệ.

Mobile Fablab Vietnam (phòng thí nghiệm chế tạo di động) là dự án cộng đồng được Fablab Saigon ấp ủ ngay từ những ngày đầu thành lập. Trong dự án này, các kỹ sư trẻ sẽ cùng nhóm tình nguyện viên và điều phối viên đóng gói tất cả thiết bị - kỹ năng - nhiệt huyết lên một chiếc xe tải, đi đến các vùng ít có điều kiện tiếp cận công nghệ, máy móc hiện đại.

Ở mỗi thành phố mà chương trình đặt chân đến, nơi đó sẽ triển khai một hội trại “48 giờ sáng chế khởi nghiệp” với sự tham gia của 30-40 thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 15-18 (lớp 9 đến lớp 12). Trong hội trại sẽ có các giờ học nội dung cơ bản về kĩ năng lập trình cho máy tính, kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng ra quyết định và giải quyết vấn đề, cách sử dụng các loại máy móc chế tác kĩ thuật số. Chương trình sẽ thử thách các bạn trẻ này bằng những vấn đề đang tồn tại ở chính địa phương đó.

Hồi hè 2016, chương trình Mobile Fablab Vietnam đầu tiên đã viếng thăm 2 thành phố biển là Tuy Hòa và Vũng Tàu, có sự tham gia của gần 80 học sinh, thực hiện hơn 20 dự án. Ở dịp hè 2017 vừa qua, Mobile Fablab Vietnam đã ghé qua Đà Lạt, Vĩnh Long và An Giang, thu hút hơn 100 học sinh, thực hiện tổng cộng 34 dự án (34 nhóm).

Như vậy, chỉ trong vòng 2 năm, Mobile Fablab Vietnam đã tạo điều kiện cho gần 300 học sinh tiếp cận công nghệ mới, thực hiện gần 60 dự án liên quan đến vấn đề địa phương trải dài từ nông nghiệp, giáo dục đến ô nhiễm môi trường, trộm cắp, du lịch, học tập, sức khỏe, giúp đỡ người khuyết tật… Qua đó, chương trình góp phần thúc đẩy hình thành nhiều nhóm CLB yêu khoa học kỹ thuật (được lập ra tại các trường PTTH).

Một sản phẩm trong chương trình.

Để đủ điều kiện tham gia Mobile Fablab Vietnam, học sinh tại địa phương nộp đơn đăng ký tham gia chương tình, trả lời các câu hỏi chứng minh khả năng học hỏi cùng những ý tưởng đang ấp ủ, những điều mong muốn học được và sẽ áp dụng như thế nào. Học sinh tham dự được tài trợ toàn bộ kinh phí, ngoài ra còn được Ban tổ chức tặng một bộ kit (bao gồm các linh kiện liên quan để hoàn thành sản phẩm).

Trao đổi với phóng viên PC World Vietnam, ông Nguyễn Trọng Nhân - Giám đốc Fablab Saigon khẳng định mục tiêu thực hiện chương trình là ươm mầm tư duy “hãy đưa đến công cụ đúng đắn cho những bạn trẻ bình thường và họ có thể làm nên những điều phi thường”. Mobile Fablab Vietnam chính là môi trường ươm tạo và kết nối hạt giống đổi mới KHCN với môi trường sáng chế, giúp các bạn trẻ - nhà sáng chế tương lai của đất nước tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ chế tạo của mình.

Mobile Fablab Vietnam 2017

Mobile Fablab Vietnam 2017 - “Hội trại sáng chế 48h” đã diễn ra tại 3 địa điểm là trường PTTH Bùi Thị Xuân (Đà Lạt), ĐH An Giang (An Giang), trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Vĩnh Long). Chương trình cũng khuyến khích các bạn nữ dù chưa biết gì về lập trình nhưng yêu khoa học, dám thử thách những điều mới mẻ, nhưng có nhiệt huyết mạnh dạn đăng ký tham dự. Nhờ đó, một số dự án tại Đà Lạt do các bạn nữ sinh lập trình, làm trưởng nhóm đã có những màn thuyết trình khá ngoạn mục.

Trong suốt 48h tham gia hội trại, các bạn trẻ được học về Lập trình Arduino, vẽ 3D bằng phần mềm Fusion 360, kĩ năng thuyết trình, kĩ năng làm việc nhóm. Các sản phẩm được các bạn tạo ra rất sáng tạo thiên về tự động hóa, ứng dụng IoT như: xe tránh đồ vật, nhà cảm biến thông minh, máy đo nhiệt độ thời tiết, máy hút rác trên hồ, sản phẩm cảnh báo té ngã, thiết bị dò đường cho người khuyết tật…

Cụ thể, ở 36 giờ đầu tiên, các bạn học sinh được học và bắt tay vào thực hiện các sản phẩm với sự hỗ trợ của ban tổ chức và các bạn tình nguyện viên. Trong 12h còn lại, các bạn hoàn thiện và thực hiện trang trí, thuyết trình cho sản phẩm. Riêng ở ngày cuối cùng, phụ huynh học sinh và bạn bè được thưởng nghiệm thành quả của các nhóm đã thực hiện sau 48 giờ miệt mài sáng tạo.

Nguồn PC World: http://pcworld.com.vn/articles/cong-nghe/song-va-cong-nghe/2017/08/1252445/mobile-fablab-vietnam-2017-uom-mam-doi-moi-sang-tao-cong-nghe-trong-hoc-sinh/