Mobifone chi gần 9.000 tỷ mua AVG: Những câu hỏi khó

8.890 tỷ đồng Mobifone bỏ ra để mua lại AVG có phải là một thương vụ phù hợp''.

Như vậy, sau gần một năm kể từ khi Mobifone hoàn tất mua lại 95% cổ phần của CTCP Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), giá trị của thương vụ này mới chính thức được công bố.

Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra toàn diện thương vụ MobiFone mua AVG trong vòng 50 ngày. Ảnh: Tuổi trẻ

Theo thông tin được đăng tải công khai trên nhiều tờ báo, Mobifone đã chi ra 8.890 tỷ đồng (gần 400 triệu USD) để mua lại 344,66 triệu cổ phiếu AVG, tương ứng mức giá xấp xỉ 25.800 đồng/cổ phần.

Đánh giá về vụ mua bán, sáp nhập trên, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng vụ mua bán trên vẫn khiến dư luận và giới đầu tư nghi ngờ. Cụ thể ở đây, giới đầu tư nghi ngờ tính công khai, minh bạch trong quá trình mua bán, sáp nhập nhưng cũng đồng thời nghi ngờ có yếu tố lợi ích nhóm chi phối.

Thứ nhất, những vụ mua bán sáp nhập trong nước thường có những chiến lược quảng bá rầm rộ như một chiêu thức PR, nhằm thông báo, cho biết, hoặc để đánh đấu thời điểm của một doanh nghiệp khi quyết định dấn thân vào lĩnh vực mới. Tâm thế đó thể hiện rõ sự hân hoan, tự hào thông qua các cuộc thương lượng, thỏa thuận công khai, đàng hoàng.

Tuy nhiên, trường hợp của Mobifone thì khác. Họ thực hiện mua bán trong lặng lẽ, âm thầm. Một thương vụ lớn như vậy nhưng lại mang đầy tính chất bí hiểm, khác thường, thậm chí, có những thời điểm còn được coi như là thông tin mật, không được chia sẻ, công bố.

Theo ông Hải, động thái trên của Mobifone đã gây nhiều nghi ngại. Theo các quy định pháp luật, thông tin về thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần của AVG không thuộc diện bí mật quốc gia.

"Tại Điều 10 Nghị định 81 của Chính phủ quy định chế độ công bố thông tin doanh nghiệp nhà nước, việc công bố thông tin của MobiFone còn sơ sài, thiếu nhiều nội dung quan trọng mà Nhà nước quy định. Đó là không minh bạch. Mobifone là tài sản của nhân dân, không phải tài sản của riêng cá nhân lãnh đạo, tập đoàn, hay doanh nghiệp nào. Do đó, người dân phải được quyền giám sát", ông Hải nói.

Thứ hai, tài sản cố định của AVG hầu như không có gì. Vấn đề là tài sản vô hình, cụ thể ở đây là giá trị tài sản vô hình. Nhưng trên thực tế, giá trị thương hiệu của AVG có đáng giá như vậy không?

"Một thương vụ mua bán, sáp nhập giữa hai doanh nghiệp có giá trị thương hiệu tốt thì việc thay tên đổi họ thương hiệu đó không khác nào đang tự sát. Ví dụ, Habeco, Sabeco đang làm ăn rất tốt, lợi nhuận lớn nếu một doanh nghiệp nào đó mua lại Habeco, Sabeco mà đổi sang thương hiệu khác thì đó chính là hành động hủy hoại thương hiệu doanh nghiệp.

Trường hợp thay tên đổi họ thương hiệu doanh nghiệp sau khi mua bán chỉ xảy ra nếu doanh nghiệp đó làm ăn không thuận lợi, thua lỗ, hoặc đứng trước bờ vực phá sản.

Soi vào trường hợp của AVG, khi mua AVG, lập tức Mobifone đã đổi tên thành Mobi TV. Điều này cho thấy Mobifone đã lấy thương hiệu của doanh nghiệp mạnh hơn. Nếu vậy khi bỏ ra gần 400 triệu USD để mua AVG Mobifone có bị hớ?", ông Hải đặt câu hỏi.

Thứ ba, về phía Mobifone, MobiFone là doanh nghiệp có tài sản nhà nước rất lớn, được hình thành từ thời ngành viễn thông còn là độc quyền của Nhà nước. Hiện MobiFone đang nằm trong danh sách doanh nghiệp phải cổ phần hóa, chính vì thế, theo ông Nguyễn Hoàng Hải, trước khi cổ phần hóa doanh nghiệp cần tiến hành thanh lọc nhân sự để tăng giá trị tài sản nhà nước.

"Mobifone đã lỡ hẹn cổ phần hóa cả 10 năm nay rồi. Chuyện chưa cổ phần hóa ở Mobifone đã khiến ngân sách thất thu cả trăm tỷ đồng. Vậy vì sao Mobifone lại chần chừ mãi việc cổ phần hóa?", ông Hải đặt câu hỏi.

Ông đặt tiếp vấn đề, Mobifone chưa sẵn sàng cổ phần hóa nhưng lại sẵn sàng mang gần 400 triệu USD để thực hiện vụ mua bán chóng vánh, nhanh gọn trên. Điều đó khiến dư luận có quyền nghi ngờ.

Thanh tra thương vụ MobiFone mua AVG: Khuyến cáo của VAFI

Vì vậy, Phó chủ tịch VAFI yêu cầu Mobifone phải làm rõ vấn đề này, bởi truyền hình trả tiền thực ra là lĩnh vực khá xương xẩu.

"MobiFone cần phải công bố tình hình hoạt động, báo cáo tài chính của doanh nghiệp, giá trị, cách thức thẩm luận dự án... để các chuyên gia tài chính đánh giá, từ đó có hướng thanh tra rõ ràng hơn, minh bạch hơn", ông Hải đề nghị.

Hoài An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/mobifone-chi-gan-9000-ty-mua-avg-nhung-cau-hoi-kho-3323177/